Vào nội dung chính
NGA -VLADIMIR PUTIN

2018 : Năm đỉnh cao thắng lợi của tổng thống Nga Putin

Người dân Moussoul (Irak) và Raqqa (Syria), hai thành phố vừa được giải phóng khỏi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, chịu khổ nạn như thế nào (Le Monde) ; cải cách giảm thuế doanh nghiệp Mỹ có lợi cho người làm công hay không (Les Echos) ; ý kiến chuyên gia về dự định của tổng thống Pháp gia tăng kiểm soát các mạng khiêu dâm (Libération) là một số chủ đề trang nhất báo Pháp hôm nay. Về chính trị quốc tế, Le Figaro tập trung giải mã viễn cảnh chính trị Nga năm 2018, được coi là năm « đỉnh cao quyền lực » và « giành thế thượng phong » của tổng thống Vladimir Putin.

Tượng ông Putin với màu cờ Nga tại triển lãm mang tên "Superputin/Siêu nhân Putin", ở bảo tàng UMAM, Matxcơva, 06/12/2017.
Tượng ông Putin với màu cờ Nga tại triển lãm mang tên "Superputin/Siêu nhân Putin", ở bảo tàng UMAM, Matxcơva, 06/12/2017. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Bài « 2018, năm giành thế thượng phong của Putin » mở đầu với nhận định tổng thống Nga « sẽ khởi đầu năm 2018 trên vị thế chủ động trong một loạt vấn đề ». Cuộc tranh cử tổng thống năm 2018 đối với ông Putin chỉ còn là chuyện thủ tục, khi các đối thủ « gây phiền nhiễu » như Alexei Navalny đã bị gạt sang lề. Tầm nhìn của tổng thống Nga thậm chí đang hướng về chân trời quyền lực sau 2024.

Hôm qua 26/12, ông Putin tham dự một nghi thức đặc biệt, tấn cử ông làm « ứng cử viên độc lập » cho cuộc bầu cử tháng 3 tới. Nghi thức được 648 thành viên của một tổ chức mang tên « nhóm sáng kiến » đã « đồng thanh » suy tôn Putin làm lãnh đạo tối cao.

Người « đứng trên mọi đảng phái »

Như vậy kể từ nay, tổng thống Nga sắp mãn nhiệm được coi là người « đứng trên tất cả các đảng phái, các thủ đoạn tranh cử ». Ông Putin sẽ không tham gia vào các tranh luận truyền hình, công việc tranh luận với các ứng viên (được điện Kremli phê duyệt) sẽ được phó thác cho những người thân cận.

Le Figaro nhận xét : « sau 18 năm nắm quyền, Vladimir Putin dường như đã dần dần rút khỏi các vấn đề chính trị trong nước. Rõ ràng ông Putin gắn mình nhiều hơn với vị thế mới đạt được gần đây, với tư cách một người cầm cân nẩy mực trong các quan hệ quốc tế và một chiến lược gia quân sự ».

Về chính trị đối nội, tổng thống Nga đã nắm trong tay một bộ máy hành chính trung thành, kiểm soát hoàn toàn cuộc tranh cử tổng thống, trong đó « các đối thủ đáng kể nhất » có tên là « những người không đi bỏ phiếu ». Toàn bộ các phương tiện truyền thông Nhà nước có nhiệm vụ chính là « đánh bóng » hình ảnh tổng thống Putin, mọi phê phán đều bị gạt sang lề.

Bộ máy truyền thông Nga dựng lên hình ảnh một vị tổng thống được hơn 80% dân chúng ủng hộ. Lãnh đạo Nga được tin tưởng là đáp ứng ba sứ mạng : « người chỉ huy các cuộc chiến » mở rộng ảnh hưởng của Nga, « người bảo vệ đất nước » và « người duy trì ổn định », cho dù thu nhập của người Nga sụt giảm 13% kể từ năm 2014.

Theo nhà chính trị học Pastoukhov, ông Putin đang ở trong « thời kỳ thuận lợi tối đa về chính trị ». Cho dù các thách thức liên tục xuất hiện, thế nhưng « không có thách thức nào là thực sự nguy hiểm », bởi « bất mãn về kinh tế », « xã hội dân sự » và « khủng hoảng định chế » - được coi là « ba động lực chính có thể làm bùng nổ cách mạng » - hiện đều nằm trong vòng kiểm soát.

Chi tiêu quân sự tăng vọt và viễn cảnh phiêu lưu mới

Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu tổng thống Nga còn tiếp tục được vai trò của người duy trì ổn định trong bối cảnh quốc tế tiếp tục gia tăng trừng phạt ?

Hiện tại, các ưu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ tư của ông Putin vẫn còn là điều « bí ẩn ». Chỉ duy nhất một điều rõ ràng, đó là chi phí quân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước Nga Putin trong năm tới, với số tiền tương đương 40 tỉ euro, tăng 32% so với năm trước, chiếm tỉ lệ hơn 5,3 % GDP (năm 2016), cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ (3,3%) và Trung Quốc (1,9%).

Nga – quốc gia tuy đứng thứ 12 về GDP trên thế giới (giữa Hàn Quốc và Tây Ban Nha) – nhưng dự kiến trong 10 năm tới sẽ chi tổng cộng 286 tỉ đô la để phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân, vũ khí có độ chính xác cao và các lực lượng vũ trang cơ động.

Dựa trên một số động thái mới đây, một số nhà quan sát lo ngại gia tăng ảnh hưởng quân sự của Nga tại Ukraina có thể sẽ là các « bước phiêu lưu » sắp tới mà Matxcơva sẽ lựa chọn, để tranh thủ tình cảm của dân chúng trong nước. Nếu bị cộng đồng quốc tế cô lập, bị thách thức về địa chiến lược, chính quyền Putin rất có thể sẽ không ngần ngại có những bước đi mạo hiểm, như đã từng làm với việc sát nhập bán đảo Crimée.

Vẫn về chủ đề nước Nga Putin, Le Figaro trong bài xã luận « 2018, đỉnh cao quyền lực » lưu ý là, cho dù đã thành công trong việc « đặt nước Nga trở lại bàn cờ thế giới », cựu sĩ quan KGB rõ ràng là « một nhà điều quân xuất sắc », nhưng chưa hẳn đã là « một chiến lược gia tài giỏi ». Trong khi hàng loạt chỉ số xã hội và kinh tế của Nga đều ở mức báo động, ưu tiên của Matxcơva lại không phải là cải cách.

Học sinh Nga phải khoác áo lính

Mưu toan quân sự hóa học đường tại Nga là một cảnh báo khác của Le Figaro với bài « Giới trẻ Nga buộc phải khoác áo lính ».

Kể từ năm 2016, lần đầu tiên Matxcơva dành một ngân sách cho các hoạt động tại nhà trường, nhằm cổ vũ « lòng yêu nước ». Cụ thể là học sinh ngay từ lứa tuổi 7 đến 12 đã phải học hát những bài hát sặc mùi chiến tranh, mang trang phục quân nhân, cùng vũ khí, hay tham gia các chương trình đón tiếp giới quân nhân. Có nhân chứng – là thầy cô giáo – cho biết rất phản đối chính sách này, nhưng không biết có kháng cự lại được áp lực của chính quyền hay không.

Nga loại đối lập, Liên Âu lên án

Trong hồ sơ nước Nga, báo kinh tế Les Echos chú ý đến chỉ trích được đánh giá là hiếm hoi của Liên Hiệp Châu Âu trước việc ông Nalvany – được coi là nhà đối lập duy nhất– bị loại khỏi cuộc đua, theo một quyết định của tư pháp. Thông cáo của cơ quan đối ngoại Liên Âu cảnh báo quyết định này sẽ gây nghi ngờ về « tính chất đa nguyên chính trị tại Nga, về tính chất dân chủ của cuộc bầu cử tới ».

Không được tham gia tranh cử, nhà lãnh đạo đối lập kêu gọi dân chúng tẩy chay bầu cử. Theo một số chuyên gia, bị cử tri tẩy chay cũng là một viễn cảnh mà điện Kremli lo ngại. Một trong các lý do chính có thể khiến đông đảo cử tri không bỏ phiếu là kết quả coi như đã biết trước.

Ấn Độ : Cường quốc kinh tế thứ năm ?

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos cho hay trong năm 2018, Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành cường quốc kinh tế thứ 5. Ấn Độ sẽ vượt qua Pháp và Anh, theo báo cáo kinh tế thường niên về kinh tế toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh Tế và Doanh nghiệp (CERB) và Global Construction Perspectives (GCP), công bố hôm qua.

Một phụ trách báo cáo nói trên bình luận là kinh tế Ấn Độ sẽ tiến lên một cách vững chắc, bất chấp một số chính sách gây bất lợi trong thời gian qua, như từ bỏ tiền mặt hay ban hành một số sắc thuế mới. Ấn Độ dự kiến sẽ duy trì vị trí thứ 5 cho đến năm 2022, và vọt lên vị trí thứ ba vào ngưỡng cửa 2032, vượt qua Nhật Bản và Đức.

Trong 15 năm tới, hai động lực chính của tăng trưởng Ấn Độ là phát triển công nghệ và đô thị hóa. Tỉ lệ tăng trưởng cao một phần quan trọng là do giá năng lượng và công nghệ xuống thấp. Các xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại Ấn Độ và dự án Con Đường Tơ Lụa Mới theo ý tưởng của Trung Quốc sẽ đóng góp thêm 15% vào tổng lượng xây dựng toàn cầu năm 2032.

Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý là dự báo đầy lạc quan nói trên chưa hề tính đến toàn bộ các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, về tài chính, địa chính trị hay khí hậu.

Những nghịch lý mới của kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới hiện đang đứng trước một bước ngoặt lớn. Les Echos hôm nay giới thiệu góc nhìn của kinh tế gia trưởng công ty Natixis, với bài viết « Các bí ẩn mới của nền kinh tế thế giới ».

Chuyên gia Natixis đặt câu hỏi về những nghịch lý thách thức nền kinh tế các quốc gia phát triển đương đại, như « Tại sao thất nghiệp đang giảm mà không thúc đẩy lương bổng tăng trở lại ? Tại sao kinh tế thế giới không tăng trưởng mạnh, trong lúc các công nghệ mới và ngành tin học phát triển ? Việc các dòng vốn tự do lưu chuyển phải chăng lúc nào cũng có lợi cho nền kinh tế như người ta thường nói ?... ».

Một thách thức khác, được chuyên gia Natixis nêu ra, là phân hóa cao độ trong thị trường lao động, giữa một bên là số lao động có tay nghề cao tăng vọt, bên kia là « lao động ít đào tạo » ngày càng nhiều. Hệ quả là bất bình đẳng tăng mạnh, cùng nhiều vấn đề lớn khác đối với tình hình chính trị, xã hội của các quốc gia liên quan.

Thổ Nhĩ Kỳ : Vì sao tổng thống Erdogan gia tăng đàn áp ?

Về thời sự chính trị quốc tế, Le Monde tiếp tục chú ý đến tình hình đang có xu hướng ngày một tồi tệ hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đợt thanh trừng mới hôm Chủ nhật 24/12, nhắm vào gần 3.000 công chức, trong đó có hơn 600 quân nhân và 100 giảng viên đại học.

Xã luận Le Monde lý giải về nguyên nhân ẩn đằng sau việc tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, dù nắm trong tay toàn bộ quyền lực, nhưng vẫn không thôi triệt hạ đối thủ. Đó là do tổng thống Erdogan ngày càng lo sợ trước tình cảm đối kháng ngày càng gia tăng trong nội bộ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Đối kháng giữa người người theo tôn giáo và những người thế tục, giữa người Thổ và người Kurdistan, giữa người theo hệ phái Hồi Giáo Sunni và người theo Alevi. Các đối kháng nói trên là vốn có, nhưng chính quyền chủ động khoét sâu thêm.

Càng đàn áp, tình cảm nghi ngờ - phẫn nộ ngày càng gia tăng. Các thành phố lớn như Istanbul hay Ankara, từng là căn cứ địa của đảng cầm quyền, đã bỏ phiếu đông đảo chống lại tổng thống trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 4 mới đây.

Máy bay điện : Cuộc đua bắt đầu !

Trong lĩnh vực công nghệ - môi trường, Le Figaro cho hay « Cuộc chiến vì máy bay điện đã bắt đầu ». Điểm đáng chú ý trong cuộc đua mới này là sự tham gia của đông đảo công ty khởi nghiệp, rất ít tên tuổi, với tỉ lệ 46% trong tổng cộng 70 chương trình máy bay điện trên thế giới.

Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu một ngày nào đó các công ty nhỏ, như Lilium, Volocopter, Zunum Aero, Aurora Flight… sẽ vượt mặt các đại gia Airbus, Boeing, Embraer hay Bombardier ? Tờ báo tự trả lời : Vấn đề được nêu ra hoàn toàn không phải là nhằm để tuyên truyền, bởi trên thực tế nền công nghệ hàng không đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.

Hồi tháng 9 vừa qua, công ty Đức Volocopter đã gây ấn tượng mạnh khi thành công trong cuộc thử nghiệm chiếc tắc-xi bay đầu tiên, tại Dubai. Phi cơ điện mini 2X hoạt động độc lập trong vòng nửa giờ, với tốc độ 100 km/giờ. Airbus quyết không từ bỏ vị trí dẫn đầu cuộc đua với dự án phi cơ điện-xăng efan-X, có khả năng chở được đến 90 hành khách, dự kiến sẽ ra lò năm 2022, với sự hợp tác của Siemens và Rolls Royce.

Hiện tại, các công ti đang trông đợi các cản trở về pháp lý, quy chế an ninh được dỡ bỏ, để dồn toàn lực cho cuộc đua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.