Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Thượng đỉnh Liên Âu trong bối cảnh Theresa May và Angela Merkel trong thế yếu

Ngày 14/12/2017, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu hai ngày họp thượng đỉnh tại Bruxelles. Cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính sách di dân và Brexit là trọng tâm cuộc họp.

Thủ tướng Anh Theresa May và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tại Bruxelles, Bỉ, ngày 04/12/2017.
Thủ tướng Anh Theresa May và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tại Bruxelles, Bỉ, ngày 04/12/2017. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Các cuộc đàm phán vào phút chót giữa thủ tướng Anh Theresa May và các lãnh đạo châu Âu cũng đã đạt được một thỏa thuận về các điều kiện Anh Quốc rời Liên Hiệp. Thỏa thuận này giờ phải được 27 nước còn lại thông qua để cho phép các bên bước vào vòng hai cuộc đàm phán, nhằm xác định mối quan hệ giữa Liên Âu và Anh Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, theo nhận định của thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, vị thế của thủ tướng May trong cuộc đàm phán tới đây có nguy cơ gặp nhiều khó khăn do ngày 13/12, Hạ Viện Anh bỏ phiếu khẳng định quyền kiểm soát tiến trình Brexit, với một tỷ lệ sít sao : 309 phiếu thuận so với 305 phiếu chống.

« Đây là lần đầu tiên, bà Theresa May hứng chịu một thất bại tại Nghị Viện, kể từ khi bà nhậm chức thủ tướng và thất bại này lại càng cay đắng hơn, bởi vì chính phủ có thể tránh được. Lý do là từ nhiều tháng qua, với sự ủng hộ của phe đối lập, các dân biểu bảo thủ thân châu Âu đề nghị là mọi thỏa thuận cuối cùng về Brexit mà Luân Đôn ký với Bruxelles nhất thiết phải được Nghị Viện bỏ phiếu phê chuẩn.

Các nghị sĩ này muốn có tiếng nói quyết định cuối cùng, thậm chí buộc chính phủ quay lại bàn đàm phán nếu như thỏa hiệp với Bruxelles về Brexit không làm họ hài lòng.

Đối với các nghị sĩ bảo thủ thân châu Âu này, đây là một vấn đề nguyên tắc và đáp lại những người chỉ trích rằng họ chỉ tái khẳng định những đặc quyền, như phe ủng hộ Brexit liên tục nhắc lại qua khẩu hiệu « cần phải giành lại quyền kiểm soát » trong quan hệ với Bruxelles.

Sau thất bại này, các nghị sĩ ủng hộ Brexit nổi cáu và cáo buộc các đồng nghiệp muốn làm phá hỏng tiến trình đàm phán ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Về phần mình, chính phủ cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc bỏ phiếu và trấn an rằng sự cố này không ngăn cản được Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2019. Tuy vậy, đối với Theresa May, thất bại ê chề này gây tổn hại đến uy quyền của bà, trong bối cảnh, hôm nay, 14/12, bà tới Bruxelles, sau khi rất vất vả mới đạt được một sự thỏa hiệp để chuyển sang giai đoạn hai của tiến trình thương lượng với 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Đây cũng là lời cảnh báo của một số nghị sĩ trong đảng của bà muốn được chính phủ lắng nghe tiếng nói của họ ».

Vẫn tại châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel tới dự thượng đỉnh châu Âu ngày 14/12 tại Bruxelles trong thế yếu, bởi vì bà chưa lập được chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 09/2017.

Theo thông lệ, lãnh đạo một chính phủ xử lý thường vụ, như trường hợp của Đức hiện nay, tránh đưa ra các sáng kiến trong các hội nghị cấp cao. Do vậy, theo giới quan sát, tại thượng đỉnh lần này, thủ tướng Merkel sẽ khó bày tỏ lập trường ủng hộ các đề xuất của tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc cải cách khu vực đồng euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.