Vào nội dung chính
G7 - KHÍ HẬU

Thượng đỉnh G7 Taormina, Ý khó thuyết phục Trump về khí hậu

Hôm nay, 26/05/2017, khai mạc thượng đỉnh lần thứ 43 của khối bảy cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, G7, tại Taormina, Sicilia, Ý. Ngoài vấn đề chống khủng bố, sáu nước còn lại trong khối khó tìm được quan điểm chung với Hoa Kỳ, trong một loạt vấn đề nhạy cảm, như quan hệ quốc tế, di cư, toàn cầu hóa kinh tế và nhất là chống biến đổi khí hậu.

Một lính gác của Ý tại nơi diễn ra thượng đỉnh G7, Taomina, Ý, ngày 26/05/2017.
Một lính gác của Ý tại nơi diễn ra thượng đỉnh G7, Taomina, Ý, ngày 26/05/2017. Reuters
Quảng cáo

Việc hơn một nửa lãnh đạo G7 lần đầu tiên dự thượng đỉnh như tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Canada Justin Trudeau, cũng là điểm khác thường của lần này.

Đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình từ Taormina:

Một thượng đỉnh chưa từng có của G7 khai mạc tại thị trấn Taormina, đảo Sicilia, hôm nay. Theo một nguồn tin từ Phủ tổng thống Pháp, trước thượng đỉnh này, các bên đã không chuẩn bị sẵn được một bản thông cáo chung, khác với thông lệ, do sự có mặt của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lý do là Hoa Kỳ lưỡng lự trên một loạt vấn đề, đặc biệt trong việc chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ đã cho biết sẽ có tuyên bố chính thức, sau thượng đỉnh này, về khả năng Washington rút khỏi Thỏa thuận Paris hay không.

Các nguyên thủ khác có mặt tại Sicilia sẽ phải cố gắng thuyết phục để tổng thống Mỹ – vốn có quan điểm hoài nghi biến đổi khí hậu - thay đổi lập trường. Đây là một nỗ lực đã được các nguyên thủ châu Âu khởi sự tại Bruxelles, trong thượng đỉnh của khối NATO hôm qua.

Một chủ đề khác, đó là vấn đề kinh tế toàn cầu. Lập trường bảo hộ mậu dịch của Mỹ, kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền, hoàn toàn lạc điệu với các nhà lãnh đạo khác, có quan điểm cổ vũ cho việc điều tiết tốt hơn nền thương mại thế giới.

Cuối cùng, vấn đề an ninh và chống khủng bố chắc chắn cũng sẽ là một trong các hồ sơ lớn trong dịp này. Chủ đề nói trên trở nên nổi trội trong bối cảnh vụ khủng bố tại Manchester, Anh Quốc, xảy ra cách nay ít hôm. Tìm ra được một đồng thuận trong vấn đề này có lẽ là dễ dàng hơn cả.

Theo một số nguồn tin ngoại giao Ý, thoạt tiên Roma hy vọng các lãnh đạo G7 ra được một tuyên bố chung về vấn đề nhập cư, nhưng rút cục đã phải hài lòng với một vài dòng về chủ đề này trong một dự thảo tuyên bố chung. Ý, nước chủ nhà, cũng báo trước là bản tuyên bố chung lần này chắc chắn sẽ ngắn hơn rất nhiều so với các thượng đỉnh trước.

Riêng trong vấn đề khí hậu, các lãnh đạo G7 có mặt tại Taormina cố gắng thuyết phục tổng thống Mỹ về những lợi ích của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, như phát triển công nghệ sạch, bảo vệ được các cơ sở hạ tầng, cải thiện sức khỏe dân chúng, hạn chế dòng người nhập cư, giảm thiểu nguy cơ xung đột… Tuy nhiên, Washington vẫn đang lưỡng lự giữa việc rời bỏ hay ở lại trong Thỏa thuận Paris.

Vắng mặt khí hậu trong Tuyên bố chung là một bước lùi

AFP hôm qua cho biết hiện tại chính quyền Mỹ thiên về khả năng ở lại trong Thỏa thuận khí hậu, nhưng đàm phán lại các cam kết của Hoa Kỳ. Theo Nhà Trắng, việc tôn trọng các cam kết về khí hậu, được đưa ra dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama, sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Trả lời báo giới, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, ông Gary Cohn, cho hay trong dịp công du châu Âu, tổng thống Donald Trump « muốn nghe quan điểm của lãnh đạo các nước G7 về khí hậu », nhưng lập trường của Washington sẽ là chấm dứt « cuộc chiến chống than đá ». Tại Sicilia, tổng thống Trump cũng sẽ không cổ vũ cho việc đánh thuế khí CO2, hay tìm kiếm đồng thuận về việc chấm dứt trợ giá cho khí đốt và dầu mỏ.

Theo các nhà quan sát, việc không có bước tiến nào trong vấn đề khí hậu tại G7 lần này là điều chắc chắn, nhưng việc khí hậu vắng mặt hoàn toàn trong bản Tuyên bố chung sẽ là một bước lùi.

Alden Meyer, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ về khí hậu Mỹ (Union of concerned scientists) lưu ý cộng đồng quốc tế về việc G7 quá tập trung vào thái độ của tổng thống Mỹ mà quên mất điều hết sức quan trọng là xây dựng « các chính sách khí hậu triệt để hơn », để bảo đảm nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, theo đúng mục tiêu của Thỏa thuận Paris COP 21.

NATO nhấn mạnh quan hệ an ninh và khí hậu

Trong tuần vừa qua, lần đầu tiên NATO ra một báo cáo nhấn mạnh về các mối liên hệ giữa vấn đề an ninh và khí hậu. Về phần mình, tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OCDE ra một báo cáo thứ hai dự đoán GDP của các nước G20 sẽ tăng thêm tổng cộng 2,8%, nếu thực thi các chính sách khí hậu phù hợp với Thỏa thuận Paris.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.