Vào nội dung chính
SYRIA - QUỐC TẾ

Syria 7 năm chiến tranh: « Phương Tây không muốn thừa nhận là đã thua »

Thứ Năm, ngày 15/03/2018, Syria bước vào năm thứ 8 của cuộc chiến tranh trong lúc chiến sự vẫn đang diễn ra dữ dội ở Đông Ghouta và Afrin. Trả lời các câu hỏi của kênh truyền hình France 24, nhà nghiên cứu Fabrice Balanche cho rằng tuy có nhiều tác nhân trong cuộc chiến này, nhưng Bachar al-Assad vẫn là người thắng cuộc. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Nội chiến tại Syria trong 7 năm qua đã làm hàng triệu người dân phải sơ tán và di tản.
Nội chiến tại Syria trong 7 năm qua đã làm hàng triệu người dân phải sơ tán và di tản. REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Ngược dòng thời gian, vào ngày 15/03/2011, đến lượt Syria bị dính vào cuộc Cách Mạng Mùa Xuân, sau 40 năm dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của Hafez al-Assad, rồi đến người con trai Bachar của ông. Tuy bị luật tình trạng khẩn cấp 1963 cấm đoán, nhiều cuộc biểu tình vẫn diễn ra ở Damas và nhiều thành phố khác.

Khẩu hiệu là gì ? Tố cáo tham nhũng, nạn bạo chúa, chế độ. Vài ngày sau, nhiều người biểu tình bị bắn chết ở Deraa, phía nam Syria. Cuộc nổi dậy chớm bắt đầu và sau này trở thành cuộc chiến. Bảy năm sau, cái giá phải trả là 350.000 người chết, 7 triệu người tị nạn, 6,3 triệu người sơ tán trong nước (trong số 23 triệu dân) và một đất nước hoang tàn, cuộc xung đột Syria đã vẽ lại bàn cờ địa chính trị thế giới.

Nếu như hôm nay biển máu vẫn tiếp tục đổ tại đông Ghouta, tại tỉnh Idleb (giữa các phe nổi dậy), ở Deraa và Afrin, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra bất lực. Ông chủ Damas, nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đồng minh Nga và Iran, đã lấy được quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ trước đây rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo hiện bị thảm bại về quân sự. Vladimir Putin, nghiễm nhiên tự cho mình là một tác nhân không thể thiếu vắn tại Trung Đông.

France 24 : Bachar al-Assad đã nắm lại được quyền kiểm soát một nửa lãnh thổ Syria. Liệu chúng ta có thể nói là ông ấy đã thắng trận ?

Fabrice Balanche : Đương nhiên là ông ấy thắng rồi, dù rằng chiến thắng này có vẻ không mấy vẻ vang lắm và một phần lớn lãnh thổ vẫn còn xa tầm tay ông ấy. Năm 2012 có tính quyết định bởi vì cuộc nổi dậy trước đó vẫn chưa thể chuyển từ giai đoạn chiến tranh du kích của các nhóm rời rạc sang thành một đạo quân có tổ chức với một dự án chính trị. Quân đội Syria vẫn còn gắn kết. Các cuộc đào tẩu chỉ liên quan đến các lính nghĩa vụ và các sĩ quan thứ cấp.

Chính quyền tập trung quân vào các thành phố, các trục giao thông lớn và để cho những ai không muốn chiến đấu ra đi, đó là điều quan trọng khi muốn mở một cuộc phản công. Ông Assad biết trước là sẽ được Nga và Iran hậu thuẫn đến cùng, ông ấy có thể tin cậy vào sự trung thành của một phần ba dân chúng (những bộ tộc thiểu số, giới tư sản và một số bộ tộc Ả Rập theo hệ phái Sunni). Vì thế, ông ấy có đủ cơ sở để tái chiếm dần dần lãnh thổ.

Thế nhưng, chính sách chống nổi dậy đòi hỏi có thời gian. Chẳng hạn tại Algeri, chính phủ mất hết 10 năm để tiêu diệt quân Hồi giáo cực đoan. Nếu như bạn có một cơ sở an toàn, một chiến lược, có những đồng minh quyết tâm và ở phía bên kia, người ta lại không thể hợp nhất, về lâu dài bạn chỉ có thắng. Kể từ khi lấy lại được Aleppo vào cuối năm 2016, chiến dịch chống nổi dậy đã tăng tốc. Trong vài tuần nữa, Bachar al-Assad sẽ chấm dứt việc tái chiếm những vùng còn lại trong tay quân nổi dậy ở xung quanh Damas, tiếp đến, ông ấy sẽ tính đến phía bắc Syria.

Những tộc người Ả Rập ở Raqqa, Manbij, Tell Abyad (gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ) chỉ mong muốn chế độ trở lại, tức là muốn hòa bình và sự ổn định. Những bộ tộc này không còn muốn sống dưới sự thống trị của người Kurdistan. Cuộc chiến với Thổ Nhì Kỳ không phải là chuyện của họ. Về phần người Kurdistan, thế nào rồi họ cũng sẽ quay sang Nga và Iran để được bảo vệ trước sự tấn công của Ankara, ngay khi mà người Mỹ từ chối che chở họ. Hiện giờ, Assad để cho tình hình ở phía bắc ngày thêm xấu đi và tập trung vào những ốc đảo nổi dậy nhỏ, nhắm vào Damas, để chứng tỏ rằng ông ấy mới chính là chủ nhân đất nước, bởi vì « ai chiếm được Damas thì nắm được cả Syria » như cha của ông ấy từng nói.

Nếu như cuộc xung đột giờ đang sa lầy, nhất là tại đông Ghouta và tại Afrin, phải chăng đó là vì Syria đã trở thành bàn cờ cho các cường quốc ngoại bang ?

Không thể nói là sa lầy được. Chế độ Damas, Nga và Iran đã có một bước tiến rõ rệt. Tại phương Tây, người ta muốn sử dụng từ này để làm cho mọi người tin rằng không có giải pháp nào hết và tình hình đang bị bế tắc. Phương Tây không muốn nhìn nhận là mình đã thua. Chắc hẳn là sự can thiệp của các cường quốc đang cản đà tiến của chế độ và các đồng minh. Phương Tây ủng hộ quân nổi dậy nhưng không mạnh mẽ vì sợ phải can thiệp nhiều hơn, gởi thêm nhiều lính đánh bộ hơn. Tại Pháp và Hoa Kỳ, người ta cũng lo ngại là điều này sẽ giống như ở Libya.

Phương Tây kéo dài cuộc xung đột nhằm làm cho Nga thấy là họ không rời bỏ khu vực này. Họ lớn tiếng báo động về « thảm họa nhân đạo » tại Liên Hiệp Quốc, nhưng trong một chừng mực nào đó, họ cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Tất cả những người có lý trí đều biết hệ quả cuộc xung đột. Khi kéo dài cuộc xung đột vì những lý do địa chính trị, người ta chỉ gây ra thêm nhiều nạn nhân và tạo ra những quả bom nổ chậm. Bởi vì cả một thế hệ trẻ em không được đi học từ bẩy năm qua. Và những đứa trẻ yếu ớt đó có thể một ngày nào đó sẽ bị các tổ chức khủng bố chiêu mộ. Rồi cuối cùng thì chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả này.

Chiến lược của Bachar Al Assad hiện nay là gì ?

Tôi ngờ rằng việc kéo dài cuộc xung đột và chiến lược chống nổi dậy có thể làm cho 10 triệu người phải rời khỏi Syria. Đã có 7 triệu người rời bỏ đất nước. Nếu hòa bình không được tái lập nhanh chóng và kinh tế không tái khởi động, thì sẽ còn có 3 triệu người nữa ra đi trong những năm tới.

Chắc chắn Bachar Al Assad đã hiểu được là Syria quá đông dân so với khả năng của nước này cũng như khả năng hành động trong nền kinh tế mà hệ thống chính trị có thể cho phép. Tại châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp, chúng ta đã có cái mà tầng lớp tư sản gọi là « những giai cấp nguy hiểm », đó là tầng lớp vô sản đô thị sẵn sàng nổi dậy và cần phải khuất phục bằng vũ lực hoặc tống đi tân thế giới.

Syria trước đây ở trong tình trạng tương tự với hàng triệu người sống trong những khu vực không được chính quyền thừa nhận, ở Damas, Aleppo, Homs, Raqqa, những vùng nông thôn đông đúc và là nạn nhân của hạn hán triền miên. Số dân cư này là nền tảng xã hội của cuộc nổi dậy.

Trái ngược với Tunisia hay Ai Cập, nét đặc thù của Syria là sự phân chia dân cư thành các cộng đồng và do vậy đã hạn chế được sự nổi dậy của cộng đồng Ả Rập Sunni, và cộng đồng Kurdistan ở phía bắc nhưng theo một thời biểu khác, trong khi đó, các cộng đồng thiểu số tôn giáo thì đứng ngoài phong trào nổi dậy.

Một đặc trưng khác của Syria là dân số tăng vọt, nhưng với các mức độ khác nhau tùy theo cộng đồng, bởi vì trong cộng đồng người Hồi Giáo Alaoui, Hồi Giáo Nhất Thể (Druze) và Cơ Đốc Giáo, mỗi phụ nữ không có quá hai con, còn người Hồi Giáo Sunni thì vẫn có tỷ lệ trung bình cao. Đến mức là trong một thế hệ, tỷ lệ các cộng đồng thiểu số tôn giáo, trụ cột của chế độ, đã giảm từ 30% xuống còn 20% trong tổng dân số của Syria.

Do vậy, theo lô-gích chính trị, cần phải giảm tỉ trọng dân số của giai cấp và cộng đồng được coi là « nguy hiểm » đối với chế độ. Chính vì thế, hàng triệu người Syria đã bị xô đẩy ra bên ngoài. Hiện nay, họ chủ yếu sống tại Liban, Jordani, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Vào lúc này, châu Âu đã có được một giao kèo với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan : người ta nhắm mắt làm ngơ trước làn sóng trấn áp tại Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ trấn áp người Kurdistan, không nói gì đến Afrin và chi một cách hào phóng cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giữ chân những người tị nạn. Như vậy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có một phương tiện lớn để bắt bí châu Âu và vào bất kỳ lúc nào, Ankara có thể mở biên giới để xua đuổi người tị nạn ra bên ngoài. Trong khi đó châu Âu không có kế hoạch B để đối phó.

Phải chăng cuối cùng thì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo là kẻ bị thảm bại nhất trong bẩy năm chiến tranh ở Syria ?

Bị thua thiệt nhiều nhất là người dân Syria. Trong hai năm vừa qua, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo quả thực là gần như loại bỏ. Thế nhưng, đó là một con thủy quái. Nó sẽ tái xuất hiện dưới một hình dạng khác. Al Qaida tại Irak, do Abou Moussab Al Zarqaoui lãnh đạo, đã sản sinh ra tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lần đầu tiên vào năm 2006. Phong trào này đã tiến hành cuộc nổi dậy chống lại Hoa Kỳ cho đến năm 2011.

Sau đó, phong trào đi vào hoạt động bí mật và tái xuất hiện dưới dạng tổ chức Al Norsa, rồi Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria và vùng Levant (phía đông Địa Trung Hải) hồi năm 2013. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã tranh thủ cuộc chiến tại Syria để cắm rễ tại nước này, rồi sau đó, tiến hành một cuộc nổi dậy tại Irak năm 2014. Giờ đây, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lại đi vào hoạt động bí mật và chúng ta chưa kết liễu được hoàn toàn tổ chức này.

Vladimir Putin đã thành công trong việc tự khẳng định là một thủ lĩnh không thể thiếu vắng trong khu vực. Phải chăng ông ta là người thắng lớn ?

Hiển nhiên. Cuộc chiến tại Syria là cơ hội bằng vàng cho ông Putin đưa nước Nga trở lại khu vực này cũng như trên sân khấu quốc tế. Ông Putin trở thành nhân vật không thể thiếu vắng trong vấn đề Syria cũng trong nhiều hồ sơ khác : Ông ta được cho là người đảm trách bảo hộ vùng Golan, bật đèn xanh cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tấn công người Kurdistan ở Afrin, đại diện cho chính phủ Syria trong các cuộc đàm phán quốc tế.

Liên minh của Nga với Iran đã cho phép gây áp lực với Ả Rập Xê Út giảm sản lượng dầu lửa và làm tăng giá dầu lửa như Putin mong muốn. Putin cũng biết rằng hàng triệu người Syria tị nạn gõ cửa châu Âu đe dọa sự gắn kết giữa các nước châu Âu. Và tất cả những gì làm suy yếu châu Âu thì đều tốt cho nước Nga.

**********

- Fabrice Balanche là chuyên gia về Syria, giảng dậy tại trường Đại học Lyon 2 và là giảng viên nghiên cứu thỉnh giảng tại đại học Stanford. Năm 2012, ông đã từng cho rằng Bachar al-Assad sẽ thắng cuộc chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.