Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TÂY BAN NHA

Tương lai chính trị Catalunya bế tắc, dù phe độc lập chiến thắng

Không khí đón mừng chiến thắng trong lặng lẽ của liên minh đòi độc lập cho Catalunya tối qua, 21/12/2017, tại Bruxelles, nơi lãnh đạo đảng đòi độc lập Puigdemont sống lưu vong, toát lên tình cảm chung của rất nhiều cử tri phe thắng. Bất chấp chiến thắng của phe đòi độc lập, rất nhiều khả năng xứ Catalunya sẽ phải bỏ phiếu lại, do bế tắc chính trị.

Những người ủng hộ độc lập cho vùng Catalunya ăn mừng trên đường phố Barcelona, ngày 21/12/2017.
Những người ủng hộ độc lập cho vùng Catalunya ăn mừng trên đường phố Barcelona, ngày 21/12/2017. REUTERS/Albert Gea
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, thách thức trước hết đối với phe đòi độc lập là phải hội đủ đa số tuyệt đối. Hai đảng lớn, đảng Tập Hợp vì Catalunya của ông Puigdemont, 34 ghế, và đảng Cánh Tả Cộng Hòa, 32 ghế, nhất thiết phải có sự ủng hộ của đảng cánh tả cách mạng CUP, với 4 ghế, để có được đa số này. Tuy nhiên, quan điểm hành động của đảng CUP là bất tuân dân sự, chống lại Madrid, hoàn toàn trái ngược với lập trường thương lượng của hai đảng kia.

Tuy nhiên, cho dù có được đa số và một lần nữa có khả năng trở thành lãnh đạo Catalunya, trên thực tế, lãnh đạo phe đòi độc lập không có khả năng lên nắm quyền.

Cựu chủ tịch Catalunya, Carles Puigdemont, khẳng định trong thời gian tranh cử, trong trường hợp thắng lợi, ông sẽ lập lại chính phủ, vốn bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha giải tán ngày 27/10, khi Nghị viện vùng Catalunya tuyên bố độc lập. Vấn đề là hiện nay, trong số tám tân nghị sĩ đòi độc lập, đã có ba người đang bị chính quyền Tây Ban Nha giam giữ, với tội danh « nổi loạn », và năm người khác sống lưu vong, trong đó có cựu chủ tịch Puigdemont. Bản thân ông Puigdemont có nguy cơ bị bắt ngay khi trở về nước.

Một nhà phân tích của công ty tư vấn Teneo Intelligence, được AFP trích lời, dự báo : Quá trình lập chính phủ vùng Catalugnya « hứa hẹn sẽ kéo dài và đầy biến động, khả năng bầu cử mới là cao ». Nếu không chính phủ nào được lập ra trước cuối tháng 03/2018, cử tri Catalunya một lần nữa sẽ phải bỏ phiếu bầu Nghị viện, trong vòng hai tháng tiếp theo.

Cho dù đảng bảo thủ của thủ tướng Mariano Rajoy thất bại nặng nề, chỉ còn 3 ghế dân biểu, gần như bị loại khỏi chính trường Catalunya, hiện tại chính quyền Madrid vẫn nắm quyền quyết định tương lai chính trị của Catalunya. Thủ tướng Rajoy từng nhiều lần cho biết không lưỡng lự sử dụng lại điều 155 của Hiến pháp, để phế truất chính phủ Catalunya và giải tán Nghị viện xứ này.

Về phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, trả lời phỏng vấn AFP tối qua, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu Alexandre Winterstein tuyên bố : Liên Âu sẽ không thay đổi lập trường, coi đây là « công việc nội bộ » của Tây Ban Nha, bất luận kết quả bầu cử. Bruxelles đồng thời kêu gọi « tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.