Vào nội dung chính
DÂN TÚY - CHÍNH TRỊ

Bước thụt lùi lớn của chủ nghĩa dân túy

Bảy tháng trước đây tại Diễn đàn Davos, điểm hẹn của giới tinh hoa trên thế giới, rộ lên những lời tiên đoán về hồi kết của mô hình toàn cầu hóa. Ông Donald Trump đánh dấu việc bước vào Nhà Trắng bằng một bài diễn văn gay gắt. Và tại châu Âu, nơi mà Anh quốc đã quyết định ly dị với châu lục này, « nền dân chủ tự do » dường như phải hạ vũ khí trước sự tấn công ồ ạt của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Nhưng theo Le Monde, bây giờ tâm trạng đã thay đổi hẳn.

Đã từ rất lâu mới có một ứng cử viên tổng thống tranh cử với lá cờ EU bên cạnh quốc kỳ: ông Emmanuel Macron.
Đã từ rất lâu mới có một ứng cử viên tổng thống tranh cử với lá cờ EU bên cạnh quốc kỳ: ông Emmanuel Macron. Ảnh : Reuters
Quảng cáo

Xã luận Le Monde ngày 17/06/2017 nhận xét : Washington chìm vào một sự hỗn loạn cả về hành chính lẫn chính trị, trong khi tổng thống Mỹ cố gắng áp dụng một số cải cách đã hứa trong chương trình tranh cử, một cách vất vả. Các đồng minh của ông, nếu không công khai chế giễu, như thủ tướng Úc đã nhại theo điệu bộ ông Trump trong một cuộc hội nghị, thì cũng tỏ thái độ nghi hoặc.

Ở bên kia biển Manche, cử tri Anh tặng cho thủ tướng Theresa May một đòn đích đáng. Bà May với tham vọng tăng cường phe đa số của mình để thương lượng Brexit dễ dàng hơn, nay ở thế yếu hẳn. Và tại Đông Âu, các đảng dân túy không ngừng xuống dốc. Từ bảy tháng qua, các đảng này không ngừng thụt lùi trong các cuộc bầu cử, tại các nước trong khu vực.

Phát súng lệnh đầu tiên được bắn đi từ Áo hồi tháng 12/2016, với sự thất bại của ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống. Rồi đến đảng Vì độc lập Anh quốc (UKIP) bị bốc hơi, không còn lý do tồn tại sau vụ Brexit ở Anh. Tại Đức, sau khi gây nhiều sợ hãi, đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) không chống chọi nổi với cỗ xe tăng Angela Merkel.

Tháng 3/2017 tại Hà Lan, đảng Tự do Dân chủ Nhân dân (PVV) của chính khách tai tiếng Geert Wilders không đạt được sự đột phá như mong đợi. Ở Phần Lan, đảng dân túy True Finns (Những người Phần Lan gốc) trở nên quá cực đoan, đã phải rời chính phủ và sau đó bị tan rã.

Nước Pháp, vốn là nơi tập trung mọi quan ngại, đã gây choáng váng khi một khuôn mặt mới toanh là Emmanuel Macron, thắng lớn trước đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Người ta thấy rõ chủ tịch đảng này, bà Marine Le Pen không có được tầm vóc của một ứng cử viên tổng thống, và điều đó đã được chứng tỏ trong cuộc tranh luận ở vòng hai. Làn sóng Macron đã nhấn chìm các phe dân túy, cả tả lẫn hữu. Cùng lúc đó ở bên Ý, phong trào 5 Sao của diễn viên hề Beppe Grillo thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương.

Làm thế nào giải thích một sự đổi chiều như thế ? Giáo sư người Hà Lan Cas Mudde, một trong những chuyên gia về chủ nghĩa dân túy châu Âu, trước hết nghĩ rằng hiện tượng này đã được truyền thông và giới chính trị thổi phồng. Ông nói với Le Monde : « Rõ ràng là Wilders (Hà Lan) không đủ số ghế để lập chính phủ, và Le Pen (Pháp) không thể thắng nổi trong cuộc bầu cử tổng thống ». Ông cho rằng nỗi sợ bóng ma cực hữu, dân túy chỉ là sợ bóng sợ gió.

Giả thiết này có vẻ khả tín, nhưng Le Monde cho là giải thích như thế e rằng chưa đủ. Tờ báo tìm đến một chuyên gia khác, ông Takis Pappa người Hy Lạp, của Central European University ở Budapest. Chuyên gia này nhận ra rằng mỗi khi một đảng dân túy phải đối mặt với một lực lượng chính trị có những đề xướng thực sự mang tính cải cách, chặt chẽ và có trách nhiệm, thì phái mị dân không thể địch nổi.

Ông Takis Pappa nói : « Macron đã đánh bại cực hữu khi bênh vực quan điểm một nước Pháp cởi mở, đa văn hóa, thân châu Âu », còn tại Hà Lan, các đảng cánh trung và ủng hộ châu Âu cũng lên ngôi. Theo ông, thay vì bắt chước các chủ đề của phe dân túy, tốt nhất nên đối đầu với phe này, chiến đấu với phe chủ bại bằng một tầm nhìn tích cực.

Một yếu tố khác, có lẽ nằm trong công trình nghiên cứu dư luận mà Pew Research Center vừa công bố ở Hoa Kỳ. Liên hiệp Châu Âu (EU) năm 2017 đã lại có được sự tín nhiệm cao độ của dư luận các nước thành viên – trừ Hy Lạp – đặc biệt là tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan…và thậm chí tại Anh, nơi mà 54% cử tri có cái nhìn tích cực về EU. Khuynh hướng này đặc biệt thấy rõ nơi giới trẻ, vốn lớn lên với các dự án châu Âu. Le Monde cho rằng bà Marine Le Pen đã phải trả giá để phát hiện ra sự gắn bó này.

Vụ Brexit, tức Anh quốc ra khỏi EU, gây ra những tác động gì với các nước khác ? Bruxelles lúc đó đã từng hết sức lo ngại hiệu ứng dây chuyền. Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã từng thích thú đặt câu hỏi với các đối tác châu Âu, là « sắp tới nước nào sẽ theo chân Anh quốc ? ».

Nhưng Donald Trump chính là một lực đẩy khác. Khó thể mơ được một sự phản tuyên truyền nào đáng giá hơn thế cho phe dân túy. Nhà thống kê học Mỹ Nate Silver ghi nhận trên blog FiveThirtyEight, là các chính trị gia châu Âu mị dân, hoặc các lãnh đạo hiếm hoi như bà Theresa May, càng bày tỏ cảm tình với tổng thống Mỹ, thì họ càng dễ bị thất cử. Công thức Brexit + Trump = xui xẻo tại các nước nói tiếng Anh hiện nay.

Tuy vậy chủ nghĩa dân túy không phải đang thất bại ở mọi nơi. Chuyên gia Takis Pappas phân biệt các đảng tạm gọi là dân túy « bẩm sinh » (dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống EU) với các đảng dân túy có quan điểm rộng hơn, bác bỏ chủ nghĩa tự do chính trị và chủ trương « dân chủ phi tự do ». Các đảng dân túy này đang nắm quyền ở Hungary, Ba Lan, Hoa Kỳ và nếu cần thiết vẫn tấn công vào lực lượng phản biện như tư pháp độc lập, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ.

Giáo sư Cas Mudde nhấn mạnh một đặc thù khác của các phong trào này. Khác xa với sự khởi đầu của các đảng chống hệ thống như Mặt trận Quốc gia ở Pháp hay 5 Sao ở Ý, họ đã kiểm soát được các đảng bảo thủ. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump đã thành công trong việc trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa.

Tây Âu vốn ít có tình trạng bất bình đẳng hơn so với Hoa Kỳ và Anh quốc, và cắm rễ vững chắc vào nền dân chủ, hơn hẳn so với Trung Âu hậu cộng sản, nên khu vực này đã chứng tỏ sức chống đỡ trước mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy. Điều đó liệu có nghĩa là mối nguy hiểm đã rời xa ?

Câu trả lời của Le Monde : Chắc chắn là không ! Bây giờ đến lượt các lãnh đạo châu Âu đã thắng cử vẻ vang, phải gánh lấy trách nhiệm ngăn chận làn sóng dân túy, và chứng tỏ rằng họ đã hiểu thấu lời cảnh báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.