Vào nội dung chính
MỸ - CHÂU ÂU

Donald Trump chỉ trích chính sách thương mại "bất công" của Liên Âu

Đài truyền hình Anh ITV ngày 28/01/2018 phát chương trình phỏng vấn tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó lãnh đạo Hoa Kỳ gián tiếp dọa trừng phạt Liên Hiệp Châu Âu, do đối xử "rất bất công với Mỹ" về thương mại. Buổi nói chuyện đã được thực hiện ba hôm trước đó, khi tổng thống Hoa Kỳ tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu tại Diễn đàn Davos, Thụy Sĩ, 26/01/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu tại Diễn đàn Davos, Thụy Sĩ, 26/01/2018. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Tổng thống Trump báo trước, cư xử "bất công" với Mỹ, "chung cuộc sẽ bất lợi rõ ràng" đối với Liên Hiệp Châu Âu. Theo các nhà quan sát, đây là một cách Washington gián tiếp đe dọa trừng phạt kinh tế Bruxelles.

Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố đã "gặp nhiều vấn đề với Liên Hiệp Châu Âu và điều đó có thể dẫn tới chuyện lớn trong lĩnh vực thương mại". Hãng tin AFP nhắc lại một cách cụ thể hơn, ông Trump đánh giá là Mỹ rất khó bán hàng cho Liên Âu, ngược lại thì Liên Hiệp Châu Âu lại xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ mà "không bị đánh thuế hay gần như là không bị đánh thuế".

Tuần qua, Washington đã ban hành các biện pháp "bảo hộ" tăng thuế nhập khẩu nhắm vào pin mặt trời của Trung Quốc, máy giặt Hàn Quốc, nhiều sản phẩm do Mêhicô, Thái Lan hay Việt Nam sản xuất bán sang thị trường Hoa Kỳ. Riêng với Liên Âu, mục tiêu đầu tiên tổng thống Trump nhắm tới là Berlin, do Mỹ trong tình trạng nhập siêu so với Đức.

Tiến trình đàm phán giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hoa Kỳ về một thỏa thuật tự do mậu dịch chung xuyên Đại Tây Dương (TTIP) hoàn toàn bế tắc, từ khi Donald Trump lên cầm quyền.

Brexit : Liên Hiệp Châu Âu họp bàn về thời kỳ "chuyển tiếp" với Luân Đôn

Tuyên bố trên của tổng thống Hoa Kỳ được đưa ra vài giờ, trước khi các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu – vắng Anh Quốc, họp tại Bruxelles chiều nay 29/01/2018, để bàn thảo về khung đàm phán với Anh Quốc cho giai đoạn "chuyển tiếp" hậu Brexit, tức sau tháng 3/2019.

Tại cuộc họp chiều nay, ngoại trưởng 27 thành viên còn lại trong gia đình Châu Âu chính thức trao quyền cho Ủy Ban Châu Âu để tiếp tục đàm phán với Luân Đôn về "giai đoạn chuyển tiếp" một khi Brexit có hiệu lực. Giai đoạn "chuyển tiếp" này tránh để kinh tế Anh và Liên Âu bị hụt hẫng quá nhiều, khi một thành viên quan trọng của Liên Hiệp ra đi. Luân Đôn mong muốn trong vòng hai năm, bắt đầu từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021, nước Anh vẫn được hưởng một số điều khoản, như khi còn là thành viên của Liên Hiệp để từng bước thích nghi với tình trạng Brexit. Phía Bruxelles thì muốn gian đoạn chuyển tiếp đó "không kéo dài quá ngưỡng ngày 31/12/2020".

Ngoài bất đồng về thời hạn, các bên còn phải thảo luận về quan hệ trong chính sách kinh tế, thương mại, lao động ... giữa Liên Âu với vương quốc Anh thời hậu Brexit. Trước mắt cả Luân Đôn lẫn Bruxelles cùng tuyên bố nỗ lực đàm phán để tìm ra đồng thuận. Trên nguyên tắc đoàn đàm phán của Ủy Ban Châu Âu và Anh Quốc thường xuyên gặp lại nhau hai tuần một lần, để đúc kết thỏa thuận trước cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu, dự trù mở ra trong hai ngày 23 và 23/03/2018.

Vấn đề đặt ra là tại Luân Đôn, thủ tướng Theresa May yếu thế. Phe ủng hộ Brexit ngay trong đảng bảo thủ của bà coi việc đàm phán về giai đoạn "chuyển tiếp" như một sự phản bội. Trong lúc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy tỷ lệ người Anh muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu ngày càng lớn. Thậm chí ngày càng có nhiều người hy vọng Luân Đôn hủy Brexit.

Về khía cạnh này, ngoại trưởng Jean Yves Le Drian dập tắt mọi tiêu tan. Kết thúc chuyến viếng thăm Nhật Bản trong bốn ngày, hôm qua, tại Tokyo, ông tuyên bố với các doanh nhân Nhật là đừng hy vọng Anh Quốc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Nước Anh trong Liên Âu là thực sự "thuộc về quá khứ". Tuyên bố này nhằm chiêu dụ các doanh nhân Nhật Bản chuyển hướng đầu tư vào Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.