Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Donald Trump làm tổng thống, chuỗi khách sạn Trump mất khách

Đăng ngày:

Tại Hoa Kỳ, việc nhà tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng là một cú đánh vào công việc kinh doanh của ông. Theo một cuộc điều tra của báo Washington Post, ngày càng có nhiều tổ chức hủy các kỳ nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng và khách sạn thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Donald Trump để tránh bị tổng thống Mỹ lôi kéo vào các chính sách của ông. Chỉ các khách sạn Trump ở Washington là có số khách tăng vọt.

Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Palm Beach, Florida của tổng thống Donald Trump, mệnh danh là "Nhà trắng ở miền nam". Ảnh chụp ngày 08/09/2017.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Palm Beach, Florida của tổng thống Donald Trump, mệnh danh là "Nhà trắng ở miền nam". Ảnh chụp ngày 08/09/2017. REUTERS/Joe Skipper
Quảng cáo

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet :

Được tổng thống Donald Trump gọi là “Nhà Trắng ở miền nam”, khu nghỉ dưỡng sang trọng Mar-a-Lago ở Florida là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Doanh thu của Mar-a-Lago đã giảm tới 50%.

Gần 20 tổ chức từ thiện đã hủy bỏ chuyến đi nghỉ của họ tới đây hồi cuối tháng Tám, sau những tuyên bố gây tranh cãi của tổng thống. Trước đó, ông Donald Trump đã phát biểu là có những “người tốt” trong số nhóm người tôn vinh chủng tộc thượng đẳng da trắng và tân phát xít trong các vụ bạo động ở Charlottevilles.

Nhưng Mar-a-Lago không phải khu nghỉ dưỡng duy nhất có số khách giảm mạnh. Theo tờ Washington Post, gần 1 nửa trong số 200 tập đoàn thường tổ chức các buổi lễ hội lớn hàng năm tại một trong số các khu nghỉ dưỡng, khách sạn của tổng thống Donald Trump đã thay đổi địa điểm tổ chức.

California là một trong các bang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sân golf của ông Donald Trump thất thu khoảng 50.000 đô la sau khi mất 10 khách hàng lớn nhất.

Các quan chức liên bang cũng hay lui tới các khách sạn của Donald Trump. Một hiệp hội đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về tham nhũng và họ đã có được bản copi hóa đơn thanh toán cho các khách sạn Trump bằng thẻ ngân hàng từ tài khoản của chính phủ.

Pháp:  Dựng tường kính chống đạn quanh tháp Eiffel

Tháp Eiffel của Pháp là một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới, mỗi năm thu hút tới 7 triệu du khách. Tại khu vực quanh chân tháp Eiffel luôn có rất đông du khách tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp và chụp cảnh lưu niệm.

Để bảo vệ du khách trước các nguy cơ tấn công khủng bố mà vẫn đảm bảo mỹ quan, chính quyền Paris đã quyết định chi 20 triệu euro dựng tường kính chống đạn quanh tháp.

Ông Alain Rodier, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo của Pháp khẳng định : « Là biểu tượng của Paris, tháp Eiffel chắc chắn là một mục tiêu tấn công của khủng bố để truyên truyền cho hình ảnh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».

Thực ra, chính quyền chỉ cho dựng hai bức tường kính đằng trước và đằng sau tháp, hướng có đường phố đông đúc xe cộ, còn hai bên, nơi có các khu vườn, phía có nhà dân thì chỉ dựng hàng rào để giảm bớt chi phí.

Độ cao của tường kính đã được tính toán để vừa đảm bảo an toàn, vừa để du khách không không có cảm giác quá tù túng. Mỗi bức tường kính dày 7cm, loại kính được sử dụng là kính trắng, chống đạn. Việc lắp đặt hai bức tường kính sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 05/10/2017, nhưng vào hôm thứ Hai 18/09, công tác chuẩn bị, đo đạc đã bắt đầu được tiến hành.

Ở phía hai bên cạnh tháp, trong các khu vườn, không xa nhà dân, các hàng rào cao 3,24m đang được dựng lên. Tại sao lại là 3,24m ? Đó là con số tượng trưng cho độ cao 324m của tháp Eiffel.

Tuy nhiên, một số người dân lo ngại rằng các hàng rào chấn song sẽ không thể bảo vệ du khách nếu các kẻ khủng bố tấn công bằng súng.

Chính quyền dự kiến việc thi công sẽ hoàn thành vào ngày 13/07/2018, để màn bắn pháo hoa chào mừng Quốc Khánh 14/07 được đảm bảo diễn ra như thường lệ.

Trung Quốc, điểm đến hấp dẫn du học sinh Châu Phi

Năm học 2017-2018, có 50.000 sinh viên châu Phi học tập tại 3000 trường đại học ở Trung Quốc. Đó là 1 kỷ lục ! Con số trên đã tăng hơn 20 lần so với cách đây 10 năm. Phần lớn sinh viên châu Phi sang Trung Quốc học tập đều được học bổng của chính phủ Trung Quốc.

Cô Maria Belgica, 24 tuổi, tới từ Guine Xích Đạo, học tại Học Viện Điện Ảnh Bắc Kinh. Để theo học ở đây, 1 sinh viên Trung Quốc phải đóng học phí tương đương 10.000 euro/năm, nhưng cô Maria Belgica thì được học bổng nên cô không phải đóng học phí, được ở miễn phí trong ký túc xá của trường. Ngoài ra, cô còn được thêm sinh hoạt phí khoảng 330 euro/tháng.

Maria Belgica chia sẻ thủ tục xin học bổng Trung Quốc rất đơn giản. Cô chỉ cần gửi hồ sơ tới đại sứ quán Trung Quốc và chỉ phải trả lời hai câu hỏi : Cô biết gì về Trung Quốc ? Tại sao cô muốn sang Trung Quốc học tập ? Và chỉ vài tuần sau, cô Maria Belgica lên đường sang Trung Quốc du học. Năm nay, có 63 sinh viên Guine Xích Đạo theo học tại Bắc Kinh và tổng cộng 640 sinh viên nước châu Phi này tại Trung Quốc.

Theo số liệu của bộ Giáo Dục Trung Quốc, số sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc tăng 35% mỗi năm và cứ 10 sinh viên nước ngoài thì có 1 sinh viên tới từ châu Phi. Hiện nay, Trung Quốc là nước thứ hai trên thế giới, sau Pháp, thu hút được nhiều sinh viên châu Phi nhất.

Một trong các lý do khiến nhiều người châu Phi muốn sang học tập tại Trung Quốc là khoản tiền học bổng hào phóng mà chính phủ Trung Quốc trao cho sinh viên ngoại quốc. Trong vòng 10 năm, số học bổng Bắc Kinh dành cho sinh viên châu Phi đã tăng gấp 300 lần.

Trong Diễn Đàn Trung Quốc- Châu Phi, Bắc Kinh đã cam kết cấp thêm 30.000 học bổng cho công dân châu Phi cho tới năm 2018. Theo chính quyền Trung Quốc, sẽ có hơn 80.000 sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc vào năm 2018. Bắc Kinh không chỉ muốn « chìa tay » cho đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, mà còn muốn thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa giới tinh hoa Trung Quốc và châu Phi.

Công chức nhà nước của các quốc gia châu Phi là đối tượng được Trung Quốc ưu tiên nhắm tới. Cách đây 2 năm, bộ Thương Mại Trung Quốc đã triển khai chương trình học bổng dành cho 10.000 công chức châu Phi. Người được học bổng được nhận sinh hoạt phí 400euro/tháng/người, có chỗ ở miễn phí và được theo chương trình học thiết kế dành riêng cho họ bằng tiếng Anh trong vòng 1-2 năm.

Miến Điện : Facebook tràn ngập thù hận nhắm vào người Rohingya

Vẫn liên quan tới châu Á, chỉ trong vòng 1 tháng, hơn 400.000 người Hồi Giáo thiểu số Rohingya ở miền Tây Miến Điện đã vượt biên giới sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Nhưng số phận bi thảm của sắc dân Rohingya chẳng làm mấy người Miến Điện bận lòng. Tại đất nước có 90% dân số theo Phật Giáo, Facebook là mạng xã hội được 10.000 người sử dụng.

Thông tín viên RFI Rémy Favre từ Rangun cho biết sự căng thẳng giữa các Phật Tử và tín đồ Hồi Giáo thể hiện ngày càng nhiều trên Facebook tại Miến Điện. Các thông điệp hận thù, những lời chửi rủa, những thông tin sai lệch về bạo lực liên quan tới người Rohingya và các Phật Tử ở bang Rakhine ngày nào cũng xuất hiện dày đặc trên Facebook.

Một người dùng Facebook thừa nhận với thông tín viên Rémy Favre là chính anh cũng đăng tải những thông điệp không mấy khoan dung : « Tôi đã viết, chẳng hạn như đức Phật tốt hơn thánh Alla của người Hồi Giáo. Tôi đã viết như vậy với sự hăm hở nhiệt tình mang tính dân tộc và tôn giáo. Khi có nhiều người tấn công, đả kích các Phật Tử trên mạng internet, bản sắc tôn giáo của tôi trỗi dậy và tôi cảm thấy rất tức giận ».

Bà Htike Htike Aung, lãnh đạo một hiệp hội thì cho biết thêm : « Người dân nhận được nhiều tin nhắn trên Facebook. Các tin nhắn này có nội dung là « Người Miến Điện, các vị hãy đoàn kết và cảnh giác vì người Hồi Giáo đang chuẩn bị làm một điều gì đó ». Nhưng cộng đồng Hồi Giáo cũng nhận được những tin nhắn tương tự. Không ai có thể xác nhận các thông tin đó xuất phát từ đâu, nhưng chúng đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trong cả nước ».

Các lời đồn thổi thường lan truyền rất nhanh. Theo quan sát của thông tín viên Rémy Favre, trong những ngày này, đường phố ở Rangoon vắng vẻ hơn thường lệ, dường như là do những lời đồn thổi đăng trên Facebook.

Israel : ngày càng nhiều người không được phép hôn

Israel là một đất nước mà việc đăng ký kết hôn của công dân do chức sắc tôn giáo quản lý, và ngày càng có nhiều cặp đôi bị cấm kết hôn. Đó là những người nhập cư bị coi là không phải người Do Thái và những người Israel chưa chứng minh được họ có bản sắc và danh tính của người Do Thái.

Thông tín viên RFI Michel Paul từ Jérusalem giải thích :

« Tại Israel, không có sự tách biệt giữa tôn giáo và Nhà nước. Vì thế, những người không cùng tôn giáo không thể kết hôn. Nhưng hiện giờ, ngay cả những người cùng theo đạo Do Thái cũng ngày càng khó được phép kết hôn với nhau.

Theo Itim, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người nhập cư trước nạn quan liêu ở Israel, danh sách đen những người bị cấm kết hôn tăng chóng mặt trong những năm qua. Đại Giáo Trưởng Do Thái của Israel có hai dánh sách kiểu này : những di dân mới bị coi là không phải người Do Thái và những người mà bản sắc và căn tính Do Thái chưa được xác định.

Con số tổng cộng không quá cao, từ những năm 1950, có khoảng 4000 người trong danh sách đen. Nhưng từ năm 2015, danh sách trên tăng hơn 22%, có nghĩa là có thêm 900 người bị liệt vào danh sách trên.

Kết quả là, ngày càng có nhiều thanh niên, là người Israel từ rất lâu rồi, hoặc những người mới di cư tới Israel, thích ra nước ngoài để kết hôn. Các đám cưới được gọi là đám cưới « bên đời » sau đó được sẽ chính quyền Israel công nhận. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.