Vào nội dung chính
NHẬT - BẮC TRIỀU TIÊN - MỸ

Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục để đối phó với Bình Nhưỡng

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm nay, 31/08/2017, đề nghị một ngân sách kỷ lục cho quốc phòng năm tới, nhằm hoàn thiện hệ thống lá chắn chống tên lửa, để đối phó với nguy cơ bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama, phía đông bắc Tokyo ngày 26/10/2014.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama, phía đông bắc Tokyo ngày 26/10/2014. REUTERS/Toru Hanai/File Photo
Quảng cáo

Theo AFP, tổng ngân sách mà bộ Quốc Phòng Nhật Bản đề nghị cho năm tài chính – bắt đầu từ tháng 04/2018 đến tháng 04/2019 – là 5.255 tỉ yen (tương đương 40 tỉ đô la), tăng 2,54% so với năm ngoái. Nếu yêu cầu này được chấp thuận, đây sẽ là năm thứ sáu liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quân sự.

Bộ Quốc Phòng Nhật khẳng định nguồn kinh phí bổ sung sẽ giúp cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản có khả năng nâng cấp hệ thống lá chắn tên lửa, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa. Ngân sách bổ sung dự kiến dùng để trang bị thêm nhiều tổ hợp tên lửa SM-3, các hệ thống radar và dò tìm hỏa tiễn mới, cũng như các phương tiện thuộc hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo tầm trung Aegis trên bộ.

Các quan chức bộ Quốc Phòng cho biết Nhật Bản cần được trang bị đầy đủ phương tiện để có thể bắn hạ mọi hỏa tiễn Bắc Triều Tiên lọt vào lãnh thổ nước này.

Nguy cơ từ láng giềng Bắc Triều Tiên đối với Nhật Bản ngày càng hiện hữu, đặc biệt với vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm thứ Ba, 29/08. Việc hỏa tiễn bay qua lãnh thổ Nhật gây chấn động. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án đây là «đe dọa nghiêm trọng, chưa từng thấy», và quyết định dành nhiều phương tiện hơn cho quốc phòng.

Donald Trump và James Mattis bất đồng về chiến lược xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên

Vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên lên cao do việc Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, tổng thống Donald Trump và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lại bất đồng với nhau trong hồ sơ này.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :

" Lại có bất đồng bên trong chính quyền Mỹ, Lầu Năm Góc nói ngược với Nhà Trắng. Sau khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa bay qua không phận Nhật Bản, Donald Trump không còn đe dọa sẽ đổ bão lửa và căm hờn lên đầu Bình Nhưỡng nữa mà chỉ tuyên bố ôn hòa hơn là Hoa Kỳ không loại trừ bất kỳ giải pháp nào. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, 30/08, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ lại lên giọng cứng rắn : Từ 25 năm qua, Mỹ thảo luận với Bắc Triều Tiên và kết quả là chúng ta trở thành nạn nhân của sự bắt bí của Bình Nhưỡng. Ông kết luận : Thảo luận không phải là một giải pháp.

Thế nhưng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không chia sẻ ý kiến này. Trước mặt bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc, ông James Mattis tuyên bố rằng vẫn có khả năng đàm phán. Ông nói : Chúng tôi không bao giờ cạn kiệt các sáng kiến ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục cùng nhau làm việc ; ngài bộ trưởng và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân và các lợi ích của hai nước.

Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng chủ trương một giải pháp ngoại giao. Điều này không có nghĩa là Mỹ sao nhãng việc chuẩn bị đối phó nếu như Kim Jong Un trở nên hung hăng hơn. Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã bắn chặn thành công một tên lửa cùng loại với hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên đã bắn hồi cuối tuần qua.

Theo truyền hình CBS, nếu như bộ Quốc Phòng Mỹ loại bỏ khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự truyền thống, thì Lầu Năm Góc dường như tính tới một cuộc tấn công tin học có sức tàn phán mạnh mẽ hơn nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. "

Căng thẳng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng tăng thêm một nấc. Một bài xã luận được cơ quan thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, đăng tải hôm qua, 31/08, cảnh báo Nhật Bản đang « nhanh chóng trên đường đi đến chỗ tự hủy diệt ». Bình Nhưỡng tố cáo Nhật hậu thuẫn « ông chủ » Hoa Kỳ để chống lại Bắc Triều Tiên. Trước đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ còn tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác, và hướng bắn ra Thái Bình Dương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.