Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - VŨ KHÍ

Con đường xóa bỏ vũ khí nguyên tử còn rất dài

Thứ sáu tuần trước, 06/10/2017, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen thông báo giải Nobel Hòa bình 2017 được trao tặng cho ICAN, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân, vì những nỗ lực của liên minh này hướng tới mục tiêu xóa bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành và Grethe Ostern, thành viên ban điều hành và Daniel Hogsta điều phối viên, họp báo sau khi giải Nobel Hòa bình 2017 được công bố.
Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành và Grethe Ostern, thành viên ban điều hành và Daniel Hogsta điều phối viên, họp báo sau khi giải Nobel Hòa bình 2017 được công bố. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

ICAN là một liên minh quy tụ hàng trăm tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho hòa bình và phát triển, tại khoảng 100 quốc gia. Từ 10 năm nay, ICAN vẫn liên tục báo động về nguy cơ của các vũ khí nguyên tử và vận động đòi hủy bỏ loại vũ khí này.

Nhân dịp loan báo giải Nobel Hòa bình, chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy kêu gọi các cường quốc hạt nhân tiến hành các cuộc « đàm phán nghiêm túc » để hướng tới việc loại trừ hoàn toàn vũ khí nguyên tử. Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân cho rằng đã đến lúc thế giới cấm hoàn toàn vũ khí nguyên tử, do nguy cơ xung đột bằng loại vũ khí hủy diệt này ngày càng lớn. Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc thì tuyên bố việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN là một « dấu hiệu tốt » cho khả năng ký kết và phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Nhưng con đường đi đến mục tiêu đó hãy còn rất xa, nếu không muốn nói là không thể được.

Tháng 7 vừa qua, 122 quốc gia, tức là gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc, đã ký thông qua một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Thế nhưng hiệp ước này thật ra chỉ mới mang tính biểu tượng, vì nó không có chữ ký của 9 cường quốc hạt nhân hiện nay (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên), tức là những quốc gia đang nắm trong tay 15 ngàn vũ khí nguyên tử. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia duy nhất cho tới nay bị tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, cũng đã tẩy chay các cuộc thương lượng về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Đa số các nước trong khối NATO cũng không tham gia đàm phán.

Pháp bị chỉ trích

Giải thích lý do vì sao Paris không tham gia ký kết hiệp ước tháng 7, bộ Ngoại giao Pháp đã cho rằng hiệp ước này « không phù hợp với bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay », với các căng thẳng gia tăng, với việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà cụ thể là mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Pháp còn viết thêm : « Nước Pháp đã không tham gia các cuộc thương lượng về hiệp ước này và không có ý định tham gia hiệp ước (... ) Việc giải trừ vũ khí hạt nhân không thể được áp đặt mà phải được xây dựng nên. »

Nói cách khác, Paris vẫn dựa trên cái logic răn đe hạt nhân: Khi nào mà còn những nước như Bắc Triều Tiên đe dọa tấn công bằng vũ khí nguyên tử vào những nước khác trên thế giới, thì tốt nhất là hãy khoan giải trừ vũ khí.

Chi nhánh Pháp của ICAN ngay hôm thứ sáu tuần trước đã không bỏ lỡ dịp này để chỉ trích thái độ của nước Pháp. Theo ICAN, trong 10 năm vận động, họ đã đạt được một điều là vũ khí hạt nhân bị xem là vũ khí bất hợp pháp, tương tự như vũ khí hóa học và vi trùng. Thế mà, theo ICAN, nước Pháp lại chỉ trích bước tiến về pháp lý và pháp luật quốc tế đó và như thế là đang « đi ngược lại chiều hướng lịch sử ». Họ hy vọng là giải Nobel Hòa bình sẽ « mở mắt » tổng thống Pháp Macron, một người đã sáng lập ra phong trào « Tiến Bước ».

Theo kết quả một cuộc thăm dò vào tháng 12/2016, có đến 71% dân Pháp cho rằng hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là tốt cho hòa bình thế giới và 68% yêu cầu nước Pháp phải thay đổi lập trường.

Về phần mình, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố vẫn không có ý định ký kết hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhưng họ khẳng định là Washington vẫn "cam kết tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân" và cũng đang tích cực tham gia "cải thiện môi trường an ninh thế giới và giảm các nguy cơ hạt nhân trên toàn cầu ».

Thông điệp gởi tổng thống Trump

Giải Nobel Hòa bình trao cho ICAN có thể nói là một lời cảnh báo gởi đến tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang phải đối phó cùng một lúc với hai khủng hoảng hạt nhân : Bắc Triều Tiên và Iran.

Trước hết là về hồ sơ Iran. Cho tới nay, tổng thống Trump vẫn chống hiệp định hạt nhân mà người tiền nhiệm Barack Obama đã tham gia ký với Iran. Không chắc là giải Nobel Hòa bình 2017 sẽ làm ông Trump thay đổi ý kiến.

Trên nguyên tắc, theo luật định, cứ 90 ngày, tức là trễ nhất là đến ngày 15/10 tới, tổng thống Trump phải chứng nhận là Iran có tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký với 6 cường quốc vào năm 2015 hay không. Hiệp định này chính là nhằm bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của Iran chỉ có tính chất dân sự và hòa bình, chứ không phải là nhằm trang bị vũ khí nguyên tử.

Đúng vào ngày giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, báo chí Mỹ loan tin là tổng thống Donald Trump sẽ không chứng nhận Iran đã tuân thủ hiệp định hạt nhân và như vậy là sẽ để cho Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định có ban hành trở lại hay không các biện pháp trừng phạt Teheran. Nói cách khác, quả bóng hiện giờ đang nằm bên sân các nghị sĩ Mỹ.

Theo các nhà phân tích, giải Nobel Hòa bình trao cho ICAN có thể có tác động đến suy nghĩ của các nhà ngoại giao Mỹ và nghị sĩ Quốc Hội Mỹ và một số nhân vật có ảnh hưởng, như bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, cũng chủ trương là nên duy trì hiệp định hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài lo ngại là việc Mỹ rút khỏi hay xét lại hiệp định hạt nhân Iran sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nhất là vì thái độ của tổng thống Trump đối với Iran khiến Bình Nhưỡng càng có lý do để không tin tưởng vào Hoa Kỳ, bởi vì có ký thỏa thuận với Washington cũng như không. Việc tổng thống Trump dọa « hủy diện hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và tuyên bố rằng thương lượng với Bình Nhưỡng chỉ « làm mất thời giờ » càng khiến cho khả năng giải quyết hồ sơ hạt nhân bằng con đường hòa bình thêm xa vời.

Về phần nước Nga, một trong những quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay tuyên bố « tôn trọng » việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN, tái khẳng định rằng Matxcơva vẫn theo đuổi chính sách không phổ biến hạt nhân. Nhưng Nga cũng không hề tỏ ý định sẽ ký kết hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Khối NATO thì cũng phản ứng tương tự, nói rằng họ có cùng mục tiêu với ICAN, nhưng « lấy làm tiếc là các điều kiện chưa thuận lợi cho việc tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân ».

Vũ khí hạt nhân trên thế giới

Mặc dù số đầu đạn hạt nhân trên thế giới nay đã giảm rất nhiều, từ 64 ngàn vào năm 1986 xuống chỉ còn khoảng hơn 15 ngàn vào năm 2017, nhưng gần 90% vũ khí nguyên tử hiện nằm trong tay Hoa Kỳ và Nga. Theo thẩm định của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, khoảng 4 ngàn đầu đạn hạt nhân đã được triển khai và sẳn sàng được sử dụng.

Theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (TNP), ký vào năm 1968 và có hiệu lực kể từ năm 1970, năm cường quốc hạt nhân thời đó là Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc đã cam kết sẽ không chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự cho các nước khác. TNP cũng cấm các nước chưa có vũ khí nguyên tử không được trang bị hoặc sản xuất loại vũ khí này. Nhưng từ đó đến nay lại có thêm 4 quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử : Pakistan, Ấn Độ, Israel, ba nước không ký kết TNP và gần đây nhất là Bắc Triều Tiên, đã rút khỏi hiệp ước từ năm 2003. Hiện chỉ có một số nước từ bỏ vĩnh viễn vũ khí nguyên tử là Thụy Điển (1968), Thụy Sĩ (1969), Nam Phi (1991) và các nước Cộng hòa Liên Xô cũ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.