Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÍNH TRỊ

Rex Tillerson nhận tin bị sa thải qua twitter của TT Trump

Vừa công du châu Phi trở về, ngoại trưởng Mỹ hôm qua, 13/03/2018, đã nhận tin bị mất chức qua những dòng twitter của tổng thống Donald Trump mà không hề biết lý do tại sao. Tuy nhiên, ông Rex Tillerson ngay sau đó đã xác nhận thông tin và tổng thống Trump đã giải thích trước báo giới lý do đơn giản là vì bất đồng quan điểm.

Ngoại trưởng Tillerson trả lời báo giới sau khi bị tổng thống Trump cách chức, bộ Ngoại Giao, Washington, ngày 13/03/2018.
Ngoại trưởng Tillerson trả lời báo giới sau khi bị tổng thống Trump cách chức, bộ Ngoại Giao, Washington, ngày 13/03/2018. REUTERS/Leah Millis
Quảng cáo

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

Ngay sau thông báo bị cách chức, ông Rex Tillerson đã xuất hiện trong cuộc họp báo, mặt hằn nét mệt mỏi, để loan báo việc ông chính thức rời khỏi chức vụ vào cuối tháng này. Không một từ nào nói đến tổng thống theo phép xã giao thông thường. Ông Rex Tillerson đã biết tin bị bãi nhiệm qua mạng xã hội, bằng dòng twitter buổi sáng của tổng thống, khi ông vừa kết thúc chuyến công du châu Phi.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ viết : « Ngoại trưởng đã có ý định ở lại. Ông chưa hề nói chuyện với tổng thống và không biết lý do vì sao ông phải ra đi ».

Tổng thống Trump đã biện hộ cho quyết định của mình trước báo giới ngay sau đó : « Tôi và Rex rất hiểu nhau, nhưng chúng tôi có ý kiến và cách suy nghĩ khác nhau ». Trong số các bất đồng, có thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump nói : « Tôi cho (thỏa thuận với Iran) thật là kinh khủng, trong khi ông ta cho rằng có thể chấp nhận được thỏa thuận này ».

Về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ông Donald Trump đã không thông báo cho Rex Tillerson về ý định gặp lãnh đạo Kim Jong Un. Còn về hồ sơ Israel-Palestine, ông Trump lại trao cho con rể Jared Kushner lo.

Từ nhiều tháng qua, ngoại trưởng Mỹ, tỏ ra là một người ôn hòa, lẻ loi trong chính quyền Trump.

Tổng thống Mỹ đã chọn một nhân vật trong giới tướng lãnh để thay thế, ông Mike Pompéo, lãnh đạo cơ quan tình báo CIA. Ông này vẫn được coi thuộc phe diều hâu trên hồ sơ Iran và Bắc Triều Tiên.

Mike Pompeo và các quan điểm “diều hâu”

Theo các nhà quan sát, với Mike Pompeo làm ngoại trưởng, tổng thống Mỹ sẽ có được một người hầu như hoàn toàn đồng quan điểm với mình trên các hồ sơ quốc tế.

Năm nay 54 tuổi, ông Pompeo là một thành viên đảng Cộng Hòa có lập trường bảo thủ, tốt nghiệp trường võ bị West Point và trường luật ở Đại Học Harvard, từng là dân biểu bang Kansas tại Hạ Viện Mỹ từ năm 2011 đến năm 2017, trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA.

Theo báo chí Mỹ, Mike Pompeo là một trong những tiếng nói diều hâu trong nội các của ông Trump, có quan điểm rất gần với ông Trump trên các hồ sơ quốc tế quan trọng.

Về Nga chẳng hạn, người được chỉ định làm ngoại trưởng Mỹ từng được biết đến là thường hay giảm nhẹ tầm quan trọng của việc Nga xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vì điều đó không có gì mới lạ, đã từng được Mátxcơva tiến hành từ hàng chục năm trước đây.

Về Iran cũng vậy, ông Pompeo rất cứng rắn với chế độ Teheran, và từng kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký với Iran vào năm 2015.

Quan điểm cứng rắn cũng từng được ông Pompeo biểu lộ trong cách đối phó với Bắc Triều Tiên, và nhất là với Trung Quốc, mà đà vươn lên tại vùng Đông Á cần phải được hạn chế, thậm chí ngăn chặn.

Nhìn chung, giới quan sát cho rằng, với ông Pompeo, nền ngoại giao Mỹ sẽ trở nên cực đoan hơn.

Gina Haspel và tai tiếng tra tấn tù nhân

Để thay vào vị trí của ông Pompeo tại cơ quan tình báo CIA, tổng thống Mỹ đã bất ngờ đề cử một phụ nữ, bà Gina Haspel, đương kim phó giám đốc cơ quan này. Nếu được Quốc Hội chuẩn y, bà Haspel sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo CIA.

Sinh năm 1956, bà Haspel bắt đầu làm việc cho cơ quan CIA từ năm 1985. Là một nhân viên tình báo chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, tên tuổi của bà Gina Haspel tuy nhiên lại bị gắn liền với các hành động tra tấn tù nhân trong các nhà tù bí mật của CIA trên thế giới, một chương trình đã bị cấm từ năm 2009.

Một cách cụ thể, báo chí Mỹ đã liên kết bà Haspen với các biện pháp tra tấn ở nhà tù khét tiếng Abu Graib tại Irak, từng điều hành một nhà tù đen ở Thái Lan, giám sát quá trình tra tấn hai nghi phạm khủng bố và sau đó đã tiêu hủy các đoạn băng ghi lại các cuộc tra khảo.

Vấn đề được giới quan sát ghi nhận là trong thời gian vận động tranh cử trước đây, bản thân tổng thống Donald Trump nhiều lần tỏ ý tin tưởng vào hiệu quả của các biện pháp tra tấn.

Việc đề cử một nhân vật gây tranh cãi như trên vào chức giám đốc CIA đã bị giới hoạt động nhân quyền cực lực chỉ trích. Tuy nhiên trong nội bộ cơ quan, bà Gina Haspel được cho là rất có uy tín.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.