Vào nội dung chính
HOA KỲ - QUỐC TẾ

Mỹ giải mật những ghi chép của FBI « lên án thậm tệ » Martin Luther King

Viện Lưu Trữ Quốc Gia Hoa Kỳ vừa cho công bố một loạt 676 hồ sơ liên quan đến những tài liệu mật về vụ ám sát cố tổng thống John Kennedy vào năm 1963. Trong số những hồ sơ được giải mật có một báo cáo được xem « mang dụng tâm ác ý » của FBI dài 20 trang về lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền công dân Martin Luther King.

Martin Luther King tại Washington năm 1963.
Martin Luther King tại Washington năm 1963. © National Archives and Records Administration/Public Domain
Quảng cáo

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet giải thích :

« Bản báo cáo do FBI soạn thảo vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát mục sư Martin Luther King vào tháng 4/1968 là một lời lên án thật sự nhắm vào nhà lãnh đạo đấu tranh cho quyền công dân. Sự thù hằn của Edgard Hoover, vị giám đốc huyền thoại của ‘Những người không thể mua chuộc’, dành cho mục sư King thì đã quá rõ. Hoover tin rằng mục sư là một người cộng sản vào lúc mà ông King đã giữ khoảng cách với chủ nghĩa Mác-xít.

Bản báo cáo của FBI mô tả mục sư như là một người trung thành với Mác-xít, có nghiên cứu về chủ nghĩa Mác, tin tưởng Mác, nhưng bởi vì ông là mục sư nên không thể công khai bày tỏ những ý tưởng của mình. Lời cáo buộc này đã bị các sử gia bác bỏ.

FBI còn điều tra cả đời tư của giải Nobel Hòa Bình. Theo báo cáo, ông không đáng là những tấm gương : ông có lẽ có nhiều mối tình ngoài giá thú, trong đó có một cuộc tình với nữ ca sĩ Joan Baez, và dường như có một con với vợ của một bác sĩ nha khoa da đen rất nổi tiếng.

Hoover có lẽ còn cho nghe lén tại những nhà trọ mỗi lần mục sư dừng chân. Một ngày, Martin Luther King đã nhận được một bức thư xúi ông tự vẫn. Một ủy ban của Quốc Hội những năm sau đó đã phát hiện ra rằng bức thư đó là do FBI soạn thảo. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.