Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU ÂU

Donald Trump tố Berlin hà tiện, Luân Đôn nghe lén

Trong vòng ba ngày, tổng thống Mỹ gây bực tức cho hai đồng minh cốt lõi ở châu Âu là Anh và Đức. Vẫn với những lời cáo buộc không chứng cớ, Donald Trump khẳng định tình báo Anh nghe lén « hộ » Obama. Còn đối với Đức, cho dù thủ tướng Angela Merkel đồng ý gia tăng đóng góp vào ngân sách NATO, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chỉ trích Berlin không chia sẻ gánh nặng quốc phòng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc họp báo tại Washington, ngày 17/03/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc họp báo tại Washington, ngày 17/03/2017. REUTERS/Jim Bourg
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ bị phản đối như thế nào ? Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường thuật :

« Thứ năm 16/03, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer trích lời một nhà bình luận của đài Fox News, theo đó cựu tổng thống Barack Obama từng sử dụng « dịch vụ » nước ngoài để nghe lén tỷ phú Donald Trump. Xin trích : « Obama không dùng cơ quan an ninh NSA, không dùng tình báo CIA, cũng không sử dụng cảnh sát liên bang FBI hay bộ Tư Pháp. Ông ta mượn Government Communications Headquarters, GCHQ, tức là cơ quan tình báo Anh ».

Luân Đôn đã phản ứng ngay, lên án những lời cáo buộc khôi hài. Nhà Trắng cũng vội vàng lùi bước nhưng ông Donald Trump không xin lỗi chính phủ Anh mà chỉ lấp liếm trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức.

Bà Angela Merkel cũng không được tổng thống Mỹ đối xử tốt hơn. 24 giờ sau khi tiếp lãnh đạo nước Đức, chủ nhân Nhà Trắng tung lên mạng Tweeter hai lời cáo buộc Berlin không đóng góp đầy đủ cho gánh nặng quốc phòng mà Hoa Kỳ cung cấp để bảo vệ an ninh nước Đức.

Thái độ công kích này của ông Donald Trump rất lạ lùng. Bởi vì, mới ngày hôm trước, chính ông đã cám ơn thủ tướng Angela Merkel đã cam kết nâng chi phí quân sự với chỉ tiêu là 2% tổng sản lượng quốc gia GDP.

Hết sức ngạc nhiên, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh lên minh NATO, Ivo Daalder, đã phải lên tiếng phản đối : Sự dấn thân của Hoa Kỳ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất tốn kém, nhưng đâu có phải để làm vui lòng châu Âu. Mà đó là vì an ninh của chính nước Mỹ ».

Giám đốc FBI giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện

Trong khi đó, ngày 20/03, giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên sẽ giải trình trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện về hai chủ đề : Liệu đội ngũ của ông Donald Trump có liên lạc với Nga trước khi nhà tỉ phú nhậm chức hay không và những lời cáo buộc của tổng thống Donald Trump bị người tiền nhiệm Barack Obama cho nghe lén .

Cho đến nay, nhà lãnh đạo của ngành cảnh sát liên bang Mỹ luôn từ chối bình luận công khai hai vấn đề này, khiến nhiều nghị sĩ, trong đó có cả nghị sĩ Cộng Hòa, chỉ trích ông từ chối hợp tác.

Ngoài ông James Comey, cùng ngày, giám đốc cơ quan tình báo NSA, Mike Rogers cũng sẽ điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.