Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HOA KỲ

Bị cô lập, Mỹ vẫn không muốn từ bỏ vai trò trung gian cho hồ sơ Palestine-Israel

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã làm dấy lên làn sóng chống đối Mỹ rộng khắp trên thế giới. Tiến trình hòa bình Israel-Palestine trở nên mong manh khi Mỹ bị cô lập trên trên bình diện quốc tế. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là sau trận « bão tố » đánh vào uy tín, chính quyền Trump có nghĩ mình vẫn còn vai trò trung gian không thể thiếu được cho các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình giữa người Palestine và người Israel hay không ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có nghĩ mình vẫn là trung gian không thể thiếu cho hòa đàm Palestine-Israel?
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nghĩ mình vẫn là trung gian không thể thiếu cho hòa đàm Palestine-Israel? REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Thông báo hôm 06/12/2017 của tổng thống Mỹ về việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ngay lập tức đã đổ dầu vào đám cháy âm ỉ Palestine-Israel. Làn sóng phản đối đã nhanh chóng dấy lên ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các đồng minh của Mỹ, từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh… đều nhất loạt chống lại quyết định của chính quyền Trump. Dư luận nhìn chung xem đây là một « bước đi nguy hiểm » đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, vốn đã được nhiều chính quyền tiềm nhiệm của tổng thống Trump cố công tìm kiếm giải pháp nhằm duy trì ảnh hưởng trong vùng.

Nhiều nhà quan sát đã ví quyết định trên như viên đạn ông Donald Trump tự bắn vào chân mình, cho dù tổng tổng Mỹ tuyên bố vẫn giữ cam kết giúp tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài giữa người Israel và Palestine.

Thế nhưng, người Palestine ngay sau tuyên bố của ông Trump đã cho biết Washington không còn lý do gì để đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Palestine-Israel. Tổng thống Mahmoud Abbas đã từ chối gặp phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Trung Đông, ban đầu dự kiến vào tuần này, nhưng cuối cùng đã phải hoãn lại sang giữa tháng 02/2018.

Nghị quyết lên án quyết định của Mỹ về Jerusalem hôm qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, là một hình ảnh biểu tượng cho sự cô lập của Mỹ trước mắt cũng có thể cho thấy vị thế của Washington trong hồ sơ nóng Israel-Palestine đang lung lay.

Thế nhưng, chính giới tại Mỹ vẫn hy vọng, một khi cơn bão lắng xuống, Washington muốn nắm lại vai trò. Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận định : « Cần phải tập trung trở lại trên lợi ích chiến lược của Mỹ » trong vùng Trung Đông. Chính quyền Mỹ hiện nay cũng muốn tin là quyết định về Jerusalem sẽ có những tác động hạn chế nhất thời. Họ tin rằng các lãnh đạo Ả Rập trong vùng tỏ thái độ chống Mỹ trên hồ sơ này là để làm hài lòng dư luận trong nước, nhưng vẫn sẵn sàng lật qua trang mới.

Cá nhân ông Donald Trump thì vẫn đặt tin cậy vào người con rể, cố vấn thân cận Jared Kushner có thể tháo gỡ được những rắc rồi từ sau quyết định của mình. Nhóm chuyên gia của Nhà Trắng do Jared Kushner lãnh đạo được giao khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình đã ngược xuôi đi lại Trung Cận Đông những tháng qua để tìm kiếm những thỏa hiệp nhằm xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Israel-Palestine.

Ban đầu được dự trù vào tháng 01/2018 nhưng việc trình kế hoạch hòa bình đã phải lùi lại cuối quý một năm tới, chờ cho làn sóng chống Mỹ hạ nhiệt.

Liệu cuối cùng Hoa Kỳ có tìm lại được vai trò trung gian nữa hay không ? Theo AFP, mặc dù chống quyết định về Jerusalem, nhiều đồng minh của Mỹ trong vùng vẫn hy vọng và vẫn nghĩ là Hoa Kỳ có thể làm được việc đó. Các đồng minh chủ chốt Pháp, Anh vẫn tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ tìm được một sáng kiến giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel. Thủ tướng Anh Theresa May, trong cuộc điện đàm gần đây với ông Donald Trump, nhấn mạnh, « điều quan trọng là đề xuất hòa bình của Hoa Kỳ phải được cộng đồng quốc tế ủng hộ ».

Quyết định của tổng thống Donald Trump về Jerusalem là một quyết định không mang nhiều toan tính ngoại giao, đó chỉ là động thái nhằm cụ thể hóa hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử. Mỹ không dễ gì để mất vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nếu không thì rất có thể Matxcơva sẽ nắm cơ hội này để thay thế vai trò của Washington, đặc biệt trong bối cảnh Nga đang trở lại Trung Đông mạnh mẽ, với thế thượng phong trên bàn cờ Syria.

Một đề xuất hòa bình mới của chính quyền Trump cho cuộc xung đột Israel-Palestine được quốc tế ủng hộ sẽ là bằng chứng cho vai trò không thể phủ nhận của Mỹ ở Trung Đông. Đó cũng là một thách thức cho lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.