Vào nội dung chính
NGA - NATO - QUÂN SỰ

Tập trận "Zapad 2017" : Nga-Belarus lên gân với NATO?

Nga và Belarus chuẩn bị một cuộc tập trận quy mô lớn, mang tên « Zapad 2017 » (Phương Tây 2017) diễn ra từ ngày 14 đến 20/09/2017, ngay sát sườn Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhận định của cả nhật báo Le Monde và Le Figaro (31/08/2017), « cuộc tập trận lớn Nga-Belarus khiến NATO lo ngại ».

Thứ trưởng Quốc Phòng Belarus giới thiệu cuộc tập trận "Zapad 2017" giữa Nga và Belarus tại một cuộc họp báo ở Minsk, ngày 29/08/2017.
Thứ trưởng Quốc Phòng Belarus giới thiệu cuộc tập trận "Zapad 2017" giữa Nga và Belarus tại một cuộc họp báo ở Minsk, ngày 29/08/2017. REUTERS/Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Cả hai nhật báo Pháp đều cho biết, chính thức sẽ có 12.700 quân nhân tham gia (hơn 4.700 người so với cuộc tập trận năm 2015), trong đó có 7.200 quân nhân Belarus và 5.500 quân nhân Nga, cùng với 70 máy bay và máy bay trực thăng, 250 xe tăng, 200 pháo và 10 tầu chiến. Tuy nhiên, phía chính quyền Belarus lại đưa ra con số 13.800 quân nhân, khiến khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO nghi ngờ, đồng thời cho rằng số liệu này bị cố tình giảm nhẹ, so với con số ước tính gần 100.000 người của Latvia, quốc gia nằm sát nơi tập trận. Le Figaro nhấn mạnh sự thiếu minh bạch như vậy hoàn toàn đi ngược với các hiệp ước quốc tế.

Theo kịch bản giả định của cuộc tập trận chung, Belarus bị một nước tưởng tượng Veishnoria chiếm 1/4 diện tích ở phía tây. Với sự trợ giúp của hai nước tưởng tượng khác là Loubenia và Vessbaria (với đường biên giới giống với hai nước Ba Lan và Lithuania hiện nay), « liên quân phương Tây » ảo này có nhiệm vụ « gây bất ổn tình hình » ở Belarus và « phá hoại quan hệ giữa hai đồng minh » Nga và Belarus.

Nga khẳng định cuộc tập trận hoàn toàn mang tính « phòng vệ » với kịch bản là « các nhóm khủng bố » thâm nhập vào Belarus và vùng đất Kaliningrad của Nga, nằm giữa Ba Lan và Lithuani. Thứ trưởng Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine, cáo buộc phương Tây tuyên truyền cái được gọi là « mối đe dọa Nga »« một số nước sẽ cho rằng cuộc tập trận Zapad 2017 được tiến hành để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và chiếm Lithuania, Ba Lan hoặc Ukraina ». Và để tỏ ra « minh bạch », Nga còn quyết định mời truyền thông phương Tây đến đưa tin về cuộc tập trận, thể theo yêu cầu của chỉ huy các lực lượng Mỹ tại châu Âu, Ben Hodges.

Chính quyền Minks khẳng định kịch bản quân sự này là kết quả hoàn toàn logic của việc NATO mới đây triển khai bốn đội quân chiến lược ở Estonia, Latvia, Lithunia và Ba Lan.

Trong khi đó, NATO giải thích việc tăng cường quân sự ở sườn Đông của khối là do Nga sáp nhập bán đảo Crimée và tham gia vào cuộc xung đột ở vùng Donbass, phía đông Ukraina, dù Matxcơva luôn bác bỏ. Ngoài việc triển khai các nhóm quân chiến lược tại các nước vùng Baltic và việc quân đội Mỹ mở một tổng hành dinh mới ở Ba Lan, vào đâu tháng 06/2017, khoảng 1.500 quân nhân Anh, Mỹ, Lithuania và Ba Lan đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập chưa từng có tập trung vào việc bảo vệ cửa ngõ Suwalki, nằm trên lãnh thổ Ba Lan, nhưng lại bị kẹt giữa Kaliningrad và Belarus. Trong khi đó, một phần cuộc tập trận « Zapad 2017 » sẽ diễn ra ở vùng quân sự Kaliningrad, chỉ cách Suwalki 100 km.

Là nước bị tác động trực tiếp, Lithuani lo ngại Matxcơva lấy cớ tập trận để từng bước tích lực lượng quân sự bên sườn Đông của NATO. Trong thời gian tập trận Nga và Belarus, NATO sẽ điều thêm 7 chiến đấu cơ F-15 của Mỹ tuần tra trên lãnh thổ các nước Baltic nhằm răn đe. Như để « trấn an », chính quyền Minks hứa là các lực lượng Nga sẽ rút khỏi lãnh thổ Belarus ngay sau ngày 20/09.

Bão Harvey : Liệu tổng thống Mỹ có thay đổi quan điểm về khí hậu ?

Cơn bão Harvey tiếp tục tàn phá Houston, thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ, với thiệt hại được thẩm định có thể lên đến 160 tỉ đô la, tương đương với tổng thiệt hại của hai cơn bão Katrina (2005) và Sandy (2012).

Nhật báo Libération lưu ý ba tháng sau quyết định rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris, cơn bão Harvey bỗng chốc nhắc lại cho tổng thống Donald Trump thực trạng khí hậu đang xấu đi. Giải thích về sức tàn phá của Harvey, một chuyên gia về khí tượng thủy văn cho rằng nhiệt độ trái đất tăng lên do biến đổi khí hậu, nên cường độ của bão Harvey đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 38 giờ trên vịnh Mêhicô, nơi hiện có nhiệt độ cao hơn từ 1,5° đến 4°C so với mức trung bình.

Biến đổi khí hậu cũng khiến các cơn bão có sức tàn phá hơn. Bão đẩy nước biển vào bờ và khi chạm đất liền sẽ gây ra những đợt sóng lớn. Với mực nước biển dâng cao, các cơn lốc mang một lượng nước lớn và khi đến mặt đất, sẽ tàn phá nhiều hơn.

Tại bang Texas, việc thành phố Houston không có những biện pháp thích ứng đã bị chỉ trích ngay lúc đầu, không phải do vấn đề tài chính mà do chính quyền không có biện pháp để giảm bớt thiệt hại. Thành phố được xây trên vùng đồng bằng dễ bị ngập lụt và nước không thoát được. Dù đã xảy ra nhiều trận ngập lụt, chính quyền địa phương vẫn tỏ ra ưu tiên những lợi ích trước mắt mà bỏ qua vấn đề đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân. Các nhà khí tượng học lấy làm tiếc là chính quyền bang Texas, nơi từng chịu hậu quả do mực nước biển tăng, vẫn nằm trong số những người nghi ngờ nhất Hoa Kỳ về hiện tượng trái đất nóng lên. Libération đặt câu hỏi : Với những hậu quả này, liệu tổng thống Trump có hối hận về quyết định rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris hay không ?

« Bão Harvey là một trong những đợt thiên tai tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ » là đánh giá trên trang nhất của Le Figaro. Đặc phái viên của nhất báo Le Monde nhận định « hiện chưa rõ thiệt hại về người, nhưng hậu quả về tài chính và vật chất do bão Harvey gây ra vô cùng lớn ». Những khó khăn và hỗn loạn mà người dân tại Houston đang phải đối mặt được phóng viên của Le Monde thuật lại trong bài viết : « Lòng tương ái và nỗi sợ tại Houston ».

Ấn Độ : Bombay bị tê liệt vì mưa lớn

Mưa bão tại thành phố Bombay, Ấn Độ cũng được Le Monde và La Croix đề cập, với cùng nhận định lượng mưa rơi xuống thủ đô kinh tế của Ấn Độ đạt kỷ lục trong một thời gian ngắn.

Le Monde đưa tin « Bombay bị tê liệt vì mưa lớn ». Ngoài tinh thần tương ái của người dân, việc thiếu dự án quy hoạch đô thị và sự bất lực của chính quyền chắc chắn sẽ bị lên án. Tuy nhiên, lượng mưa năm 2017 mới chỉ cung cấp được cho Bombay, tùy theo từng khu vực, khoảng 71% đến 86% lượng nước cần thiết cho suốt 9 tháng hạn hán.

« Hỗn loạn thời tiết tại Bombay » là tựa bài viết của La Croix, dù nông dân tại đây đang rất cần mưa. Nhật báo công giáo cũng nhận định người dân tại đây đã thể hiện tình đoàn kết và giúp đỡ nhau, đặc biệt là những người lái taxi và richshaw, sẵn sàng chở miễn phí người bị nạn.

Venezuela : « Chính quyền đàn áp và gieo rắc sợ hãi »

Chính phủ lập pháp của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị lên án trong một bản báo cáo ngày 30/08/2017 của cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo đó, các nhà lãnh đạo đối lập thường chịu những lời đe dọa nghiêm trọng.

Theo một phần nội dung bản báo cáo, được trích trong bài viết : « Liên Hiệp Quốc lên án hành động đàn áp và sợ hãi ở Venezuela » của nhật báo La Croix, tại Venezuela tồn tại một chính sách đàn áp các tiếng nói chỉ trích và gieo rắc sợ hãi trong người dân để chấm dứt những hành động phản kháng. Liên Hiệp Quốc tố cáo lực lượng an ninh và người ủng hộ chính phủ đã gây ra cái chết cho ít nhất 73 người biểu tình chống chính phủ từ tháng 04/2017. Thủ phạm các vụ giết người còn lại, trên tổng số 130 trường hợp tử vong, vẫn chưa được xác định.

20 năm ngày công nương Diana qua đời

Ngày 31/08/2017 là tròn 20 năm công nương Diana qua đời. Khác với cách đây 10 năm, với một buổi hòa nhạc lớn ở Wembley thu hút rất nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới, năm nay, Luân Đôn tưởng nhớ công nương Diana một cách giản dị, không một sự kiện chính thức nào được tổ chức. Thái tử Charles và hai hoàng tử William, Harry, sẽ viếng mộ Diana Spencer ở Althorp Estate, nơi cha bà từng sống, nằm ở miền trung Anh Quốc.

Theo La Croix, việc không có hoạt động nào được tổ chức giải thích là thời gian bắt đầu bào mòn hình ảnh của công nương trong tâm trí người dân Anh. Giới trẻ hiện nay chú ý đến bất kỳ hoạt động nào của Catherine Middleton, được gọi thân mật là Kate. Hoàng hậu tương lai của Anh đang dần chiếm chỗ của « Bông hồng xứ Wales ».

Nhật báo Le Figaro dành riêng một trang để nói về sự kiện này. Có lẽ nhân cách và phong cách sống của công nương Diana có thể được hiểu rõ hơn trong phát biểu của cựu thủ tướng Anh Tony Blair, được Le Figaro trích dẫn : « Phải hình dung ra được 20 năm về trước để hiểu rằng Diana là người đầu tiên trong hoàng gia mà người dân có cảm giác đã hành động như một người bình thường ».

Trang nhất các nhật báo

Loạt cải cách luật lao động và kinh tế là chủ đề chính trên hầu hết trang nhất của các nhật báo Pháp trong số ra hôm nay.

Le Monde quan tâm đến « Dự thảo của chính phủ để giảm bớt thuế tài sản (ISF) và thuế khóa của các doanh nghiệp ». Theo bộ trưởng Kinh tế, Bruno Le Maire, biểu thuế doanh nghiệp sẽ giảm dần từ 33% hiện nay xuống còn 28% vào năm 2018.

Thuế về tài sản sẽ chỉ áp dụng đối với bất động sản, không tính đến bất động sản dành cho công việc. Như vậy, Nhà nước sẽ mất một khoản thuế lên đến 3 tỉ euro.

Đây cũng là chủ đề trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos « Macron đánh cược vào cải cách thị trường lao động ». Còn Libération giới thiệu chân dung nữ bộ trưởng Lao Động Pháp Pénicaud, người sẽ giới thiệu những sắc lệnh sửa đổi luật lao động.

Le Figaro đưa hàng tựa lớn : « Hồi giáo đã thâm nhập vào trường học như thế nào ? » Còn nhật báo công giáo La Croix quân tâm đến « Những mặt trận sau thời kỳ Daech ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.