Vào nội dung chính
VŨ KHÍ

Cấm robot sát thủ, vấn đề vẫn gây tranh cãi

Có nên cấm sử dụng các robot sát thủ ( killer robots ) hay không ? Đó là vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi trên thế giới hiện nay. Vào cuối tháng 8 vừa qua, hàng trăm chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã công bố một bức thư ngỏ, sau khi một hội nghị đầu tiên về loại vũ khí tự động sát thương, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, bị hủy bỏ. Trong bức thư ngỏ, họ báo động về nguy cơ của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới và yêu cầu là Liên Hiệp Quốc đừng bỏ quên vấn đề cấp thiết này.

Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích cách sử dụng robot gỡ mìn cho lính Afghanistan tại Helmand, ngày 05/07/2017.
Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích cách sử dụng robot gỡ mìn cho lính Afghanistan tại Helmand, ngày 05/07/2017. REUTERS/Omar Sobhani
Quảng cáo

Mãi đến tuần trước ( 13 đến 17/11/2017 ), tại Genève, một cuộc họp đầu tiên, với sự tham gia đại diện 86 quốc gia, về các robot sát thủ mới được tổ chức dưới sự chủ trì của đại sứ về giải trừ vũ khí bên cạnh Liên Hiệp Quốc Amandeep Singh Gill. Sau cuộc họp này, ông Amandeep Singh Gill đã tuyên bố rằng : « Thưa quý ông quý bà, tôi xin báo cho quý vị yên tâm : Robot chưa có kiểm soát thế giới đâu. Con người vẫn nắm quyền điều khiển chúng ». Vị đại sứ này còn nói thêm là mọi người đừng nên làm trầm trọng hóa vấn đề này một cách quá mức.

Nhưng đó lại không phải là ý kiến của nhiều tổ chức phi chính phủ. Như tuyên bố của bà Mary Wareham, người đặc trách về vũ khí của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch : « Các quốc gia không nên bỏ thời gian chỉ để nói về vấn đề này, bởi vì các công ty quốc phòng và quân đội trên toàn thế giới đang chi rất nhiều tiền để chế tạo những vũ khí tự động sát thương mà không có sự kiểm soát của con người. »

Để chứng minh nguy cơ của loại vũ khí đáng sợ đó, tại hội nghị tuần qua, các nhà hoạt động đã cho trình chiếu một đoạn phim ngắn giới thiệu một loại drone ( thiết bị bay tự lái ) thu nhỏ, có thể tự động nhận dạng và sát thương một người cách đó vài mét mà không cần ai điều khiển. Hãy thử tưởng tượng là hàng trăm chiếc drone như thế, giống như là một đàn ong, được tung ra để tiêu diệt hàng trăm, hàng ngàn người cùng một lúc!

Tác giả của đoạn phim này là giáo sư Stuart Russel, đại học Berkeley, người được coi là bậc thầy trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Giải thích với tờ Le Monde, giáo sư Russel nói : « Chúng tôi muốn báo động công luận về những gì có thể xảy ra trong một tương lai không xa nếu chúng ta cứ để mặc như thế ».

Để vận động cho việc cấm robot sát thủ, hơn 60 tổ chức phi chính phủ đã tập hợp lại trong một liên minh mang tên « Stop Killer Robots ». Liên minh này được sự hổ trợ của những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo như Google, Tencent hay Alibaba, tức là những tập đoàn đang tranh đua nhau chế tạo những kiểu xe tự lái. Trong tháng 8 vừa qua, hơn 100 nhà doanh nghiệp trong ngành công nghệ số, trong đó có Elon Musk, người sáng lập công ty không gian SpaceX, cũng đã một lần nữa cảnh báo Liên Hiệp Quốc về nguy cơ của các robot sát thủ.

Nhưng theo Le Monde, số đề ngày 22/11/2017, đối với các công ty trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, không nên cấm vũ khí tự động sát thương, vì như lời ông Marko Erman, giám đốc nghiên cứu và công nghệ của công ty Thales ( Pháp ) : « Bất cứ sự đột phá về công nghệ nào cũng tạo ra những cơ hội và những nguy cơ. Chúng ta không thể cấm cây gậy, trong khi chúng ta cần có nó để dựa vào ».

Đối với các công ty này, vũ khí tự động sát thương là một tiến bộ trong lĩnh vực quân sự, vì nó bảo toàn sinh mạng và sức lực của các binh lính, mặt khác nó "tác chiến" hiệu quả hơn vì không bị mệt mõi, căng thẳng như binh lính.

Về phía chính phủ Pháp, nhà toán học Cédric Villani, dân biểu Quốc Hội thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, được giao đặc trách về trí thông minh nhân tạo, cũng cho rằng nên đề cập đến vấn đề này một cách tỉnh táo, đừng để tình cảm lấn át lý trí.

Thật ra, khó khăn là nằm ở chổ là chính những thành phần có liên quan đến vấn đề này ( giới quân sự, học giả, nhà ngoại giao, nhà hoạt động ) vẫn chưa đồng nhất ý kiến về định nghĩa thế nào là một vũ khí hoàn toàn tự động. Họ đồng ý với nhau là phải duy trì một sự kiểm soát đáng kể của con người trên các loại vũ khí đó. Nhưng kiểm soát « đáng kể » là kiểm soát như thế nào ? Chỉ lập trình cho máy là đủ ? Phải có người ra lệnh cho robot dùng hỏa lực hay chỉ cần dự trù khả năng ngăn chận robot khi cần ?

Killer robot không chỉ là những máy bay không người lái được điều khiển từ xa, mà thật sự là những máy có thể nhận dạng, truy tìm và tấn công mục tiêu mà không cần có sự can thiệp của con người. Theo lời ông Vincent Boulanin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Stockholm, được tờ Le Monde trích dẫn, hiện giờ chưa có những bobot sát thủ nào biết "tuân thủ" các  công ước quốc tế. Cụ thể là những killer robot hiện nay chưa đủ khả năng để phân biệt mục tiêu là binh lính hay dân thường, cũng như không biết đo lường việc dùng hỏa lực có tương xứng với yêu cầu đề ra hay không. Để các robot đạt đến trình độ đó, còn phải mất hàng chục năm, theo nhà nghiên cứu Boulamin.

Uỷ ban Hồng thập tự quốc tế thì cho rằng quyết định hạ sát và tiêu diệt phải là thuộc trách nhiệm của con người, chứ không thể để cho máy móc quyết định. Các tổ chức phi chính phủ cũng sợ rằng với việc sử dụng các robot sát thủ, nguy cơ thiệt hại nhân mạng sẽ gia tăng, kéo theo nguy cơ gia tăng xung đột khắp nơi trên thế giới.

Cũng giống như đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoàn toàn có nguy cơ là các vũ khí tự động sát thương rơi vào tay những quốc gia « bất hảo » hoặc những tay khủng bố. Hơn nữa, cùng với đà tiến bộ của công nghệ, các robot sát thủ sẽ ngày càng được thu nhỏ, và như vậy chi phí sản xuất sẽ càng rẻ hơn. Cho nên có nguy cơ là một cường quốc nào đó sẽ đề ra kế hoạch phát triển và sản xuất ồ ạt loại vũ khí này, giống như Mỹ đã từng phát triển bom nguyên tử trong một thời gian ngắn kỷ lục vào thời đệ nhị thế chiến.

Sau cuộc họp tuần trước, đại diện 86 quốc gia tham dự đã quyết định sẽ họp lại vào đầu năm tới trong hai tuần. Nhưng, như ta đã thấy ở trên, hiện giờ vẫn hoàn toàn chưa có đồng thuận về vấn đề cấm robot sát thủ. Tuy vậy, theo Le Monde, liên minh « Stop Killer Robots » hy vọng là từ đây đến cuối năm 2019, cộng đồng quốc tế sẽ thông qua một hiệp định cấm việc phát triển, sản xuất và sử dụng những loại vũ khí hoàn toàn tự động, giống như thế giới đã từng thông qua những hiệp định cấm vũ khí sinh học ( 1972 ), cấm mìn chống cá nhân ( 1997 ) và cấm bom chùm ( 2008 ). Hiện giờ đã có 22 quốc gia ủng hộ việc cấm robot sát thủ, theo thống kê của liên minh "Stop Killer Robots".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.