Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc cấm công dân du lịch Nam Cực chạm vào chim cánh cụt

Nam Cực hiện trở thành điểm du lịch được ưa chuộng. Nếu như năm 1980, chỉ có khoảng 2.000 du khách tò mò đặt chân đến cực nam, thì hiện có khoảng 45.000 du khách đến địa điểm này hàng năm, trong đó khoảng 12% là du khách người Hoa. Trang Mashable (14/02/2018) cho biết chính phủ Trung Quốc đã phải đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt để hoạt động du lịch ở Nam Cực không phá hủy hệ thống sinh thái của lục địa trắng.

Chim cánh cụt, loài vật cần được bảo vệ ở Nam Cực. Ảnh của Greepeace chụp tại Nam Cực ngày 25/01/2018.
Chim cánh cụt, loài vật cần được bảo vệ ở Nam Cực. Ảnh của Greepeace chụp tại Nam Cực ngày 25/01/2018. Christian Åslund / Greenpeace Anh / AFP
Quảng cáo

« Không được xua đuổi, không được vứt rác, không được chạm và cho chim cánh cụt ăn ». Đây là một trong những quy định mà du khách Trung Quốc phải tuân thủ khi du lịch Nam Cực. Được chính phủ áp dụng từ ngày 08/02/2018, các biện pháp này nhằm mục đích cứu hệ động-thực vật của lục địa trắng, hiện đang bị đe dọa do số du khách hàng năm tăng đáng kể, theo giải thích của South China Morning Post.

Để tham quan các trung tâm nghiên cứu, băng hà và quan sát các chú chim cánh cụt, du khách Trung Quốc thưởng phải chi khoảng 100.000 NDT (13.000 euro).

Tháng 09/2017, ông Tần Vĩ Gia (Qin Weijia), giám đốc Cơ quan nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực, thừa nhận Trung Quốc là một trong bốn nước ký Hiệp ước châu Nam Cực (cùng với Ấn Độ, Ba Lan và Ecuador) chưa có quy định liên quan đến thái độ của khách du lịch trên lục địa trắng.

Nếu không tuân thủ các quy định, du khách vi phạm sẽ bị cấm đến Nam Cực trong vòng 3 năm. Đội ngũ thanh tra có mặt tại chỗ giám sát việc áp dụng quy định này.

Tỉ lệ chim cánh cụt chết tăng gần 60%

Dù đã có quy định, nhưng tình trạng môi trường ở Nam Cực vẫn bị ngành du lịch đe dọa, một ví dụ được The Independent nêu lên là những con tầu chở khách gây ô nhiễm. Các chuyến bay thương mại đến lục địa này cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trên quy mô lớn. Trung Quốc bắt đầu tổ chức tour từ tháng 12/2017, khởi hành từ Hồng Kông.

Một vấn đề nhức nhối khác chính là bệnh tật do con người mang lại. Trang New Scientist thống kê là các loại vi khuẩn như Salmonella, E.coli, virus West Nile… từng lan tràn ở cực Nam. Một số vi khuẩn đã khiến tỉ lệ chim cánh cụt chết tăng thêm 60% chỉ trong năm 2008.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.