Vào nội dung chính
TRUMP - BÁO CHÍ

Hoa Kỳ : Cuộc chiến Trump - truyền thông có lợi cho cả đôi bên

Thượng đỉnh G20 khép lại với đồng thuận gượng ép, cùng với sự hiện diện gây nhiều chú ý của tổng Mỹ Donald Trump, Irak tái chiếm Mossoul, nhưng cuộc chiến chống Daech vẫn còn tiếp diễn… Đó là những chủ đề chính được hầu hết các báo Pháp ra ngày 10/07/2017 tập trung khai thác. Trên nhật báo Le Monde có bài viết đáng chú ý xoay quanh cuộc đọ sức giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với giới truyền thông.

Hadi Asadi, người đoạt giải tranh biếm họa đầu tiên về Donald Trump, tổ chức tại Iran.
Hadi Asadi, người đoạt giải tranh biếm họa đầu tiên về Donald Trump, tổ chức tại Iran. ©Hadi Asadi
Quảng cáo

Bài viết mang tựa đề : « Hoa Kỳ : Trump và truyền thông, một cuộc chiến rất sinh lời ». Theo bài báo, với các cuộc tấn công dữ dội chưa từng thấy vào các nhà báo, « Donald Trump củng cố uy tín trong một bộ phận dân chúng Mỹ. Mặt khác, trong cuộc tấn công đó, giới truyền thông Mỹ cũng thu lợi. Nhưng nền dân chủ có nguy cơ bị thua thiệt nhiều ».

Tờ báo nhắc lại việc tổng thống Donald Trump đối đầu với báo chí là một cuộc chiến kéo dài từ nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí còn lâu hơn thế. Một trận chiến ngôn từ, sỉ nhục và chưa từng có giữa Donald Trump, đã là tổng thống Hoa Kỳ, và giới truyền thông, những người đang phải tự vệ bằng cách moi ra các phát giác, chỉ trích tổng thống. Vụ ông Trump tung lên Twitter đoạn vidéo ông quật ngã thô bạo một người có che trên đầu hình hiệu của CNN mới đây chỉ là màn biếm họa gần nhất trong một loạt cuộc tấn công của ông Trump mà thôi.

Bài báo nhận định : « Cho đến giờ, chưa hề có một vị chủ nhân Nhà Trắng nào ăn nói và hành động như vậy. Chưa bao giờ báo chí lại trở thành mục tiêu được tổng thống chăm chút công khai như vậy… » . Ngay sau ngày nhậm chức tổng thống, đến thăm trụ sở CIA, ông Trump đã thẳng thừng nói « tôi đang có cuộc chiến với truyền thông », rồi sau đó ông tuyên bố, các nhà báo là một trong số những loại « người bất lương nhất thế giới ». Tổng thống Trump cũng đã dùng không biết bao nhiêu ngôn từ lăng mạ nhà báo, nào là : những kẻ « dối trá », « bịp bợm », « vô lại », « kẻ thù »

Tuy nhiên, tác giả bài viết nhận thấy trong « cuộc chiến với báo chí mà ông Trump tuyên bố đó các bên đều thoát ra trong tư thế người chiến thắng. Ít ra là cho đến lúc này ».

Quả thực, ngay từ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa các ứng cử viên và các tổ chức báo chí là mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Về phía truyền thông, ấn bản và độc giả tăng mạnh, còn các đối thủ tranh cử đưa được thông điệp đến công chúng nhanh nhất. Thế nhưng, Jim Rutenberg, một chuyên gia làm việc ở nhật báo New York Times, nhận thấy trong trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, « chưa bao giờ cái được và cái mất về tài chính, chính trị, nghiệp vụ báo chí chồng chéo lên nhau một cách rối loạn như vậy ».

Về phía truyền thông, theo bài báo, chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua đã đem lại cho họ nguồn lợi lớn. Năm 2016, ba kênh truyền hình chính CNN, Fox News và MSNBC đã tăng thời lượng chính lên 55% và điều đó mang lại thu nhập tăng 20% so với năm trước.

Các báo viết, báo mạng đều ghi nhận lượng độc giả, thuê bao tăng kỷ lục. Đặc biệt New York Times và Washington Post, hai đối thủ trực diện luôn bới móc phát giác Trump lại càng làm ăn phát đạt hơn. Cần phải biết thêm là vào thời điểm đó báo chí Mỹ nói chung đang có xu hướng bão hòa, mất dần khách hàng theo dõi thông tin, bắt đầu gặp khó khăn tài chính.

Trong khi đó, Donald Trump đã biết lợi dụng truyền thông bằng cách tấn công báo chí để thu hút sự chú ý, che đậy những tuyên bố dối trá của ông. Chỉ đến khi giành chiến thắng ở bầu cử sơ bộ trở thành ứng viên tổng thống chính thức thì Donald Trump mới bắt đầu quay sang tấn công báo chí. Và cũng từ đó, báo chí mới bắt đầu chú ý tới vị ứng cử viên tổng thống này nhiều hơn. Theo nghiên cứu của PolitiFact, một trang thông tin chuyên thẩm định lời nói và hành động của các nhà chính trị Mỹ, thực hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, có tới 7/10 các tuyên bố của ứng viên Cộng Hòa bị lật tẩy là sai.

Vẫn theo bài báo của Le Monde, giờ đây cuộc chiến của ông Trump với báo chí đang có xu hướng thành một « cuộc đấu sinh tử » và giới quan sát nhận thấy tổng thống Mỹ Trump đang đi quá xa.

Bắc Triều Tiên : Vẫn lặp lại kịch bản không lối thoát

Về thời sự liên quan đến châu Á, vụ Bắc Triều tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, thách thức cả cộng đồng quốc tế hôm 04/07 vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhật báo Le Monde có bài phân tích cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên với nhận định các lựa chọn giải pháp cho cuộc khủng hoảng này « hạn chế hoặc rủi ro ».

Bài báo của Le Monde khẳng định có thể dự báo được vụ bắn tên lửa đạn đạo vừa rồi của Bắc Triều Tiên. Các phản ứng về hành động này cũng có thể biết trước. Đó là : « Tổng thống Mỹ thì bốc hỏa, các đồng minh của Hoa Kỳ thì sôi sục, Trung Quốc và Nga thì vừa phê phán vừa kêu gọi đàm phán ».

Người ta có thể thấy, lần nào cũng vậy, một kịch bản tương tự vẫn cứ diễn lại đều đặn. Mỗi lần như thế, Bình Nhưỡng lại đi xa hơn một chút. Một kịch bản phản ứng như vậy, theo bài báo, là thất bại, không thể ngăn chặn được tham vọng của Bắc Triều Tiên muốn trở thành cường quốc hạt nhân.

Tác giả bài phân tích khẳng định : « Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là kết quả của gần nửa thế kỷ theo đuổi chiến lược lên xuống giữa thương lượng và đối đầu của các đời tổng thống Mỹ ». Đỉnh điểm của đối đầu là dưới thời tổng thống George W. Bush, khi mà cộng đồng quốc tế đang đến gần thỏa hiệp với Bắc Triều Tiên về chương trình vụ khí hạt nhân.

Cho đến thời điểm này, dưới thời chính quyền Trump, các lựa chọn không có gì khác. Bài viết đặt câu hỏi : « Liệu ông Trump có ý thức được những giới hạn lựa chọn của mình ? Thúc ép Trung Quốc can dự thì đây không phải là ưu tiên của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn có một Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, nhưng lại càng không mong muốn chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ để dẫn đến hỗn loạn bên sườn đông hoặc sự hiện diện của quân Mỹ bên kia biên giới nếu Hàn Quốc thống nhất bán đảo Triều Tiên ».

Tấn công vào Bắc Triều Tiên thì chắc chắn sẽ kéo theo sự đáp trả bắn tên lửa vào Seoul, căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, nơi có 50 nghìn quân Mỹ đồn trú. Tất cả những vị trí này đều trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên. Trừng phạt hay biểu dương sức mạnh đã cho thấy không có hiệu quả gì. Còn lại chỉ là tạo cho Bình Nhưỡng cơ hội trên mặt trận ngoại giao. Nhưng các cuộc đàm phán cũng sẽ rất khó vì Bình Nhưỡng luôn đặt mối lo cho sự tồn vong của chế độ lên trên hết.

Bài báo phân tích, « nếu như cuối năm 2000, Bắc Triều Tiên có vẻ khi đó đã sẵn sàng cho một thỏa thuận với Hoa Kỳ thì bây giờ họ không còn như vậy nữa. Bình Nhưỡng đã rút ra bài học từ Irak, Lybia ». Họ sẽ không sẵn sàng từ bỏ khả năng đáp trả quân sự để rồi lại bị tấn công như các chế độ của Saddam Hussein và Kadhafi. Hơn nữa, với tính khí thất thường của ông Trump, Kim Jong Un sẽ dựa trên cơ sở nào để đàm phán ? Tóm lại, sự lựa chọn giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên thì không nhiều và đều có những rủi ro.

G20 khép lại và dư âm của Donald Trump

Chuyển qua các thời sự quốc tế khác, các báo đều dành sự chú ý đến sự kiện Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc hôm 08/07 tại Hamburg, Đức, với tâm điểm là tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trang quốc tế báo le Figaro chạy tựa : « Donald Trump trải qua thử thách G20 đầu tiên ». Tờ báo ghi nhận, tại Hamburg, « dù bị cô lập trong cuộc đọ sức về hồ sơ khí hậu nhưng tổng thống Mỹ đã áp đặt được phong cách với các đối tác ».

Sau khi ký thông cáo cuối cùng của G20, ông Donald Trump rời hội nghị trong tâm trạng hài lòng. Ông tung lên Twitter những dòng ca ngợi chủ nhà Angela Merkel đã làm rất tốt công việc tổ chức hội nghị. Về tới Washington, tổng thống Mỹ tiếp tục cam đoan sẽ xem lại « những hiệp định thương mại tồi » mà Hoa Kỳ đã ký.

Theo Le Figaro, trong hai ngày ở hội nghị, Donald Trump đã áp đặt phong cách riêng của ông với các đối tác. Ông rời phòng họp ngay khi các cuộc thảo luận bắt đầu. Với phiên họp về khí hậu, bắt đầu từ thứ Sáu 07/07, ông chỉ dự có 20 phút. Ngày thứ Bảy, ông cho con gái Ivank Trump thế chỗ trên bàn đàm phán, khiến cử tọa khó chịu nhưng cũng đành phải chấp nhận.

Thành công khác của Donald Trump ở Hamburg có lẽ là cuộc gặp lần đầu với tổng thống Nga V. Putin. Vì thế, về đến nhà hôm Chủ Nhật, tổng thống Mỹ thông báo ngay, đã đến lúc « làm việc một cách xây dựng » với nước Nga. Le Figaro nhận xét « trong hậu trường của G20 tại Hamburg, các mối tương quan lực lượng quốc tế đã chuyển biến ».

Olympic 2024 đang đến gần với Paris

Les Echos và Le Figaro đều chú ý tới sự kiện quan trong đối với Pháp và đặc biệt là Paris. Ngày 11/07, tại Lausane, Thụy Sĩ, Ủy ban Olympic Quốc Tế (CIO) sẽ có cuộc họp quan trọng thông qua sơ bộ hồ sơ đăng cai Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 của thủ đô Pháp, Paris và thành phố Los Angeles của Hoa Kỳ.

Đích thân tổng thống Pháp cùng đoàn Ủy ban Paris 2024 sẽ sang Lausane để thuyết phục lần cuối CIO về hồ sơ đăng Olympic 2024 của Paris, trước khi nghe báo cáo đánh giá hồ sơ dự tuyển của hai thành phố tranh cử.

Kết luận của CIO trong phiên họp ngày 11/07 sẽ làm làm tiền đề cho cuộc bỏ phiếu quyết định vào ngày 13/09 trong đại hội của CIO tại Lima, Peru. Các báo đều tỏ ra lạc quan là hồ sơ đăng cai của Paris sẽ thuyết phục được các quan chức Ủy ban Thế vận Quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.