Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Hãng thông tấn ảnh Magnum: 70 tuổi nhưng vẫn là tấm gương

Đăng ngày:

Ngày 26/05/2017, một cuộc triển lãm giới thiệu 70 năm hoạt động của hãng thông tấn ảnh nổi tiếng Magnum đã mở cửa đón công chúng tại New York. Do một nhóm nhiếp ảnh gia, trong đó có 2 người Pháp – Robert Capa và Henri Cartier-Bresson – cùng thành lập vào năm 1947, hãng ảnh Magnum đã trở thành biểu tượng của một ngành nhiếp ảnh, vừa truyền tải những thông tin thời sự, vừa thăng hoa thực tại để lưu lại hậu thế những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Bìa ấn phẩm giới thiệu cuộc triển lãm Magnum Manifesto tại New York (05-09/2017)
Bìa ấn phẩm giới thiệu cuộc triển lãm Magnum Manifesto tại New York (05-09/2017) DR
Quảng cáo

Mang tên « Magnum Manifesto » – tạm dịch là Tuyên Ngôn Magnum – cuộc triển lãm kéo dài cho đến 03/09 tại New York, nơi Magnum được sinh ra, giới thiệu cho người xem điều được gọi là tinh thần Magnum thông qua hơn 500 bức ảnh, được phân bố trong ba phần riêng biệt theo tiêu chí thời gian và chủ đề.

Các bức ảnh từ năm 1949 đến năm 1968 tập trung vào những lý tưởng thời hậu chiến về tính cộng đồng và chủ nghĩa không tưởng, trong lúc những bức của hai thập niên 1970 và 1980 thì phản ánh một thế giới bị phân mảnh, với những nền văn hoá phụ và các nhóm thiểu số.

Riêng giai đoạn thứ ba 1990-2017 là một thế giới đang bị đe dọa như được phơi bày qua những bức ảnh của Thomas Dworzak về nhóm Taliban tại Afghanistan, và của Alessandra Sanguinetti về hậu quả của vụ khủng bố bằng xe điên tại Nice (miền Nam nước Pháp) năm 2016 đã khiến cho 86 người thiệt mạng.

Theo ông Clément Chéroux, một trong hai người phụ trách nội dung cuộc triển lãm, « một trong những thách thức là làm sao nêu bật được tinh thần Magnum » qua sự kiện này.

Để làm điều đó, ngoài những bức ảnh, cuộc triển lãm còn trích dẫn các nhận xét của chính các nhiếp ảnh gia, trong đó có Robert Capa và Henri Cartier-Bresson, hai nhân vật tiêu biểu của hãng Magnum, mà trụ sở lịch sử đặt ở cả Paris lẫn New York.

Henri Cartier-Bresson chẳng hạn đã định nghĩa Magnum như là một « xứ không tưởng trong nhiếp ảnh », « một cấu trúc của các nhà quan sát ». Magnum cũng là một tập thể với một tham vọng rõ ràng, được tóm tắt trong tên gọi của mình, « Magnum » nghĩa là « lớn » trong tiếng La Tinh.

Là một hợp tác xã tập trung các nhà nhiếp ảnh bị cuộc Thế Chiến Thứ II ám ảnh, Magnum luôn luôn mong muốn truyền tải các giá trị nhân văn, vốn được thấy một cách rất đậm nét những bức ảnh thời vừa thành lập.

Loạt ảnh được mệnh danh là « Thế Hệ X », thực hiện vào đầu thập niên 1950, với đối tượng là thanh niên từ nhiều quốc gia trên thế giới, đã minh họa cho lý tưởng bình đẳng và khát vọng chung đó. Nhưng trong giai đoạn sau, các nhiếp ảnh gia của Magnum cũng đã tìm cách gợi lên sự khác biệt, khi làm phóng sự về giới nghiện ngập hay những người bị bệnh tâm thần chẳng hạn.

Phương trình ba ẩn số : thời sự, nghệ thuật, tài chánh

Đối với Magnum, một trong những thách thức to lớn mà hãng thông tấn này phải đối phó chính là vừa đáp ứng được thời sự nóng bỏng, khẩn cấp, vừa đưa ra được một góc nhìn nghệ thuật về thế giới. Đây là một việc không phải là không khó khăn, nhất là khi các nhiếp ảnh gia Magnum thường là những người có cá tính rất mạnh mẽ.

Thêm vào đó, còn có những mối căng thẳng bắt nguồn từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, nhờ Magnum thực hiện các phóng sự để quảng cáo. Loại ảnh này thường không được các nhiếp ảnh gia coi trọng, nhưng lại cho phép đa dạng hóa các nguồn thu nhập của hãng thông tấn hoàn toàn độc lập này.

Đối với ông Clément Chéroux, « chính nhờ làm được mọi điều, kể cả những điều hoàn toàn mâu thuẫn nhau đó, mà Magnum đã tồn tại được cho đến ngày nay », kể cả trong giai đoạn hiện tại, khi báo chí nói chung đang gặp khó khăn, và ngành nhiếp ảnh đang bị kỹ thuật số tầm thường hóa.

Magnum vẫn đứng vững, trong khi các đồng nghiệp như Gamma đã đệ đơn xin phá sản vào năm 2009 trước khi được nhiếp ảnh gia François Lochon mua lại, còn Sygma và Sipa thì bị giải thể vào hai năm 2010 và 2012.

Chính thành viên sáng lập Robert Capa là người đã sớm áp dụng mô hình đa dạng hóa hoạt động, giúp Magnum tồn tại cho đến nay. Các hoạt động của hãng thông tấn này giờ đây rất đa dạng, từ việc chụp hình quảng cáo, cho đến tổ chức triển lãm khắp nơi, bên cạnh lãnh vực xuất bản, cả sách lẫn hình ảnh nghệ thuật.

Một nhân tố khác đã giúp Magnum tồn tại, đó là thu nhập đến từ tác quyền, mà các nhà sáng lập ra hãng thông tấn đã bền bỉ đấu tranh để được công nhận, điều mà rất ít phóng viên nhiếp ảnh trước năm 1947 được hưởng.

Bảy mươi năm sau khi được thành lập, vào ngày 06/02/1947 tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại New York, Magnum hiện sử dụng 49 nhiếp ảnh gia và vẫn ghi đậm dấu ấn của mình trong thời đại, vẫn là một vầng hào quang thu hút các thế hệ trẻ. 70 năm tồn tại, quả là một kỷ lục đối với một hãng thông tấn chuyên về hình ảnh.

Magnum đối với các nhiếp ảnh gia Việt Nam

Đối với những người yêu thích nhiếp ảnh tại Việt Nam, cái tên Magnum, và đặc biệt là hai nhà sáng lập người Pháp Robert Capa và Henri Cartier-Bresson, đã trở thành rất quen thuộc.

Trả lời phỏng vấn của RFI, anh Nguyễn Xuân Khánh, nguyên giảng viên nhiếp ảnh trường Sân Khấu và Điện Ảnh Thành Phố Hồ Chí Minh, đã phân tích thêm âm vang của Magnum nơi các nhiếp ảnh gia Việt Nam.

Nguyễn Xuân Khánh: Ai ai cũng đều biết Magnum là một hãng thông tấn ảnh được thành lập ngày 06/02/1947 bởi Robert Capa, Henri Cartier-Bresson, George Rodger, William Vandivert và David Seymour. Đây là một cái tên thường được các phóng viên nhiếp ảnh hay các bạn nhiếp ảnh thích chụp đời thường, sinh hoạt đường phố..., nhắc đến khi ngồi cà phê vói nhau.

Dù có tới 5 nhiếp ảnh gia sáng lập, nhưng chỉ có Robert Capa và Henri Cartier-Bresson thường được nhắc nhở nhiều nhất. Có thể Capa là một phóng viên chiến trường ở Châu Âu nhưng lại hy sinh ở chiến trường Đông Dương năm 1954 trên đường từ Nam Định dến Thái Bình (Việt Nam). Còn Cartier-Bresson thì với khái niệm « Khoảnh khắc quyết định » (Instant décisif).

RFI: Bức ảnh nào của Magnum ghi đậm dấu ấn nhất đối với bản thân anh?

Nguyễn Xuân Khánh: Đối với riêng cá nhân tôi không chỉ có một bức ảnh ghi đậm dấu ấn nhất mà có rất nhiều bức ảnh của Robert Capa, Cartier-Bresson hay David Seymour vì mỗi bức ảnh đó vừa mang tính lịch sử, tính thời sự, tính nhân văn, sự tinh tế trong bố cục, trong cái nhìn.

Ví dụ như « La mort du républicain. 1936 » (Death of a Loyalist) của Capa trong cuộc nội chiến chống Franco Tây Ban Nha chụp từ dưới lên (contre-plongée). Bức « Débarquement en Normandie. 1944 » (Capa) trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ II chụp nhòe thể hiện sự gian nguy, khẩn trương đổ bộ lên bờ của lính đồng minh...

Bức « Derrière la gare Saint-Lazare. 1932 », « Rue Mouffetard. 1954 », « Le baiser du Quartier Latin. 1969 » của Cartier-Bresson cho ta thấy « khoảnh khắc quyết định » và cách bố cục cân đối giữa mảng sáng tối được hoàn chỉnh như thế nào.

RFI: Magnum nổi tiếng từ thời ảnh nhựa và trắng đen, nhưng thời nay lại là ảnh màu và nhất là ảnh kỹ thuật số. Giới nhiếp ảnh còn học hỏi được gì từ Magnum?

Nguyễn Xuân Khánh: Một câu hỏi rất hay. Đây cũng là đề tài tôi thường truyền đạt lại cho lớp trẻ ngày nay. Đúng là với cuộc cách mạng nhiếp ảnh số, ảnh màu được giới nhiếp ảnh trẻ ngày nay quan tâm nhiều hơn, nhưng có một điều mà tôi tin rằng giới nhiếp ảnh còn học hỏi từ Magnum dài dài vì « Nhiếp ảnh không có thay đổi từ ngày nó được phát minh đến nay ngoại trừ những mặt kỹ thuật của nó. Cartier-Bresson đã nói : « La photographie n’a pas changé depuis ses origines, excepté dans ses aspects techniques qui pour moi ne sont pas importants ».

Theo tôi, ảnh màu phim nhựa hay ảnh màu kỹ thuật số là hình (image) thể hiện hiện thực (représentation de la réalité) trong khi ảnh đen trắng là cách diễn giải (interprétation) thực tại, là sự biểu lộ năng lực sáng tạo của người chụp ảnh.

Quá trình 70 năm của Magnum cho ta thấy điều đó (tức là cách diễn giải và năng lực sáng tạo) qua những bức ảnh của R. Capa, H.Cartier-Bresson, D. Seymour và G. Rodger. Dù cho công nghệ số phát triển không dừng với nhiều ứng dụng tinh tế và tinh vi như Photoshop, Lightroom, Nik Collection, Phase One..., ta phải hoàn chỉnh giai đoạn chụp (tức là đầu vào) thật hoàn hảo, post-production (hậu kỳ) chỉ đóng vai trò nâng giá trị sản phẩm ta lên.

Để thật hoàn chỉnh giai đoạn chụp, ta hãy ghi nhớ những gì các thành viên sáng lập Magnum đã để lại, đặc biệt là câu sau đây: « Photographier, c’est mettre sur la même ligne de mire la tête, l’oeil et le cœur ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.