Vào nội dung chính
CUBA - CASTRO

Cuba: Lui về ở ẩn, Raul Castro tiếp tục nhiếp chính từ hậu trường

Ông Raul Castro sẽ chính thức rời vị trí chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước, cơ quan hành pháp Cuba, vào ngày 19/04/2018. Tuy nhiên, ông sẽ không từ bỏ quyền lực, mà tiếp tục điều hành đất nước từ trong hậu trường vì vẫn giữ chức tổng bí thư đảng Cộng Sản. Với nhật báo Le Figaro, “Raul Castro ra đi, chỉ là ảo giác”.

Chủ tịch Cuba Raul Castro trong buổi lễ trao huy chương Anh hùng Lao động cho các cựu lãnh đạo Cách Mạng Cuba tại Havana, ngày 24/02/2018.
Chủ tịch Cuba Raul Castro trong buổi lễ trao huy chương Anh hùng Lao động cho các cựu lãnh đạo Cách Mạng Cuba tại Havana, ngày 24/02/2018. Omara Garcia Mederos/ACN/via REUTERS
Quảng cáo

Việc chọn ngày 19/04 để chỉ định người kế nhiệm chức chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước mang đầy tính biểu tượng. Thứ nhất, vào chính ngày đó, năm 1961, xảy ra sự kiện Vịnh Con Heo với âm mưu đảo chính bất thành của những người Cuba chống chế độ Castro và được Mỹ hậu thuẫn. Ông Raul Castro chính thức đứng đầu nhà nước Cuba trong vòng 10 năm (2008-2018), nhưng thực ra trong suốt thời kỳ anh trai Fidel Castro cầm quyền, ông Raul luôn đóng vai trò quan trọng, dù bị cái bóng của anh trai che khuất, và là người đứng đầu quân đội Cuba. Thứ hai, phó chủ tịch Miguel Díaz-Canel, người luôn được cho là kế nhiệm Raul Castro, sẽ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 58 vào ngày 20/04, một ngày sau chuyển giao quyền lực.

Chủ tịch Raul Castro từng tính đến việc chỉ định người kế nhiệm sớm hơn, vào tháng Hai, nhưng lùi lại đến tháng Tư, vì lý do khắc phục hậu quả do bão Irma gây ra. Thực ra, theo nhật báo Le Figaro, nguyên nhân chính là một số khó khăn trong việc tổ chức kế nhiệm vì phải chắc là ông Miguel Díaz-Canel sẽ trở thành chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước.

Trong trường hợp này, ông Raul Castro vẫn có thể tiếp tục điều hành đất nước vì ông còn giữ chức tổng bí thư đảng Cộng Sản đến năm 2021 và theo Hiến Pháp Cuba, “đảng là lực lượng lãnh đạo tối cao của xã hội và Nhà nước”. Tân chủ tịch Díaz-Canel sẽ chỉ như một con rối, giống trường hợp của Osvaldo Dorticós từ 1959-1976. Thực vậy, ông Miguel Díaz-Canel sẽ không có thực quyền trong quân đội, trong các tổ chức an ninh Nhà nước cũng như trong đảng Cộng Sản Cuba.

Bên cạnh đó, ông Raul Castro đã dọn đường cho người thân trong gia đình vào một số vị trí chủ chốt của chính quyền: con trai - tướng Alejandro Castro vào một vị trí cố vấn An ninh Quốc gia. Trước đó, vị tướng này từng đóng vai trò quan trọng trong chính phủ : có thể truy cập dữ liệu mật liên quan đến rất nhiều lãnh đạo của chế độ ; từng tham gia đàm phán bí mật với chính quyền Obama giúp hai nước xích lại gần nhau một cách ngoạn mục vào năm 2015; con rể Luis Rodríguez López-Callejas được bổ nhiệm đứng đầu tập đoàn Gaesa đầy quyền lực, quản lý phần lớn hoạt động kinh tế của quân đội, kể cả trong lĩnh vực du lịch đang phát triển mạnh.

Chủ tịch Raul Castro muốn chuyển giao quyền lực một cách yên lặng vì biết rằng Cuba rơi vào tình cảnh khó khăn từ khi Venezuela chìm trong bất ổn : dù kinh tế tăng 1,6% trong năm 2017 nhưng tình trạng thiếu thốn, đặc biệt là chất đốt, ngày càng gia tăng vì Venezuela đã giảm một nửa khối lượng dầu sang đảo quốc.

Le Figaro nhận định, trong 10 năm cầm quyền, ông Raul Castro đã tiến hành nhiều cải cách không thể chối cãi được. Về mặt nhân quyền, dù vẫn gây sức ép với dân chúng, ông đã trả tự do cho những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất thông qua trung gian của Vatican và Giáo Hội. Hiện giờ, các vụ bắt giữ, dù vẫn nhiều, nhưng chỉ kéo dài vài ngày. Trên lĩnh vực kinh tế, ông Raul Castro mở cửa cho hoạt động tư nhân, theo mô hình của Việt Nam. Kết quả là khoảng 200 ngành nghề đã được thành lập, khoảng 500.000 doanh nghiệp nhỏ ra đời ; đường phố Cuba thay hình đổi dạng, sầm uất hơn với cửa hàng dịch vụ. Người dân được phép bán nhà, bán xe, thay vì chỉ được trao đổi như trước đây.

Trong lĩnh vực ngoại giao, ông Raul Castro đã nối lại quan hệ với kẻ thù truyền kiếp Hoa Kỳ. Dù tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump vờ dọa xem xét lại quan hệ song phương để chiều lòng cộng đồng Cuba ở Miami, nhưng thực ra không ảnh hưởng đến việc hai cựu thù xích lại gần nhau.

Syria: Đông Ghouta, Afrin chìm trong bom vì sự dửng dưng của phương Tây

Tại Syria, các trận chiến vẫn tiếp tục bất chấp lệnh ngừng bắn trên Libération và Ghouta hấp hối dưới làn mưa bom trên Le Figaro là những nhận định chung về thực tế mà người dân Syria tại Đông Ghouta, ngoại ô Damas, đang phải trải qua hàng ngày. Chính Sự bất lực tại Syria ngay trong ngày đầu hưu chiến, như nhận định của bài xã luận trên La Croix, đã khiến hơn 500 người chết chỉ trong vòng 7 ngày oanh kích của quân đội chính phủ.

Vẫn theo Le Figaro, ngoại trưởng Pháp Le Drian gây sức ép với Matxcơva về Syriatrong chuyến công du thủ đô Nga ngày 27/02/2018. Hai nước đặt ra 5 mục tiêu chung : chống khủng bố, tìm giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, cố gắng tránh để cuộc khủng hoảng Syria lan ra trong vùng và trên quy mô quốc tế, duy trì biên giới hiện nay của Syria và đưa tất cả các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán.

Với Le Monde, “Thảm kịch ở Đông Ghouta, một cuộc tàn sát xử kín” chính là sự dửng dưng tội lỗi của công luận phương Tây góp phần làm gia tăng các trận oanh kích của chế độ Damas nhắm vào thường dân ẩn trong vùng Đông Ghouta, cũng như các cuộc tấn công của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào lực lượng người Kurdistan tại Afrin.

Cho đến phút chót, các đặc phái viên Nga, đại diện của các nhóm vũ trang chống Assad và các nhân vật của đối lập Syria vẫn cố tìm cách tránh cho vùng Ghouta khỏi đối đầu. Ba bên muốn đạt được hai mục tiêu chính : đẩy lùi quân khủng bố thánh chiến Hayat Tahrir Al Cham (trước là Mặt trận Al Nosra) có mặt tại Đông Ghouta sang tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria ; ký được một thoả thuận giữa các phe nổi dậy với chế độ Damas, phe nổi dậy buông súng và đổi lại là một hình thức quyền tự trị. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của các cuộc đàm phán bí mật đã bị thất bại.

Phía chính quyền Syria cũng muốn nhóm Faylaq Al Rahmane phải rời khỏi Đông Ghouta và liệt nhóm này là đồng minh của tổ chức khủng bố thánh chiến vì từng tham gia tấn công một căn cứ quân sự quan trọng gần Harasta, phía tây bắc Đông Ghouta. Trong khi đó, các lực lượng nổi dậy không đồng tình về giả thuyết quan hệ gẫn gũi về lý tưởng giữa Faylaq Al Rahmane và nhóm thánh chiến Hayat Tahrir Al Cham. Với họ, “cáo buộc Faylaq Al Rahmane là chiến thuật cổ xưa của chế độ để gây chia rẽ giữa các lực lượng nổi dậy. Sự thực chế độ không muốn nói đến tự trị, họ muốn một sự khuất phục hoàn toàn”.

Trong một bức thư đề ngày 26/02 gửi đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Le Monde có được, hai phe nổi dậy chính ở Đông Ghouta cho biết sẵn sàng đuổi lực lượng thánh chiến Hayat Tahrir Al Cham ra khỏi vùng này “trong 15 ngày sau khi lệnh đình chiến có hiệu lực”. Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể làm chế độ của tổng thống Bachar Al Assad và đồng minh Nga lùi bước.

Berlin khó xử vì thành công của vũ khí Đức

Với hơn 3 tỉ euro xuất khẩu vũ khí năm 2017, chiếm 5,6% thị trường thế giới, Đức trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, sau Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ. Tuy nhiên, theo Le Monde, thành công của này lại đang khiến chính quyền Berlin rơi vào thế khó xử vì vũ khí “Made in Germany” được sử dụng trên chiến trường Syria.

Một điều khá trái ngược, Đức là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về trang thiết bị quốc phòng, thế nhưng lại quản lý rất kém khâu xuất khẩu, mà theo đánh giá của Le Monde là “thất thường, thậm chí là giả đạo đức”.

Chính quyền Đức kêu gọi tăng cường hạn chế xuất khẩu, nhưng lại tỏ ra ngạc nhiên về khối lượng vũ khí bán ra nước ngoài. Thực vậy, ngành công nghiệp vũ khí không do chính phủ trực tiếp quản lý như ở Pháp, mà quy tụ nhiều doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là công ty gia đình, không liên quan về tài chính với Nhà nước. Chính phủ chỉ đưa ra những nguyên tắc, không có chiến lược chung, còn các doanh nghiệp phải tự chinh phục thị trường nước ngoài vì các đơn đặt hàng của Nhà nước Đức cũng không đủ.

Đức nổi tiếng là một trong những nước ít trang bị vũ khí nhất của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Pháp tuyên bố tổng chi phí dành cho quốc phòng sẽ là 300 tỉ euro từ giờ đến năm 2025, Đức chỉ tăng thêm 2 tỉ euro từ giờ đến năm 2022, nâng tổng số tiền dành cho quốc phòng là 37 tỉ euro. Theo đánh giá của Le Monde, tham vọng phát triển hợp tác quốc phòng giữa hai nước có vẻ khập khiễng với sự chênh lệch về chi phí như trên, trong khi Mỹ muốn NATO chia sẽ gánh nặng quân sự, còn Anh Quốc thì sắp rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Cải tổ ngành đường sát Pháp : Bây giờ hoặc không bao giờ

Kế hoạch cải tổ Công ty Đường sắt Quốc Gia Pháp SNCF bằng sắc lệnh tiếp tục được các báo đề cập. Bài xã luận trên Le Figaro nhận định, sau bao lần bị lùi lại, chỉ có thể cải cách “bây giờ hoặc không bao giờ”. Dù không có gì đảm bảo “chuyển đổi thành công” nhưng ít nhất chính phủ tự tạo cơ hội để tiến hành cải cách. Thêm vào đó, theo kết quả thăm dò, phần lớn người dân Pháp, đã quá chán về tình trạng trơ ì của ngành đường sắt, ủng hộ kế hoạch của chính phủ.

Dĩ nhiên, phía nghiệp đoàn kịch liệt phản đối dự án trên. Vậy “Quy chế của nhân viên ngành đường sắt là gì ?”, La Croix dành nguyên trang nhất mục “Sự kiện” để giải thích. Với chính phủ, cần phải bỏ những đặc quyền đặc lợi của nhân viên đường sắt, hiện tác động đến năng suất của ngành. Còn với những người này, những ưu đãi đó nhằm bù lại điều kiện làm việc đặc thù của họ (làm đêm, ngày cuối tuần, ngày lễ…).

Pháp : Yêu nhau, nhưng nhà ai người ấy sống

“Yêu nhau, nhưng nhà ai người ấy sống (living apart together) là xu hướng xã hội ngày càng phổ biến ở Pháp với khoảng 1,2 triệu người yêu nhau nhưng sống xa nhau. Họ chủ yếu là những người từng ly hôn, thanh niên hoặc những người độc thân trong độ tuổi 40, đã quen với cuộc sống độc lập.

Theo Les Echos, lý do là thất vọng về cảnh sống chung dưới cùng một mái nhà, hoặc muốn tiếp tục được độc lập, hoặc vì lý do công việc. hiện tượng này đã khiến định nghĩa về “một cặp cũng đã thay đổi, không còn là “hai người kết hôn, sống chung dưới một mái nhà.

Chim cánh cụt hoàng gia đối đầu với mối đe dọa biến đổi khí hậu

Le Monde trích lại một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 26/02 báo động “Chim cánh cụt hoàng gia trước sự đe dọa biến đổi khí hậu”. Khoảng 70% loài chim cánh cụt hoàng gia sống tại Nam Cực (tương đương khoảng 1,1 triệu cặp sinh sản) sẽ phải di cư xuống phía nam hoặc sẽ bị biến mất trước cuối thế kỷ XXI nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục theo nhịp độ hiện nay và nếu không có hành động nhanh chóng trên quy mô toàn cầu để ngăn hiện tượng trái đất ấm lên, điều tiết hoạt động đánh bắt và bảo vệ các vùng trú ngụ cho chim cánh cụt.

Trang nhất các nhật báo

“Disney đánh cược thêm 2 tỉ euro vào công viên ở Paris” là chủ đề trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Khoản đầu tư này nhằm giúp công viên giải trí Disneyland Paris duy trì vị trí điểm du lịch hàng đầu ở châu Âu với nhiều khu vực mới dành riêng cho Chiến tranh giữa các Vì sao (Star Wars), Marvel và Nữ Hoàng Tuyết. Chiến lược của dự án được Le Figaro đề cập trong bài phỏng vấn tổng giám đốc The Walt Disney Company.

Bảo vệ nạn nhân bị lạm dục tình dục được Libération đưa trên trang nhất với tiếng nói của hơn 100 nữ nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, các nhà sản xuất Pháp… cùng lời phát biểu : “Chúng ta đã chịu đựng, chúng ta câm lặng. Giờ chúng ta hành động”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.