Vào nội dung chính
TRUNG ĐÔNG - LIBAN

Liban: Thủ tướng Saad Hariri kêu gọi các phe đối thoại

Chiến thuật đánh động công luận bằng tuyên bố «từ chức» của thủ tướng Liban mang lại kết quả mong đợi. Sau khi trở về nước, được công luận nhiệt thành hưởng ứng, Saad Hariri chấp nhận đình chỉ việc từ chức.Ông khẩn thiết kêu gọi dùng «đối thoại và chừng mực» làm phương châm hoạt động chính trị. Báo chí địa phương ngày 23/11/2017 khen ngợi tổng thống Michel Aoun và nhất là hậu thuẫn của tổng thống Pháp đã giúp Liban hạ nhiệt.

Thủ tướng Saad al-Hariri phát biểu tại dinh tổng thống, Baabd, Liban sau khi hoãn quyết định từ chức, ngày 22/11/2017.
Thủ tướng Saad al-Hariri phát biểu tại dinh tổng thống, Baabd, Liban sau khi hoãn quyết định từ chức, ngày 22/11/2017. REUTERS/Aziz Taher
Quảng cáo

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :

Với lập luận cần phải hội ý toàn dân, tổng thống Michel Aoun thuyết phục được thủ tướng Saad Hariri không nên từ chức. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của tổng thống Liban còn có sự đóng góp của nhiều nước khác.

Nhật báo tiếng Pháp l’Orient-Lejour nói đến nỗ lực hết mức của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vận động tổng thống Michel Aoun, giới lãnh đạo Mỹ, Ả Rập Xê Út, Israel và Ai Cập.

Vai trò cốt lõi của Paris còn được báo Al-Akkhbar, thân phe Hồi giáo Hezbollah, mô tả chi tiết từ thứ Tư tuần trước, khi loan tin về sáng kiến: « Pháp và Ai Cập dường như vận động duy trì Saad Hariri đứng đầu chính phủ Liban ».

Al-Akkhbar còn cho rằng tổng thống Pháp và Ai Cập bí mật gặp nhau để phối hợp kế hoạch cho đồng điệu về hồ sơ Liban.

Còn nhật báo Annahar, thân cận với lập trường của Ryad cũng cùng nhận định : Quyết định « hoãn từ chức » của thủ tướng Saad Hariri phản ảnh sự mong đợi của các nước trong vùng cũng như của quốc tế muốn tình hình Liban lắng dịu.

Căng thẳng đã giảm nhưng một giải pháp lâu dài tùy thuộc vào kết quả đối thoại sau này. Trong vài ngày tới, tổng thống Michel Aoun sẽ phải thảo luận với các lãnh tụ chính trị quan trọng trong nước với mục tiêu đặt Liban đứng xa các cuộc xung đột trong vùng.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó, vì Liban bị chi phối giữa hai thế lực đối nghịch nhau là Iran và Ả Rập Xê Út.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.