Vào nội dung chính
SYRIA - NGA - QUÂN SỰ

Nga triển khai quân đến giám sát hai vùng “an toàn” ở Syria

Quân đội Nga ngày 24/07/2017 thông báo là đã cho triển khai lực lượng quân cảnh dọc theo hai vùng « giảm xung đột » - tức là vùng an toàn - được thiết lập ở Syria, một ở miền Tây Nam, và một ở khu vực Đông Ghouta, gần thủ đô Damas. Mục tiêu là để giám sát việc tôn trọng hực hiện hưu chiến.

Các chiến binh lực lượng nổi dậy trong vùng đông Ghouta, gần Damas, ngày 20/07/2017.
Các chiến binh lực lượng nổi dậy trong vùng đông Ghouta, gần Damas, ngày 20/07/2017. ABDULMONAM EASSA / AFP
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo tại Mátxcơva, tướng Sergei Rudskoy thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nga, cho biết là hai chốt kiểm soát cùng với 10 đồn giám sát đã được dựng lên vào hai ngày 21-22/07 tại miền Tây Nam Syria, ở khu vực bao gồm các vùng Deera, Qouneitra và Soueida.

Cũng theo nguồn tin trên, 2 chốt kiểm soát và 4 đồn giám sát cũng đã được thiết lập ngày hôm qua, 24/07 tại khu vực Đông Ghouta.

Đây là 2 trong số 4 khu vực giảm căng thẳng trong kế hoạch đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí vào tháng Năm vừa qua nhân vòng đàm phán ở Astana.

Phía Mỹ, Jordan và Israel đã được « báo trước » về kế hoạch triển khai này, thông qua kênh quân sự ngoại giao.

Theo tướng Rudskoy, việc triển khai lực lượng quân cảnh Nga và thiết lập các chốt, đồn kiểm soát cho phép « hỗ trợ lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, giúp hồi hương người tị nạn và những người bị di dời ».

Vào đầu tháng Bảy, Nga, Mỹ cùng Jordan đạt thỏa thuận cố định các đường ranh giới của vùng an toàn và áp đặt lệnh ngừng bắn tại miền Tây Nam Syria.

Ngoại trưởng Nga Lavrov từng cho là việc thiết lập các vùng « giảm xung đột » là bằng chứng cho thấy là Washington và Mátxcơva hoàn toàn có thể cùng làm việc với nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.