Vào nội dung chính
NGHỆ THUẬT - LỊCH SỬ

Cuba : Ba bộ phim soi rọi "những lỗ trống trong lịch sử chính thống"

Chế độ cộng sản Cuba, từ nửa thế kỷ nay, buộc người dân phải tin tưởng tuyệt đối vào một cách kể duy nhất về lịch sử, một lịch sử chính thống tôn vinh « lãnh tụ tối cao » Fidel Castro. Ký ức về « những người ly khai », « những người có suy nghĩ khác » hết thảy đều bị chôn vùi. Tuy nhiên, kể từ khi Fidel Castro mắc bệnh, rồi qua đời, quan hệ với Hoa Kỳ được nối lại, người Cuba tìm cách đến với những mảng khuất của lịch sử. Le Monde giới thiệu ba bộ phim, ra mắt mới đây tại một cuộc hội ngộ của điện ảnh Mỹ Latinh ở Toulouse (Pháp), cho thấy « khát khao » trở lại « những đề tài cấm kỵ », để khỏa lấp « những lỗ trống » mà lịch sử chính thống đã tạo ra.

Một cảnh trong phim "Santa và Andres"
Một cảnh trong phim "Santa và Andres" Youtube
Quảng cáo

Bài « Những lỗ trống ký ức trong lịch sử chính thống Cuba » nhận xét : «… kể từ khi Fidel Castro lâm bệnh, rồi chết,… cỗ máy tuyên truyền Cuba không còn có đất vận hành. Việc tái lập quan hệ ngoại giao với Mỹ đã tước đi của chế độ này một kẻ thù truyền kiếp. Chủ nghĩa dân tộc, tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa Castro đang suy tàn, không còn khiến đám đông phấn khích ». Bất chấp những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người Cuba « bắt đầu suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình », « tìm kiếm các nguồn thông tin ngoài luồng, để xây dựng các dự án mới và thảo luận về tương lai ». Do các phương tiện truyền thông chính thức vẫn bị chế độ kiểm soát, họ tìm cách thể hiện qua các mạng xã hội, qua văn hóa.

« El Acompagnante » (Người đồng hành), bộ phim Cuba của Pavel Giroud ra mắt tại Pháp hồi tháng 8/2016, kể về cuộc gặp trong trại giam những người mắc bệnh Sida, giữa một quân nhân nhiễm bệnh tại châu Phi và một võ sĩ quyền Anh giải nghệ, được giao nhiệm vụ cai quản người bệnh. Các trung tâm bệnh nhân Sida tại Cuba do quân đội trực tiếp điều hành và quản lý. Có tính phê phán, nhưng bộ phim truyện này được đánh là « quá hàn lâm », và « chủ nghĩa Lê Nin gia trưởng » đã không thực sự bị nghi ngờ, vấn đề người đồng tính bị đàn áp đã bị bỏ qua.

Ngược lại, phim « Santa y Andrés » (Santa và Andres) của đạo diễn Cuba Carlos Lechuga trực diện nói đến vấn đề này. « Santa và Andres » bị cấm tại Cuba kể từ ngày 14/10/2016. Phim nhắc lại một thời kỳ mà các trí thức « hư hỏng » bị sa thải, truy tố, bị gạt ra bên lề xã hội. Nhà văn Andres bị án tù 8 năm, ông bị cô lập tại một vùng nông thôn hẻo lánh. Rồi chính quyền cử một phụ nữ nông dân chất phác tên Santa để theo dõi ông. Đối với Santa, nhà văn Andres vừa là một « tên phản cách mạng », và nghiêm trọng hơn nữa là một « maricon » (tức một kẻ pê-đê).

Thế rồi hai kẻ cô đơn - vốn rất khác nhau về mọi mặt – đã xích lại gần nhau. Giống như bộ phim nổi tiếng « Trái dâu tây và kẹo Sô-cô-la » (1993), chủ đề thực sự của phim là khả năng đối thoại, thậm chí là quan hệ tình cảm giữa những người Cuba « vốn đối lập nhau về mọi thứ ».

Vấn đề người đồng tính tưởng như đã được giải tỏa, kể từ khi La Habana trở thành một « điểm du lịch gay ». Con gái của chủ tịch Raoul Castro là người hết sức ủng hộ cộng đồng LGBTI (những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới). Thế nhưng việc bộ phim mới đây bị cấm cho thấy vấn đề « đồng tính » vẫn còn nhạy cảm. Lý do là, phim đã chạm thẳng vào một sự thật lịch sử giai đoạn cuối những năm 1960. Đó là khi hàng nghìn người đồng tính bị giam giữ trong các trại tập trung của quân đội.

Người Cuba, dù rất khác nhau, sẽ đến được với nhau

Le Monde dành phần cuối để giới thiệu về bộ phim « En un rincon del alma » (Trong một góc khuất của tâm hồn), dựa trên những lời chứng của cố nhà văn Cuba Elisio Alberto. Trong cuốn phim tài liệu này, Elisio Aberto đã làm sống lại dòng chảy lịch sử Cuba, nối liền giai đoạn trước và sau cuộc cách mạng 1959, đưa Fidel Castro lên nắm quyền.

Theo ông, chính sự du nhập ý thức hệ Liên Xô « đã đặt dấu chấm hết cho những năm lãng mạn cách mạng đầu tiên ». Nhưng nhà văn cũng tin rằng, chủ nghĩa độc đoán của Fidel bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa, « hai Cuba đối lập rốt cục sẽ tìm được nhau, lắng nghe nhau ».

Vượt lên trên tất cả là khát khao của giới trí thức muốn gây dựng một tinh thần « đối thoại giữa những người Cuba ở tất cả các phía », « khát vọng hòa giải dân tộc ». « Không hận thù, không khao khát trả thù, chỉ có một nhu cầu sự thật », bởi « hận thù là thất bại của trí tưởng tượng », như lời nhà văn Mỹ Graham Greene.

Mỹ : Kháng cự lại Trump tại Quốc Hội

Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến « Cuộc kháng cự lại tổng thống Trump tại Quốc Hội Mỹ ». Le Figaro nhấn mạnh, thất bại trong cải cách Obamacare đặt Donald Trump trước « một thách thức nghiêm trọng nhất », đến từ Quốc Hội. Báo chí chỉ có thể làm hỏng hình ảnh của Trump, tư pháp có thể ngăn cản, nhưng nếu không có Quốc Hội, Trump sẽ không thể điều hành được đất nước.

Cụ thể là, tân tổng thống cần đến lưỡng viện Quốc Hội trong việc nâng trần nợ công trước ngày 28/04, nếu không chính quyền Liên bang có nguy cơ phải « đóng cửa ». Ông Trump cũng cần Thượng Viện phê chuẩn việc bổ nhiệm một thẩm phán thân cận tại Tòa Bảo Hiến.

Theo Le Figaro, cho đến nay, ông Trump « vẫn chưa tiêu hóa được » thất bại trong vụ Obamacare, do sự hợp sức của ba thế lực trong Hạ Viện : phe đối lập Dân Chủ, một số nghị sĩ Cộng Hòa « ôn hòa », và thứ ba là nhóm cực hữu « Liberty Caucus ».

Tuy nhiên, thay vì tìm cách thuyết phục nhóm Liberty Caucus trong cùng đảng, tổng thống Trump lại tiếp tục dùng Twitter răn đe, hứa hẹn sẽ chống lại nhóm này trong cuộc bầu cử bán phần, vào năm 2018.

Ngay lập tức, một trong những dân biểu nổi loạn nhất trong nhóm Liberty Caucus đã thẳng thừng chế giễu ý định của tổng thống. Theo nhân vật này, chính hệ thống quyền lực của ông Trump giờ đây đang bị nuốt chửng bởi cái « đầm lầy Washington » (Washington swamp), từ ngữ ông Trump dùng để chỉ trích nạn tham nhũng của chính quyền Liên bang Mỹ, mà ông từng hứa hẹn sẽ dẹp bỏ.

Liên Âu gửi thông điệp cứng rắn đến Anh

Luân Đông chính thức khởi động thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu, mở ra một thời kỳ thương lượng kéo dài tối đa là hai năm giữa hai phía. Thứ Sáu tuần trước, 31/03, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk gửi đến 27 thành viên Liên Âu một tài liệu, liệt kê các nguyên tắc chủ yếu, sẽ được sử dụng trong đàm phán. Tinh thần chung là Liên Âu sẽ cứng rắn với Anh.

Ngày 29/04 tới, 27 nước Liên Âu sẽ chính thức thông qua các nguyên tắc đàm phán trong một thượng đỉnh tại Bruxelles. Theo một quan chức châu Âu, Bruxelles, Paris và Berline đã thảo luận ráo riết về văn bản này, sẽ còn những thay đổi về chi tiết, nhưng đối với những nguyên tắc lớn, sẽ không có thay đổi.

Theo phiên bản cuối cùng mà Le Monde có được, Liên Âu sẽ thương lượng với Anh theo « từng giai đoạn », giai đoạn đàm phán về một thỏa thuận mậu dịch tự do mới sẽ chỉ được bắt đầu sau khi thủ tục ly dị được hoàn tất, ngược lại với hy vọng của thủ tướng Anh là sẽ đàm phán song song.

Pháp và Đức cũng nhất trí, để số phận của ba triệu kiều dân châu Âu tại Anh được bảo đảm, bên cạnh đó Liên Âu cũng dứt khoát đòi khoản tiền đóng góp tổng số 60 tỉ euro, mà Anh còn thiếu.

Tài liệu dự thảo của Liên Âu nhấn mạnh : 27 nước sẽ « nỗ lực làm việc để đạt được một thỏa thuận với Anh, nhưng cũng chuẩn bị cho khả năng thất bại ».

Về thị trường Liên Hiệp Châu Âu, Liên Âu không chấp nhận đòi hỏi của thủ tướng Anh thương lượng từng lĩnh vực một, mà coi toàn bộ thị trường là một chỉnh thể.

Bruxelles đặc biệt chú ý đến Ailen, quốc gia sẽ bị cuộc ly dị với Anh « tác động mạnh nhất ». Liên Âu khuyến cáo Luân Đôn cần tìm « một giải pháp mềm dẻo và sáng tạo » để tránh việc lập lại một « đường biên giới cứng » với Bắc Ailen, đe dọa thỏa thuận hòa bình đạt được vào năm 1998.

Đại diện Anh Quốc, ngoại trưởng Boris Johnson, « tìm cách giảm thiểu tính chất cứng rắn trong văn bản nói trên của Liên Âu, với việc ca ngợi thiện chí của khối 27 nước », và đánh giá đây là một « thời kỳ chuyển tiếp có tổ chức ». Tuy nhiên, đối lập nhận thấy dấu hiệu yếu thế của thủ tướng Anh.

Theo một lãnh đạo Công Đảng Anh, chỉ cần « hai ngày của cuộc thương lượng hai năm này là đủ để thấy tham vọng được thổi phồng của chính phủ đã vấp phải hiện thực phũ phàng như thế nào ».

« Đầu tư dễ dãi » của Trung Quốc tại Balcan bị nghi ngờ

Vẫn liên quan đến châu Âu, báo Le Monde có bài « Trung Quốc củng cố thế lực tại Balkan, để triển khai kế hoạch ''Một vành đai, một con đường'' ».

Trong các đầu tư cho Trung Quốc tại khu vực này, Le Monde chú ý nhất đến dự án đường sắt cao tốc nối liền thủ đô Hy Lạp với thủ đô Hungary, đi qua Belgrad, thủ đô Serbia. Chặng đường Belgrad và Budapest sẽ được khánh thành vào tháng 6 tới.

Trước mắt đoạn đường này cho phép vận chuyển hàng hóa từ cảng Pirée, Hy Lạp, do Trung Quốc nắm quyền quản lý, kể từ năm 2010. Với con đường này, bán đảo Balkan với Serbia và hơn 7 triệu cư dân là tâm điểm, đã trở thành một đối tác trụ cột của Trung Quốc.

Theo Serbia, đầu tư của Trung Quốc là cơ hội cho các công trình hạ tầng cơ sở nước này. Serbia đang đệ đơn gia nhập Liên Âu. Châu Âu cũng có chính sách hỗ trợ đầu tư, nhưng kèm theo nhiều đòi hỏi giải trình, minh bạch, gắn liền với cải cách nền hành chính, trong khi đó Trung Quốc không đòi hỏi gì, một chuyên gia về khu vực Balkan tại Luxembourg nhận xét.

Điểm đáng lo ngại của các đầu tư Trung Quốc là tính chất không minh bạch. Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Luxembourg, dù kiểu gì, Liên Âu cũng « phải học cách đối thoại với Trung Quốc, đang hiện diện ngày càng mạnh hơn tại khu vực này ».

Ngày N-21 bầu cử Pháp : Mọi cánh cửa vẫn để ngỏ

Trở lại với tình hình nước Pháp, « không khí bất trắc lớn » là tựa chính của Le Figaro. Theo nhiều thăm dò dư luận, còn có đến 40% cử tri còn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Lựa chọn của nhiều người cũng chưa phải là quyết định cuối cùng. Một nhà điều tra dư luận, ông Jerome Jaffré, nhận xét trên Le Figaro, là « thái độ bỏ phiếu chống lại chính phủ mãn nhiệm không còn đất sống, không giống như trong cuộc bầu cử năm 2012, lãnh đạo chính quyền, ông Hollande đã quyết định rút khỏi cuộc đua ».

Để làm rõ vấn đề, Libération, đã tổ chức một cuộc đối thoại tại tòa báo giữa cố vấn kinh tế của bốn ứng cử viên tổng thống hàng đầu. « Cuộc tranh luận thực sự » là tựa chính của Le Figaro.

Trước cuộc tranh luận đầu tiên giữa toàn bộ 11 ứng cử viên tổng thống trên truyền hình, ngày mai, thứ Ba 04/04, ba ứng cử viên Macron, Le Pen và Fillon bắt đầu « tấn công ngày càng trực diện hơn vào đối thủ », Les Echos nhận xét.

Tuần lễ quốc tế chống trốn thuế

Trong lĩnh vực xã hội, báo La Croix chú ý đến « tuần lễ quốc tế hành động chống nạn trốn thuế », diễn ra từ ngày 1/4, đến mùng 7/4, đúng một năm sau vụ bê bối Panama Papers, phơi bầy trước thế giới quy mô khủng khiếp của nạn lậu thuế tại các thiên đường tài chính.

Riêng tại Pháp, trốn thuế khiến Nhà nước thất thu 60 đến 80 tỉ euro một năm.

Năm nay là năm đầu tiên quốc tế tổ chức đợt hành động này. Cơ sở đứng ra tổ chức tuần lễ chống trốn thuế là Global Alliance for Tax Justice và hàng trăm hiệp hội ở khắp các châu lục.

Hôm nay, tại Pháp, phong trào kêu gọi các ứng cử viên tổng thống phát biểu về chủ đề này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.