Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Miến Điện : Hàng trăm người thiểu số biểu tình ở miền đông. Họ phản đối kế hoạch đặt tên cha của bà Aung San Suu Kyi cho cây cầu Thanlwin bắc qua sông Salween ở bang Mon. Tướng Aung San được coi là một anh hùng dân tộc, nhưng với nhiều tộc người thiểu số, ông là một nhân vật gây tranh cãi vì đã không thực hiện được lời hứa trao quyền tự trị lớn hơn và mô hình liên bang cho họ.

(AFP) - Bắc Kinh đóng cửa nhà máy nhiệt điện lớn cuối cùng. Thông báo được đưa ra đêm 19/03 trước khi Bắc Kinh công bố báo động mới về ô nhiễm không khí ở thủ đô. Quyết định đóng cửa nhà máy điện Nam Kinh (Huagneng) đã được thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc đến trong kỳ họp Quốc Hội để « trả lại bầu trời xanh cho người dân Trung Quốc ». Từ giờ, điện cung cấp cho thủ đô sẽ được sản xuất hoàn toàn từ khí đốt.

(Reuters) - Trung Quốc phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch và ủng hộ tự do trao đổi thương mại. Phát biểu ngày 19/03 tại một Diễn đàn Phát triển, thứ trưởng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) cũng nhấn mạnh quá trình toàn cầu hóa phải được bình đẳng hơn, vì « nền kinh tế toàn cầu đang chịu sự điều chỉnh sâu rộng, tăng trưởng yếu đi và chính sách bảo hộ mậu dịch tăng lên ».

(AFP) - Thủ tướng Nhật Bản công du châu Âu với trọng tâm an ninh và thương mại. Ông Shinzo Abe sẽ tham dự một sự kiện vào tối 19/03 cùng thủ tướng Đức Angela Merkel, trước khi khai mạc hội chợ công nghệ CeBit tại Hanover. Sau Đức, thủ tướng Nhật Bản sẽ đến Pháp, Bỉ và Ý với hy vọng « hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, như hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và tự do trao đổi mậu dịch ».

(AFP) - Pháp : Sân bay Orly trở lại bình thường ngày 19/03. Nghi phạm vụ tấn công một toán tuần tiễu chống khủng bố ở sân bay Orly là Ziyed Ben Belgacem, người Pháp gốc Tunisia, 39 tuổi, theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan, đã bị bắn chết. Tư pháp đang điều tra động cơ gây án. Sáng 19/03, cha của nghi can tuyên bố là con của ông « nghiện rượu và ma túy nhưng không phải là khủng bố ».

(AFP) - Bầu cử Pháp bước vào vận động chính thức. Ngày 18/03, ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon đại diện phong trào cánh tả « Nước Pháp bất khuất » biểu dương lực lượng với khoảng 130.000 người (theo ban tổ chức) tham gia tuần hành từ quảng trường Bastille, biểu tượng của cuộc cách mạng 1789, đến quảng trường Cộng Hòa, thủ đô Paris. Cuộc  mít-tinh chính trị được hâm nóng với đề xuất Cách mạng Nhân dân thành lập nền Đệ Lục Cộng Hòa. Theo ông Mélenchon, chế độ cộng hòa hiện nay đã mất thời gian tính, cần phải thay thế tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp « bê bối » bằng những công dân mới.

(AFP) - Đức : Biểu tình đòi dân chủ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 30.000 kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường ngày 18/03 tại Frankfurt đòi « dân chủ » cho Thổ Nhĩ Kỳ và « tự do » cho dân Kurdistan. Cảnh sát Đức không can thiệp cho dù người biểu tình mang cờ của đảng PKK, tổ chức của người Kurdistan-Thổ Nhĩ Kỳ, bị Ankara xem là khủng bố.

(AFP) - Đức-Thổ Nhĩ Kỳ : Giáo sĩ Fethullah Gulen vô tội. Trái với cáo buộc của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, giám đốc tình báo Đức Bruno Kahl ngày 18/03 cho biết nhà truyền giáo đạo Hồi Fethullah Gulen, đang tị nạn tại Mỹ, không phải là kẻ giựt dây vụ đảo chính hụt hồi tháng 07/2016. Giáo sĩ Gylen bị tổng thống Erdogan quy buộc là khủng bố và yêu cầu Mỹ trục xuất. Washington đòi Ankara cung cấp chứng cớ buộc tội.

(Reuters) - Đức nâng cấp phòng thủ chống chiến tranh mạng lên mức cao nhất để chuẩn bị an toàn cho cuộc bầu cử Quốc Hội 2018. Ông Arn Schonbohm, giám đốc Cơ quan Liên bang về An ninh Thông tin - BSI, cho biết hệ thống máy vi tính của chính phủ bị tin tặc tấn công từng ngày. Chỉ huy các sở tình báo và phản gián Đức nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tin tặc Nga tìm cách tác động lên kết quả  bầu cử Đức bằng cách phát tán thông tin thất thiệt lên các mạng xã hội.

(RFI) - Peru : Mưa lớn kéo dài tàn phá Lima và vùng duyên hải. Từ ngày 17/03, mưa lớn do hiện tượng El Nino đã khiến nước từ các dòng sông ở thủ đô tràn vào một số khu phố gây ngập lụt. Người dân phải dùng dây thừng để di chuyển, nhiều khu dân cư thiếu nước sạch. Hai thành phố Pirura và Trujillo ở phía bắc bị ngập nghiêm trọng sau khi hai con đê lớn bị vỡ. Chính phủ Peru tháo khoán 700 triệu euro để khôi phục cho các vùng bị thiệt hại. Theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến giữa tháng Tư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.