Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tư pháp Mỹ tuyên chiến với thuốc giảm đau gây nghiện

Đăng ngày:

Ma túy không chỉ hoành hành nhờ các đường dây buôn lậu, mà còn thông qua hệ thống y tế. Đây chính là điều đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Trước tình trạng khoảng 60.000 người chết do dùng ma túy quá liều hồi năm ngoái (1), đầu tháng 8/2017, bộ Tư Pháp Mỹ tuyên chiến chống lại các bác sĩ, dược sĩ kê đơn và bán bất hợp pháp các loại thuốc giảm đau có chứa ma túy.

Một hình ảnh cảnh báo hiểm hóa thuốc giảm đau gây nghiện đối với toàn nước Mỹ
Một hình ảnh cảnh báo hiểm hóa thuốc giảm đau gây nghiện đối với toàn nước Mỹ Ảnh chụp màn hình : tribtalk.org
Quảng cáo

Thông tín viên Jean-Louis Pourtet từ Washington cho biết,

« Một trăm bốn hai người chết một ngày, do dùng quá liều các chất có chứa thuốc phiện. Cứ mỗi ba tuần một lần, tổng số nạn nhân tương đương với vụ khủng bố 11/09. Hồi năm ngoái, các chất giảm đau có chứa thuốc phiện và heroine đã khiến 60.000 người tử vong.

Tại Ohio, một trong các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tuyên bố đây là mức tử vong cao nhất do ma túy trong lịch sử nước Mỹ.

Để dập tắt xu thế này, bộ trưởng Tư Pháp Mỹ thông báo một loạt các biện pháp nhằm vào ngành y tế : ‘‘Nếu quý vị là một bác sĩ kê thuốc giảm đau gây nghiện vì mục tiêu kiếm lời, hay một dược sĩ để thuốc lọt ra ngoài, theo các toa thuốc mà quý vị có được một cách gian lận, chúng tôi sẽ truy tố quý vị’’.

Bộ trưởng Jeff Sessions cũng thông báo bổ nhiệm 12 công tố viên, có trách nhiệm điều tra về các gian lận trong ngành y và đưa thủ phạm ra tòa.

Bộ Tư Pháp vừa truy tố hơn 400 người, trong đó có các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện, không cần thiết cho điều trị, cũng như các nhà thuốc bán các loại thuốc như vậy cho những người nghiện. Bộ Tư Pháp cũng buộc quỹ an sinh xã hội Mỹ phải hoàn trả khoản tiền tổng cộng một tỉ đô la ».

Theo AFP,  trong chiến dịch vừa khởi sự này, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 10 người gần Los Angeles, quản lý bảy hiệu dược phẩm giả mạo, bán ra thị trường gần hai triệu vỉ thuốc giảm đau có chứa thuốc phiện.

Ma túy bắt nguồn từ bệnh viện

Tuy nhiên, chiến dịch nói trên chỉ mới nhắm vào phần nổi của tăng băng chìm. Cuộc truy quét các bác sĩ, dược sĩ phân phối bất hợp pháp thuốc chứa ma túy, được đánh giá chỉ là « bước đầu tiên ». Hôm 31/07, một ủy ban chống nạn nghiện ma túy, do Donal Trump lập ra, công bố một báo cáo, theo đó, tổng thống Mỹ cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn quốc để đối phó với tệ nạn đang gia tăng với tốc độ rất nhanh chóng (2).

Trở lại với cội rễ của nạn chết quá liều do dùng thuốc giảm đau có chứa ma túy, Le Figaro cho rằng nạn này đã được ấp ủ từ hơn 30 năm trước. Năm 1980, một nhóm nghiên cứu đại học Boston tuyên bố là việc sử dụng thuốc ngủ có chứa thuốc phiện tại bệnh viện rất hiếm khi gây nghiện (bốn trường hợp trên tổng số 11.882 ca thẩm định. Kết quả được công bố trên New England Journal of Medecin). Nghiên cứu nói trên được dẫn ra hàng trăm lần, đã khuyến khích các bác sĩ sau này không ngần ngại kê các toa thuốc giảm đau liều ngày càng cao cho bệnh nhân. Hành động được các hãng bào chế cổ vũ. Lượng thuốc giảm đau chứa ma túy tăng gấp bốn lần trong vòng hai thập niên.

Với 5% dân số thế giới, Hoa Kỳ tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu. Thần tượng nhạc Pop Prince tử vong hồi năm ngoái do dùng quá liều fentanyl, một loại thuốc giảm đau tổng hợp có hiệu lực mạnh hơn 100 lần so với morphin (3).

Tuần lễ Sữa Mẹ Thế Giới : Ngành tiếp thị sữa bột bị lên án

Từ ngày 01 đến 07/08, tại 120 quốc gia trên thế giới, diễn ra tuần lễ cổ vũ cho Sữa Mẹ, do Quỹ Nhi Đồng Thế Giới (UNICEF) và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tổ chức. Nhân dịp này, hiệp hội chống đói nghèo/Action contre la faim lên án các chiến lược tiếp thị, quảng cáo bán sữa bột, của các tập đoàn công nghiệp thực phẩm, tại các nước đang phát triển.

Sữa mẹ được giới y tế nhất trí đánh giá là thiết yếu cho sức khỏe của con trẻ, bởi đầy đủ dinh dưỡng và kháng thể. Ưu tiêu dùng hoàn toàn sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời được WHO đánh giá như là một biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ thơ. Việc bú sữa mẹ đến hai năm tuổi là điều được khuyến khích. Ước tính hơn 800.000 trẻ em thoát chết hàng năm, nhờ sữa mẹ.

Nhân tuần lễ Sữa Mẹ Thế Giới, các bà mẹ Philippines đồng loạt cho con bú tại nơi công cộng, để cỗ vũ cho tập quán tốt đẹp này. Hoạt động diễn ra bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Manila, 05/08/2017.
Nhân tuần lễ Sữa Mẹ Thế Giới, các bà mẹ Philippines đồng loạt cho con bú tại nơi công cộng, để cỗ vũ cho tập quán tốt đẹp này. Hoạt động diễn ra bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Manila, 05/08/2017. REUTERS/Dondi Tawatao

Tuy nhiên, việc bán sữa bột thay thế cho sữa mẹ khiến tỉ lệ bà mẹ cho con bú sụt giảm ở khắp nơi trên thế giới. Theo một điều tra của WHO, thị trường bán sữa bột thay thế sữa mẹ hiện nay trên thế giới có doanh số ước tính khoảng 45 tỉ đô la, và dự kiến sẽ tăng đến hơn 70 tỉ đô la năm 2019.

Bà Manon Ravaux, một thành viên của Hiệp hội Action contre la faim, lên án hoạt động quảng cáo của các công ty bán sữa bột : « Ví dụ như việc quảng cáo tại các trung tâm y tế, tại các nhà trẻ, việc phân phát các mẫu sữa bột đến tay các bà mẹ, hoặc đôi lúc cho cả các nhân viên y tế. Những người hành nghề y này sau đó sẽ được khuyến khích về tài chính, hay bằng quà tặng, để quảng cáo trực tiếp các sản phẩm này với các bà mẹ ».

Cách đây hơn 30 năm đã ra đời, một bộ luật quốc tế qui định về các hoạt động buôn bán các sản phẩm thay thế cho sữa mẹ, do Quỹ Nhi Đồng Thế Giới (UNICEF) và Tổ Chức Y Tế Thế Giới chủ trương (4). Thế nhưng, điều này là không đủ, theo bà Judith Kaboré, đại diện của Action contre la faim ở Tây Phi : « Với các công ty công nghiệp thực phẩm, chuyện này (tức bộ luật quốc tế về buôn bán các sản phẩm thay thế cho sữa mẹ) thường là điều khó hiểu, bởi các doanh nghiệp bị động cơ tìm kiếm lợi nhuận thúc đẩy. Trên thực tế, bộ luật này không cản trở việc họ bán các sản phẩm, mà chỉ nhằm điều chỉnh phương thức buôn bán các sản phẩm này ».

Vừa qua, UNICEF, WHO và Mạng lưới Hành Động vì Thực Phẩm Nhi Đồng Quốc Tế (IBFAN/International Baby Food Action Network) ra một báo cáo tổng hợp đầu tiên về quy chế pháp lý của bộ luật bảo vệ sữa mẹ tại 194 quốc gia năm 2016 (5). Báo cáo khẳng định hiện tại mới chỉ có 39 quốc gia nội luật hóa toàn bộ hay phần lớn các quy định trong bộ luật bảo vệ sữa mẹ quốc tế.

Bắc Mỹ : Bệnh Lyme tăng vọt do khí hậu thay đổi

Tình trạng bệnh Lyme tăng bất thường tại Canana đang được báo động. Bệnh Lyme do loài bọ ve truyền bệnh, được coi là một trong những bệnh lây qua vật chủ trung gian phổ biến nhất tại nhiều nước ôn đới vùng Bắc Bán Cầu, với các xứ lạnh hơn như Canada, bệnh này được coi là rất hiếm. Tuy nhiên, gần đây Lyme bắt đầu trở thành một vấn đề y tế công cộng lớn tại Canada. Thông tín viên David Savoie từ Montréal cho biết thêm :

« Hồi năm ngoái, có gần 1.000 trường hợp được ghi nhận, với độ phân bổ gần như trên khắp cả nước. Các bạn có thể so sánh với năm 2009, chỉ có 150 trường hợp. Ba tỉnh bị ảnh hưởng nhất là Quebec, Ontario và Nouvelle-Ecosse. Ngay cả thủ đô Canada Ottawa kể từ giờ cũng bị coi là vùng có nguy cơ, điều chưa từng thấy…. Mới đây thôi, dân Canada có ấn tượng đấy là bệnh của các tiểu bang Mỹ láng giềng, chứ không phải tại nước mình.

Nếu như số lượng người mắc bệnh tăng lên, đó là vì số lượng ve ký sinh cũng đã tăng lên khắp nơi. Tại một số vùng, theo một số ước tính, lượng ve năm nay tăng lên gấp đôi so với năm ngoái….

Các nhà khoa học cho rằng ảnh hưởng của bệnh Lyme sẽ còn tăng lên, khi mà khí hậu Canada trở nên có phần thuận lợi hơn cho loài ve ký sinh. Theo một số dự đoán, sẽ có đến 10 nghìn đến 20 nghìn người mắc bệnh trong khoảng ba đến bốn năm tới ».

Theo WHO, bệnh Lyme do vi khuẩn Borrelia gây ra, nếu không được điều trị có thể tác động đến hệ thống khớp, tim và hệ thần kinh trung ương. Bệnh nhiều khi diễn biến âm thầm, người bị nhiễm virus có thể bị viêm khớp, hai năm sau khi nhiễm vi rút. Phần lớn các trường hợp đều có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Tử vong rất hiếm khi xảy ra.

Một loại bọ ve, trung gian truyền bệnh bệnh Lyme.
Một loại bọ ve, trung gian truyền bệnh bệnh Lyme. Wikipedia

Những địa điểm dễ bị bọ ve (tick/tique) cắn là các vùng nông thôn, người đi cắm trại hay khách đi rừng dễ trở thành nạn nhân (6).

 

Châu Âu : Dự báo người chết vì nóng tăng gấp 50 lần

Về biến đổi khí hậu, tiếp sau dự báo về một khu vực rộng lớn tại Nam Á sẽ không thể sống nổi, từ đây đến cuối thế kỷ, do khí hậu nóng lên, theo AFP hôm nay, một nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu cho biết, số lượng người chết vì nóng tại châu Âu sẽ tăng lên gấp 50 lần so với hiện nay, cụ thể là khoảng 150.000 người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, của một trung tâm nghiên cứu của Ủy Ban Châu Âu, nhấn mạnh là khí hậu nóng lên dữ dội là nguyên nhân tử vong số một, đứng trên sáu hiện tượng khí hậu bất thường như lạnh giá, hỏa hoạn, khô hạn, lũ lụt do sông và do biển, và bão tố.

Venus : Vệ tinh đầu tiên chuyên quan sát quan hệ giữa khí hậu bị hâm nóng và hệ thực vật

Một diễn biến mới đáng phấn khởi trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường. Đầu tuần này, ngành không gian Pháp (CNES) phối hợp với Israel (IAI) đã đưa lên quỹ đạo một vệ tinh đầu tiên chuyên môn hóa trong lĩnh vực quan sát biến đổi của đời sống thực vật dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Vệ tinh Venus (Vegetation and Environment monitoring on a New Microsatellite)
Vệ tinh Venus (Vegetation and Environment monitoring on a New Microsatellite) Robin SARIAN / CNES / AFP

Vệ tinh tí hon Venus, nặng khoảng 260 kg, hoạt động ở độ cao 720 km, có nhiệm vụ truyền về Trái đất cứ hai ngày một lần, các thông tin về tương tác giữa sự vận chuyển của khí cácbon và biến đổi khí hậu. Các diễn biến của thời tiết, đời sống thực vật, biến đổi mặt đất tại 110 địa điểm, được đánh giá là « có giá trị toàn cầu », sẽ được liên tục theo dõi.

Vệ tinh Venus được đánh giá là một vệ tinh giá rẻ (7), nhưng sử dụng công nghệ cao, với các hình ảnh có độ phân giải 5 mét. Venus sẽ gửi về các hình ảnh đầu tiên vào ngày 17/08, nếu mọi việc diễn ra như dự kiến.

Trong số các ứng dụng được trông đợi của Venus, có đóng góp vào việc tăng cường khả năng dự báo các thay đổi lớn của môi trường.

----

(1) Hiện tại ước tính ít nhất từ 2 đến 3 triệu người Mỹ phụ thuộc vào các chất có chứa ma túy, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC/Centers for Disease Control and Prevention). Riêng trong năm 2016, khoảng 1,3 triệu lượt người phải điều trị tại bệnh viện, vì lý do này, khiến nước Mỹ thiệt hại khoảng 78 tỉ đô la, về chi phí y tế và thiệt hại do mất nhân công, chưa kể đến các thiệt hại do tình trạng tội phạm gia tăng. Khoảng 3 triệu trẻ em phải chuyển qua tay người khác chăm sóc, vì cha mẹ bị nghiện. Riêng tại tiểu bang Ohio, lãnh đạo các doanh nghiệp khổ sở vì không tìm được nhân công, 40% ứng viên bị loại sau khi trải qua các test thử ma túy.

(2) Năm 2016, có 62.497 người chết vì dùng thuốc quá liều, hơn 10.000 người so với năm trước 2015. Trong số người chết năm 2015, có hơn 20.000 người do các thuốc kê trong đơn, và 13.000 người do tiêm chích heroine. Chết do dùng ma túy quá liều trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu, cao gấp rưỡi số nạn nhân tai nạn giao thông, gấp 4,5 lần số người chết do súng. Cũng năm này, tổng thống Obama đã yêu cầu các bác sĩ hạn chế kê thuốc giảm đau có chứa thuốc phiện. Tuy nhiên, một hệ quả không được tính đến là, nhiều bệnh nhân, vốn bị phụ thuộc vào thuốc, quay sang dùng heroine để thỏa mãn cơn nghiện.

(3) Tại Pháp, loại thuốc này được kiểm soát rất chặt, chỉ được dùng trong trường hợp gây mê, hồi sức, trong khi ở Mỹ được sử dụng rộng rãi.

(4) Bộ luật (Le Code International sur la commercialisation des substituts du lait maternel) được Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới thông qua năm 1981.

(5) Xem báo cáo trên trang của Tổ Chức Y Tế Thế Giới : www.who

(6) Tham khảo trang hướng dẫn về bệnh Lyme của bộ Y Tế Canada : www.canada.ca/en/public-health/services/diseases/lyme-disease.html#s9 và phầnlược dịch tiếng Việt trên một diễn đàn.

(7) Hợp tác với Israel cho phép giảm hơn một nửa trong số tổng chi phí 100 triệu euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.