Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Châu Âu có thể tái lập kiểm soát biên giới trong khối Schengen

Hôm qua 27/09/2017, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất thay đổi các quy định của khối Schengen, thông báo khả năng tái lập việc kiểm soát biên giới các nước thành viên tối đa 3 năm trong một số trường hợp đặc biệt, để phòng chống các mối đe dọa, chẳng hạn nguy cơ tấn công khủng bố. Đồng thời Bruxelles ấn định mục tiêu tiếp đón 50.000 di dân trong vòng 2 năm, trực tiếp từ một nước thứ ba, ví dụ Lybia hoặc Niger, nhằm đảm bảo các di dân tới châu Âu một cách an toàn và hợp pháp, tránh nguy cơ di dân thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải bất hợp pháp như tình trạng hiện nay.

Một người di dân trên chiếc tàu cứu hộ MV Aquarius sau khi được tổ chức SOS Mediterranee vớt lên ở Địa Trung Hải ngày 15/09/2017.
Một người di dân trên chiếc tàu cứu hộ MV Aquarius sau khi được tổ chức SOS Mediterranee vớt lên ở Địa Trung Hải ngày 15/09/2017. REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Trong bài viết « Biên giới : Bruxelles sẵn sàng xem xét lại vấn đề tự do đi lại », báo Le Figaro nhận định các đề xuất trên của Ủy Ban Châu Âu vừa cứng rắn, vừa rất nhân đạo.

Theo quy định hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu, việc kiểm soát biên giới một nước khối Schengen chỉ được phép thực hiện trong trường hợp an ninh quốc gia đó bị « đe dọa mạnh », với thời hạn 6 tháng. Thời hạn trên được đặc biệt kéo dài tối đa 2 năm nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn tại biên giới giữa Liên Hiệp Châu Âu với bên ngoài, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng di dân trầm trọng.

Nhiều nước, đứng đầu là Pháp và Đức, đã khẩn thiết đề nghị Ủy Ban Châu Âu sửa đổi các quy định hiện hành về kiểm soát biên giới để thích ứng với các nguy cơ mới về tấn công khủng bố.

Hôm qua, ủy viên châu Âu Frans Timmermans cho biết : « Các nước thành viên phải có quyền hành động trong các trường hợp đặc biệt, khi họ phải đối mặt với các mối nguy nghiêm trọng ». Nhưng quan chức châu Âu trên cũng nhấn mạnh « các nước này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt ». Ông Frans Timmermans cũng cho biết các thủ tục cần thiết sẽ được xác định rõ ràng để tránh việc các quốc gia thành viên lạm dụng việc kiểm soát biên giới.

Mặc dù hoan nghênh đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, ủy viên châu Âu Dimitris Avramopoulos,  phụ trách các vấn đề nội vụ và di dân, lại muốn Bruxelles sửa đổi hẳn luật biên giới trong khối Schengen, chứ không đơn thuần là kéo dài thời hạn kiểm soát biên giới hiện hành tại một số nước thành viên.

Châu Âu « trong mơ » của TT Pháp Macron

Vẫn liên quan tới Liên hiệp Châu Âu, ngày 26/09/2017, tại giảng đường lớn của Đại học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày trước giới sinh viên một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái thiết Liên Hiệp Châu Âu.

Trong bài xã luận « Châu Âu mà Emmanuel Macron ước mong », Le Monde nhận định cho dù công luận thấy việc tổng thống Pháp lại nói về châu Âu một cách hào hứng, lạc quan và muốn hướng tới một châu Âu đoàn kết hơn, dân chủ hơn là một điều khác thường, nhưng có lẽ vị tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã không nhầm.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, giai đoạn mà những hoài nghi về châu Âu ngày càng lớn, nước Anh ra khỏi Liên Hiệp và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, tổng thống Pháp Macron là lãnh đạo duy nhất trong số 27 lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy mạnh cải cách sâu rộng Liên Hiệp. Tại Pháp, trước tổng thống Macron chỉ có tổng thống François Mitterand (1981-1994) là đặt nhiều niềm tin vào châu Âu đến như vậy.

Theo báo Le Monde, trong bối cảnh Hoa Kỳ rút lui khỏi chính trường quốc tế, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi không ngừng lớn mạnh, châu Âu không còn sự lựa chọn. Nếu muốn tồn tại, nếu không muốn bị gạt ra bên lề sân chơi quốc tế, các thành viên Liên Hiệp phải đoàn kết.

Chủ quyền, giá trị, lợi ích của châu Âu chỉ được đảm bảo nếu các nước thành viên gắn kết chặt chẽ, ít nhất là trong các lĩnh vực mà tổng thống Pháp đề xuất : an ninh, bảo vệ đường biên giới của Liên Hiệp, cơ cấu lại việc tiếp đón di dân, kiểm soát các đại tập đoàn công nghệ số, bảo vệ môi trường, cảnh quan và văn hóa, bảo vệ thị trường châu Âu trước các hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Tổng thống Pháp cũng đề xuất hàng loạt dự án cụ thể đi kèm.

Tổng thống trẻ tuổi Macron sẽ theo đuổi một cuộc chiến chính trị dài hơi : chống lại sự hoài nghi, chán ghét Liên Hiệp Châu Âu, chống lại sự bi quan ở châu Âu. Và bi quan, vốn lại là một đặc trưng của người Pháp. Châu Âu trong mơ ước của tổng thống Pháp tươi đẹp tới mức ông Macron nghĩ tới khả năng nước Anh sẽ trở lại Liên Hiệp trong 10 năm nữa. Kết luận của Le Monde là « Tại sao lại không nhỉ ? »

Thụy Điển tập trận với NATO để đối phó với Nga

Trong lĩnh vực quân sự, trước mối đe dọa từ Nga, Thụy Điển đã phối hợp tổ chức và tiến hành tập trận với nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Trong bài viết « Đối phó với Nga: Thụy Điển phối hợp tập trận với các nước », báo Le Monde cho biết từ ngày 11 đến ngày 29/09/2017, gần một nửa số quân nhân Thụy Điển - 19.500 người - tập trận chung với 1.800 binh lính Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Estonia, Mỹ, Pháp … . Chiến dịch Aurora hiện đã bước vào giai đoạn cuối, với các bài tập bắn đạn thật, ở thị trấn Trosa, phía nam Stockholm.

Mặc dù mục tiêu là thử nghiệm khả năng phòng vệ của Thụy Điển, nhưng các cuộc tập trận cũng nhằm phô trương lực lượng của Thụy Điển. Bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hutlqvist giải thích là Quốc Hội Thụy Điển vào năm 2015 đã ra quyết định phát triển quốc phòng và tổ chức tập trận quy mô lớn để gửi tới thế giới thông điệp là Thụy Điển sẵn sàng chiến đấu để phòng vệ, tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác.

Tại Thụy Điển, nơi đa phần dân chúng phản đối việc gia nhập NATO, kịch bản đợt tập trận theo đó Thụy Điển bị tấn công bất ngờ từ phía Đông, hàm ý nói tới nước Nga, đã chịu nhiều chỉ trích. Dân biểu cánh tả Stig Henriksson, phụ trách các vấn đề quốc phòng cho rằng, kịch bản tập trận giả định là có các đơn vị quân đội nước ngoài đóng tại Thụy Điển, kể cả trong thời bình, điều này là một dấu hiệu nguy hiểm, có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hutlqvist trấn an công luận là Thụy Điển vẫn độc lập với mọi liên minh quân sự, nhưng có thỏa thuận với một số nước, trong đó có vài thành viên NATO và phải tập trận chung để đảm bảo Thụy Điển sẵn sàng tiếp cận được sự trợ giúp từ bên ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để tiến hành các chiến dịch tại Thụy Điển.

Phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng đã bị một tập hợp gồm 20 tổ chức vì mục đích « ngưng chiến dịch Aurora » phản đối. Chủ tịch tổ chức « Nói không với NATO » đánh giá: Khi tiến về phía NATO, Thụy Điển sẽ không thể thực hiện chính sách độc lập trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng, trong khi đây lại là thời kỳ quan trọng nhất để đảm bảo sự trung lập giữa Nga và NATO.

Nhưng quan điểm trên lại khiến bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển bực tức. Ông Peter Hutlqvist đáp trả rằng Thụy Điển không phải là một quốc gia hiếu chiến, nhưng nước này có quyền tập trận trong bối cảnh quốc phòng và chủ quyền có nguy cơ bị đe dọa. Mặc dù xác suất bị Nga tấn công rất thấp, nhưng Stockholm cũng phải lưu ý tới tình hình trong khu vực : Nga đã sáp nhập bán đảo Crimée và có xung đột với Ukraina, Nga hiện cũng đang gây sức ép tới các nước vùng Baltic.

Úc chi tiền để người Rohingya « trở về cõi chết »

Trại tị nạn của Úc trên đảo Manus, thuộc Papua New Guinea, mà báo Le Figaro gọi là « biểu tượng đáng hổ thẹn cho chính sách nhẫn tâm của chính quyền Canberra đối với người di cư, tị nạn trái phép » sẽ phải đóng cửa vào ngày 31/10/2017.

Hiện chính phủ của thủ tướng MalcolmTurnbull đang tìm mọi cách để giải quyết số người đang bị giam giữ trên đảo Manus. Một trong những biện pháp là « Úc trả tiền cho người Rohingya để họ trở về nhà », như tiêu đề một bài viết trên báo Le Figaro.

Số tiền mà Canberra đề xuất trả cho mỗi người Rohingya hiện đang bị giam giữ trên đảo Manus là 25.000 đô Úc để họ trở về Miến Điện, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc, đang diễn ra nạn « thanh lọc sắc tộc » nhắm vào cộng đồng Hồi Giáo thiểu số Rohingya.

Le Figaro dẫn lời báo Anh The Guardian gọi đó là « tấm vé một chiều đi tìm cái chết, với những đồng đô la trong túi ». Dù đề xuất này của Úc bị coi là sỗ sàng, nhưng một số người tị nạn Rohingya lại cho The Guardian biết là họ thà trở về và chết ở Miến Điện còn hơn phải sống cảnh tù đày ở đảo Manus, mà một số tổ chức nhân quyền gọi là « địa ngục », nơi họ bị lạm dụng tình dục, hành hạ cả về thể xác và tinh thần.

Biến đối khí hậu : người nghèo bị ảnh hưởng trước tiên

Chuyển sang lĩnh vực môi trường, khí hậu, báo Le Figaro trích kết luận của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong một nghiên cứu về hậu quả của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế, theo đó « Biến đổi khí hậu tác động trước tiên tới người nghèo ».

So với 15 năm đầu thế kỷ XX, nhiệt độ trong vòng 15 năm đầu thế kỷ XXI đã tăng trung bình 1,4 độ ở các nước phát triển (thường ở khu vực khí hậu ôn đới), 1,3 độ ở các nước có nền kinh tế mới nổi và 0,7 độ ở các nước đang phát triển (tập trung chủ yếu ở khu vực có khí hậu nóng hơn). Nhưng điều đó không có nghĩa là kinh tế của các nước đang phát triển ít chịu tác động của biến đổi khí hậu hơn so với các nước giàu.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, vào năm 2100, trái đất nóng dần sẽ làm giảm 9% thu nhập tính theo đầu người tại các nước kém phát triển nhất. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa vài trăm triệu cư dân, nhất là người nghèo, và chỉ khoảng 4 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng. Còn hạn hán và ngập lụt cũng đe dọa các quốc gia kém phát triển, mà Bangladesh là một ví dụ điển hình.  

Trang nhất các báo Pháp

Hồ sơ được các báo Pháp quan tâm đưa lên trang nhất và dành nhiều trang bài phân tích, bình luận là dự toán ngân sách quốc gia 2018 mà chính phủ Pháp công bố ngày hôm qua 27/09.

Nhật báo Le Monde nói về « Người được, kẻ mất trong kế hoạch ngân sách đầu tiên dưới thời tổng thống Macron ». Báo Le Figaro khái quát « Ngân sách 2018 : Thuế thu nhập giảm, chi tiêu vẫn tăng ». Trong khi đó, báo công giáo La Croix chạy tít « Ngân sách 2018, những điều đang chờ quý vị ». Còn « Ngân sách : Các mức thuế mới năm 2018 » là tít trang nhất của báo kinh tế Les Echos.

Nhật báo Libération quan tâm tới cuộc đối đầu giữa vùng Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha về việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị. Libération chơi chữ : « Catalunya, vết đứt gãy ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.