Vào nội dung chính
ANH - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Luân Đôn: Cấm ngư dân Liên Hiệp Châu Âu đánh bắt trong vùng biển Anh?

Ngày 02/07/2017, chính phủ Anh thông báo quyết định rời Công Ước Đánh Cá Luân Đôn năm 1964 để lấy lại đặc quyền kiểm soát đánh bắt gần bờ biển nước này. Rời khỏi Công Ước được ký kết với năm nước gồm Pháp, Bỉ, Đức, Ai Len và Hà Lan, ngư dân Anh Quốc cũng sẽ mất quyền hoạt động gần bờ biển của những nước này.

Một tàu đánh cá chuyển hải sản thu hoạch được xuống bến ngay cạnh chợ cá Grimsby, ở thành phố Grimsby, miền bắc Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 09/01/2017.
Một tàu đánh cá chuyển hải sản thu hoạch được xuống bến ngay cạnh chợ cá Grimsby, ở thành phố Grimsby, miền bắc Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 09/01/2017. Oli SCARFF / AFP
Quảng cáo

Đối với Luân Đôn, đây là bước tiếp theo hoàn toàn lô-gic sau khi Anh Quốc quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tục được Luân Đôn kích hoạt ngày 03/07/2017 và phải mất hai năm mới hoàn thành.

Thông tín viên RFI Laxmi tại Bruxelles cho biết Ủy Ban Châu Âu thông báo ghi nhận quyết định của Luân Đôn, đồng thời giải thích rõ một số điểm :

« Theo Ủy Ban Châu Âu, Công ước 1964 dù sao cũng không còn được áp dụng : Một phát ngôn viên giải thích rằng theo quyền tài phán, luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu mới có giá trị và đã thay thế thỏa thuận trên.

Vì thế, thông báo của Luân Đôn có lẽ là hành động mang tính thổi phồng. Vẫn theo quan chức của Ủy Ban Châu Âu, điều này làm sáng tỏ quan điểm của Anh Quốc về vấn đề đánh bắt cá : Luân Đôn muốn rút khỏi chính sách đánh bắt chung. Được đưa ra trong những năm 1970, chính sách này cho phép ngư dân quyền được hoạt động bình đẳng trong hải phận của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như bình đẳng về cạnh tranh lành mạnh và cùng quản lý trữ lượng cá.

Bộ trưởng Môi Trường Anh cho biết, với quyết định Brexit, Luân Đôn muốn lấy lại quyền cho phép ai có thể được vào vùng biển Anh Quốc. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ 50 năm nay.

Ngư dân Liên Hiệp Châu Âu rất quan ngại về hậu quả của Brexit, vì hiện nay, các nước trong Liên Hiệp đánh bắt trung bình 1/3 lượng cá trong vùng biển của Anh. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ đặc biệt tập trung đến quyền lịch sử của ngư dân, như quyền được thâm nhập các vùng biển của nhau hay tôn trọng nguồn dự trữ cá ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.