Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Luân Đôn : Người nghèo Anh và nhà cao ốc

Đăng ngày:

Vụ cháy kinh hoàng ở Luân Đôn hồi tuần trước khiến dư luận căm phẫn và hé lộ nhiều vấn đề trong cuộc sống của người nghèo ở nước Anh, mà đa số là dân nhập cư.

Cao ốc Grenfell cho người nghèo ở Luân Đôn đã bị thiêu rụi trong đêm 13, rạng sáng 14/06/2017.
Cao ốc Grenfell cho người nghèo ở Luân Đôn đã bị thiêu rụi trong đêm 13, rạng sáng 14/06/2017. Reuters
Quảng cáo

Nạn nhân đầu tiên được nhận diện là một thanh niên trốn khỏi nội chiến ở Syria, sang Anh xin tị nạn, nhưng cuối cùng lại bỏ mạng trong đám cháy. Trước hết thông tín viên Lê Hải giải thích tại sao trong tòa cao ốc này lại có nhiều người nhập cư đến như vậy.

Lê Hải: Trước hết, khác với quan niệm ở Việt Nam và một số nước nghèo là cao ốc condo dành cho người giàu, ở Anh cũng như ở Pháp, nhà cao tầng thường dành cho người thu nhập thấp, chấp nhận không chỉ rủi ro cao về cháy nổ, mà còn rất nhiều bất tiện khác, ví dụ như thang máy dơ bẩn hoặc không hoạt động, hay một nhà bị hỏng đường ống nước thì nước tràn ngập xuống các nhà bên dưới, làm hỏng toàn bộ nội thất của họ. Như ở Việt Nam gần đây còn có trường hợp hỏng ống thoát phân khiến chất thải từ các nhà bên trên trào ngược qua cầu tiêu rồi tràn xuống nhà bên dưới.

Ở nước Anh, vào thập niên 1970, người ta xây một loạt nhà cao tầng cho những người hưởng trợ cấp xã hội. Tòa cao ốc Grenfell Tower bị cháy là một trong số 5 tòa nhà như vậy, nằm ngay đoạn cuối của đường cao tốc từ phía Tây vào trung tâm Luân Đôn. Mỗi cao ốc có khoảng 120 căn hộ, tổng cộng khu vực này có hơn 2.000 người thuộc dạng nghèo sinh sống.

Ở một quận giàu, giá thuê nhà thường rất cao, quỹ đất cũng không còn nhiều, dồn người nghèo hưởng trợ cấp xã hội vào một khu vực nhỏ như vậy là giải pháp dễ dàng được chấp nhận. Quận Kensington & Chelsea là một quận rất giàu : khu vực quanh sân bóng đá của đội Chelsea chỉ toàn người giàu ở, còn khu vực lâu đài Kensington của hoàng tử William và công nương Kate cũng là địa chỉ hấp dẫn thu hút người giàu từ các nước sang mua nhà. Trong thời gian đầu, các khu cao ốc là chỗ ở cho người Anh nghèo hưởng trợ cấp xã hội. Sau một thời gian, khi con cái của những người nghèo đã thành đạt và đưa bố mẹ đi nơi khác sống, khu nhà bắt đầu đón nhận di dân tị nạn, tức là một thế hệ người nghèo mới.

Báo chí giải thích nhiều người kịp thoát nạn là nhờ trong chung cư có nhiều người Hồi Giáo, hiện đang là mùa chay Ramadan, họ phải nhịn đói cả ngày, buổi tối họ chưa thể ngủ sớm nên kịp thời phát hiện và báo cho nhau để chạy thoát.

Tòa nhà Grenfell nằm ngay cạnh khu vực hàng năm có lễ hội âm nhạc Noting Hill nổi tiếng. Cảnh sống nghèo của người Anh da trắng cũng từng được khắc họa phần nào trong bộ phim Noting Hill, từng được nhiều giải thưởng điện ảnh nhờ vào diễn xuất của hai tài tử nổi tiếng Hugh Grant và Julia Roberts. Nhưng cảnh nghèo trong đó vẫn còn rất thơ mộng so với cái nghèo trong cao ốc Grenfell Tower, mà nghệ sĩ Akala mô tả là người ta chết cháy vì nghèo.

RFI: Hàng chục người chết và những câu chuyện bi thảm về người chết cháy khiến dư luận chuyển từ buồn đau sang tức giận, và trút những lời căm hờn lên giới lãnh đạo chính trị, và có vẻ như càng làm tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở nước Anh, có vẻ như không khác gì mấy so với những gì đại văn hào Charles Dickens từng mô tả trong tác phẩm A Tale of Two Cities.

Lê Hải: Dư luận ở Anh thường phân chia giàu nghèo theo số lá phiếu bỏ cho hai đảng lớn nhất hiện nay, rằng người Anh gốc và giàu có thì bỏ phiếu cho đảng Bảo Thủ, còn người lao động nghèo và dân nhập cư thì bỏ phiếu cho Công Đảng. Khi mua nhà, yếu tố nghị sĩ Quốc Hội của đảng nào, hay dân biểu địa phương của đảng nào đang đại diện cho khu vực cũng là điều thường được cân nhắc để đánh giá điều kiện kinh tế và xã hội. Mặc dù sự lựa chọn của riêng từng cá nhân có khác, nhưng xu hướng phân chia này thường được dùng để tạo dư luận trên truyền thông.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, khi đến tiếp cận với người dân trong khu vực, thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan - đại diện của Công Đảng - đã phải hứng chịu sự tức giận của người dân, vì họ không còn cách nào khác để giải tỏa cảm xúc đã bị dồn tới đỉnh điểm trong những ngày qua.

Còn trên thực tế, những người giàu đã tới cùng với người nghèo giúp đỡ các nạn nhân trong vụ cháy : không còn phân biệt khoảng cách trong những ngày qua. Đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver có nhà hàng sang trọng ngay gần đó đã nhanh chóng mời ăn miễn phí cho các nạn nhân để phần nào xoa dịu bớt nỗi đau của họ. Bên cạnh vô số hàng hóa cứu trợ vẫn đang ùn ùn kéo về, từ cả những nơi xa như Birmingham, nhiều người nấu những món ăn ngon lành, nóng hổi đem tới cho các nạn nhân.

Trong khi truyền thông tường thuật theo cách phân chia giàu - nghèo, thì ngay tại hiện trường, dường như bối cảnh đa văn hóa, đa sắc tộc của khu nhà này đã tạo ra một sự đoàn kết giữa những con người với nhau, không phân biệt Hồi Giáo, Công Giáo, Anh Giáo hay người Sikh quấn khăn. Một gia đình người Việt may mắn thoát được trận cháy này, là gia đình chú Bảy, một Phật tử quen biết rất nhiều người Việt ở Luân Đôn, được rất nhiều người quan tâm tìm kiếm, an ủi và hỗ trợ sau thảm cảnh mất nhà. Một khu tập thể thao cho người có tiền cũng được người chủ tự động chuyển đổi thành khu nhà ở tạm thời cho nạn nhân.

Các phóng sự vừa qua về trận cháy này có thể coi như là một bức tranh đầy đủ và chi tiết nhất về một thế hệ người nghèo mới của nước Anh, bất ngờ hiện ra toàn vẹn trên truyền thông quốc tế. Và cũng giống ngày xưa, cảnh nghèo ở Luân Đôn hiện ra ngay bên cạnh cảnh giàu khiến người ta dễ dàng so sánh ngay lập tức.

Lãnh đạo Công Đảng lên tiếng trên truyền thông đòi chính quyền quận phải ngay lập tức trưng thu những căn nhà bỏ trống của người giàu để cho những người bị mất nhà vào ở tạm. Hiện tại các tổ chức thiện nguyện đã quyên góp được trên 1 triệu bảng và đặt mục tiêu 2 triệu bảng để giúp đỡ các nạn nhân. Chính phủ cũng tuyên bố chi 5 triệu bảng cứu trợ khẩn cấp. Một chủ ký túc xá tư nhân dành trọn 21 phòng còn trống cho các nạn nhân vào ở miễn phí.

RFI: Có thể thấy công tác cứu trợ rất hiệu quả, bản thân nữ hoàng Anh cùng hoàng tử William đã đến tận nơi khen ngợi. Nhưng từ góc độ khác, người ta thấy có cuộc biểu tình tự phát hôm cuối tuần, khi sự căng thẳng của người dân lên đến đỉnh điểm, bực tức về sự chậm trễ trong việc xác nhận danh tính người chết. Khán giả truyền hình từ nhiều nơi trên thế giới không ngờ những hình ảnh thảm thiết như vậy lại có thể xảy ra ngay ở thủ đô Luân Đôn, một nơi vẫn thường được coi là văn minh và đi trước thời đại.

Lê Hải: Khu vực bị cháy nằm ngay sát cạnh khu White City - đại bản doanh của truyền hình BBC và không xa trụ sở tin tức của kênh truyền hình tư nhân Sky News ở Isleworth. Trong suốt 3 ngày liền, họ đã chạy chương trình Live, các biên tập viên hàng đầu đều ra hiện trường và họ đã vận dụng hết mọi kỹ năng làm phóng sự từ vùng nóng để tường thuật sự kiện này. Đó một phần chính là lý do tại sao hầu như tất cả mọi góc cạnh của câu chuyện đều được truyền thông khai thác. Nhưng những gì được kể trên báo chí và mạng xã hội còn kinh hoàng và rùng rợn hơn nhiều, cả từ những người sống sót hoặc chỉ kịp ghi lại giờ phút cuối cùng trong cuộc đời.

Những câu hỏi đang được cư dân ở đây chất vấn với chính quyền cũng chính là những câu hỏi mà khán giả từ khắp mọi nơi trên thế giới đang tìm câu trả lời. Ví dụ, sau vụ cháy, người Anh mới biết được rằng loại vật liệu rẻ hơn mà họ đã dùng để ốp lại tường lại bị cấm dùng cho nhà cao tầng tại Mỹ, và trên thực tế thì cũng không rẻ hơn nhiều so với vật liệu ốp chống cháy.

Chính hệ thống dân chủ và truyền thông ở nước Anh tạo ra bối cảnh đặc biệt để dân chúng trên thế giới có cơ hội nhìn vào cuộc sống của những người có hoàn cảnh giống mình và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Có lẽ bài học đầu tiên là giáo dục và chuẩn bị kỹ năng cho các hộ gia đình về cháy nổ, và chọn lựa vật liệu xây dựng, đồ nội thất chống cháy và thiết bị điện an toàn. Trong những ngày tới, kết quả từ một cuộc điều tra toàn phần sẽ còn đưa ra thêm nhiều điều cần phải chú ý về an toàn cháy nổ cho các gia đình sống trong chung cư cao tầng.

RFI: Nhiều người cho rằng khu vực có nhiều nhà xã hội thường là nơi có tỷ lệ tội phạm cao và đó phần nào là lý do khiến các khu nhà giàu phản đối việc xây chung cư trong vùng của họ. Vậy thì ngoài nguy cơ cháy nổ, các vấn đề an ninh và xã hội ở các khu vực này tại Luân Đôn như thế nào?

Lê Hải: Sống trong các khu nhà cao tầng không được coi là một yếu tố trong các khảo sát về mức độ tội phạm. Mật độ dân cư trong các khu chung cư cao tầng lớn hơn rất nhiều so với ở các khu vực khác, do đó tỷ lệ tội phạm chia theo diện tích sẽ cao hơn rất nhiều. Nhưng thực ra, khu nhà nghèo có nhiều tội phạm theo kiểu người nghèo còn các khu nhà giàu cũng có kiểu tội phạm theo kiểu người giàu. Quan trọng là chính sách quản lý của mỗi địa phương. Vụ cháy tòa cao ốc Grenfell Tower xảy ra trong một quận thuộc loại giàu nhất nước Anh, và vấn đề nằm ở khâu quản lý và vận hành kém, thiếu người có trách nhiệm.

Sau một thời gian ngưng xây dựng, nay nước Anh bắt đầu xây chung cư cao cấp cho người có thu nhập trung bình và khá, với hệ thống camera kiểm soát an ninh và bảo vệ gác cổng ra vào. Tuy nhiên, các nguy cơ về an ninh và xã hội trong khu cao ốc tùy thuộc nhiều vào ý thức của dân cư, ví dụ như khu vực tôi đang sống ở Roehampton, nhiều năm liền được khảo sát là an toàn nhất Luân Đôn.

Có thể lý giải là thiết kế không quá tham lam về diện tích và phân bổ phù hợp giữa nhà cao tầng và cảnh quan, cũng như sự tập trung của nhiều trường tiểu học và sân chơi mẫu giáo trong khu vực, phòng tư vấn cho công dân, trạm xá, ban quản lý nhà ở xã hội, và trước đây có cả một chốt cảnh sát khu vực ngay cạnh con đường chính dẫn vào khu vực. Ngoài ra, việc bán hóa giá nhà cũng khiến người dân có ý thức hơn về việc chăm sóc nhà cửa và đoàn kết với nhau để xây dựng cộng đồng văn minh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.