Vào nội dung chính

60 năm Hiệp định Roma, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định một "tương lai chung"

Nhân lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, ngày 25/03/2017, vắng mặt Anh Quốc nhưng lãnh đạo 27 nước châu Âu long trọng ký kết bản Tuyên bố chung, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu là một khối « thống nhất và không thể tách rời ». An ninh được tăng cường tại thủ đô nước Ý đề phòng khủng bố và các cuộc biểu tình bài châu Âu.  

Vắng Anh Quốc, lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma. Ảnh ngày 25/03/2017.
Vắng Anh Quốc, lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma. Ảnh ngày 25/03/2017.
Quảng cáo

Lễ ký Tuyên bố chung được tổ chức tại điện Capitol, cũng tại phòng hội Horaces và Curiaces, nơi cách đây 60 năm, ngày 25/03/1957, sáu thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu - gồm Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Ý - đã ký Hiệp định Roma. Các bên hy vọng lễ kỷ niệm hôm nay là cơ hội để tái thúc đẩy dự án châu Âu, trong bối cảnh nước Anh quyết định rời khỏi gia đình chung và làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở khắp nơi trên lục địa này.

Tường trình của thông tín viên Huê Đăng :

" Roma rực rỡ nắng ấm, 27 nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu – không có sự hiện diện của thủ tướng Anh vì Luân Đôn đã quyết định bước ra khỏi khối Châu Âu, long trọng tham dự lễ kỷ niệm 60 năm (1957-2017) thành lập Liên Hiệp. Báo chí gọi đây là "đám cưới kim cương" của Liên Hiệp Châu Âu.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Jean-Claude Junker hồ hởi tuyên bố là sẽ có kỷ niệm 100 năm thành lập Liên Hiệp Châu Âu, ý nói lên niềm tin về sự bền vững và trường tồn của toàn khối, dù rằng hiện nay Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt là phe bài Châu Âu ngày càng tăng, và những khó khăn kinh tế khiến tỷ lệ ủng hộ và tin tưởng vào Châu Âu đã thuyên giảm.

Ngay trong sảnh đường lớn của Ủy Ban Quản Trị thủ đô Roma, nơi mà 60 năm trước nguyên thủ quốc gia của 6 nước sáng lập viên đã ký Hiệp định Châu Âu đầu tiên làm nền tảng cho Liên Hiệp Châu Âu sau này, 27 nguyên thủ quốc gia đã lần lượt ký tên vào văn bản của kỷ niệm 60 năm Liên Hiệp Châu Âu với nội dung nhằm thúc đẩy phát triển thêm mức độ hội nhập của Liên Hiệp Châu Âu trong vòng 10 năm tới.

Trong bài diễn văn đón chào các nguyên thủ quốc gia đến dự lễ kỷ niệm, thủ tướng Ý, ông Paolo Gentiloni, tuyên bố : " xây dựng Liên Hiệp Châu Âu là cả một hành trình để biến những ước mơ và hy vọng thành sự thật. Hành trình đó hiện nay vẫn còn tiếp tục".

Hôm qua, 24/03/2017 các nguyên thủ quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu đã tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Phanxico tại Tòa thánh Vatican. Sau lễ kỷ niệm Hiệp định Roma sáng nay, tất cả các phái đoàn sẽ đến dinh tổng thống Ý tiếp kiến ông Sergio Mattarella.

Khoảng 5.000 nhân viên của lực lượng an ninh cảnh sát và quân đội đã tăng cường bảo vệ Roma: vừa phòng chống khủng bố vừa ngăn ngừa các cuộc bạo loạn có thể xẩy ra từ những phần tử quá khích tẩy chay Châu Âu.

Từ những ngày trước cảnh sát đã kiểm soát các ngõ ngách, đường hầm, ống cống ở những nơi trọng yếu của Roma. Đường sông và không phận của Roma hôm nay bị phong tỏa, nhất là sau khi xảy ra vụ khủng bố vừa qua ở Luân Đôn, từ mấy hôm nay không có xe tải nào được chạy vào nội thành Roma.

Trong lúc các nguyên thủ quốc gia đặt bút ký vào bản Tuyên bố chung, kỷ niệm 60 năm Hiệp định Roma, thì có ít nhất 4 cuộc biểu tình bài châu Âu với khoảng hơn 10 ngàn người tham dự, theo dự phóng của cảnh sát Ý. Các giới chức an ninh đã được báo động về sự hiện diện của những thành phần quá khích như black-block. Vài ngày trước đây, đã có khoảng 7 ngàn thành phần quá khích mang quốc tịch của những nước khác đã bị trục xuất ra khỏi Ý ".

Khó nhọc để đạt được bản Tuyên bố chung

Liên Hiệp Châu Âu không dễ đạt được đồng thuận về bản Tuyên bố chung, được ký vào sáng nay sau hai ngày thương lượng cam go. Ba Lan cho đến phút cuối cùng vẫn đe dọa không ký, bởi không chấp nhận nguyên tắc châu Âu « nhiều tốc độ », tuy nhiên, nguyên tắc này đã được chấp nhận trong văn bản cuối cùng (với một thay đổi nhỏ, « nhiều tốc độ » được chuyển thành « với nhịp độ khác nhau »). Ngoài Ba Lan, Hy Lạp cũng tỏ ra dè dặt với bản Tuyên bố chung, nhưng yêu cầu làm rõ vấn đề các quyền lợi của người lao động.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có một hành động mang tính biểu tượng, đó là ký vào Tuyên bố chung, với chiếc bút đã được lãnh đạo Luxembourg dùng để ký Hiệp ước Roma cách nay đúng 60 năm.

Trước lễ ký, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, hối thúc lãnh đạo 27 nước « hãy chứng tỏ là các lãnh đạo của châu Âu ». Ông nhắc lại với các lãnh đạo châu Âu về thời kỳ Ba Lan còn sống dưới chế độ Cộng Sản toàn trị, những chặng đường khó khăn mà Liên Hiệp Châu Âu đã trải qua, và kêu gọi đừng để dự án châu Âu sa lầy trong « những bất đồng nội bộ » và tránh để cơ nghiệp của châu Âu tiêu tan trong nạn quan liêu.

Tuyên bố chung của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định 27 nước cam kết lắng nghe các công dân, trong lúc cách đó vài trăm mét, hàng nghìn người biểu tình bày tỏ thái độ phản đối thượng đỉnh này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.