Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - VATICAN

Đức giáo hoàng tiếp kiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Roma tăng cường an ninh

Quy chế của thành phố thành Jerusalem và chiến dịch quân sự do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành nhắm vào người Kurdistan tại Afrin, miền bắc Syria, là hai chủ đề lớn được tổng thống Erdogan thảo luận trong buổi xin được đức giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến sáng nay 05/02/2018 tại Vatican. Đây là lần đầu tiên từ gần 60 năm qua, một lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân đến Tòa Thánh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Tòa Thánh Vatican ngày 5/02/2018.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Tòa Thánh Vatican ngày 5/02/2018. REUTERS/Alessandro Bianchi
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, tổng thống Recep Tayyip Erdogan và lãnh đạo Vatican đồng ý trên một hồ sơ: cả hai cùng lên án quyết định của tổng thống Donald Trump dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, coi đây là thủ đô của nhà nước Do Thái.

Ngược lại đức giáo hoàng Phanxicô luôn chống đối mọi hình thức chiến tranh, và quyết định sử dụng vũ khí hàng loạt, do vậy mọi người chờ đợi, lãnh đạo Vatican sẽ mạnh mẽ chống đối chiến dịch quân sự Ankara đang tiến hành tại Afrin, miền Bắc Syria.

Sau cùng, quan hệ cá nhân không mấy thắm thiết giữa đức giáo hoàng và tổng thống Erdogan. Là một người chủ trương mở rộng đối thoại giữa các nền tôn giáo trên thế giới, năm 2014 đức giáo hoàng Phanxicô đã tông du Thổ Nhĩ Kỳ trong một bầu không khí được đánh giá là "lạnh nhạt". Ông Erdogan luôn chỉ trích thái độ bị cho là bài Hồi Giáo của các nền văn hóa phương Tây.

Hai năm sau tại Erevan, lãnh đạo Tòa Thánh đã sử dụng cụm từ "diệt chủng" nêu lên trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt thảm sát người Armenia trong giai đoạn 1915-1916 làm từ 1,2 đến 1,5 triệu nạn nhân thiệt mạng. Tuyên bố này đã khiến Ankara vô cùng giận dữ.

Ngoài cuộc hội kiến với đức giáo hoàng sáng nay, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có buổi làm việc với đồng nhiệm Ý, tổng thống Sergio Matterella và thủ tướng Gentilloni. Với các lãnh đạo của Ý, hồ sơ chính liên quan đến nhập cư, khả năng Ankara gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và hợp tác về công nghệ quốc phòng.

Thủ đô Roma tăng cường các biệt pháp an ninh, huy động 3.500 nhân viên cảnh sát, cấm các tổ chức hội đoàn biểu tình ở trung tâm thủ đô nước Ý trong vòng 24 giờ, suốt thời gian tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại Ý.

Dù vậy khoảng 200 người thuộc một hiệp hội của cộng đồng người Kurdistan tại Ý dự trù biểu tình ngồi vào trưa nay cách không xa tòa thánh Vatican để tố cáo Ankara tấn công người Kurdistan tại Afrin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.