Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - HÀ LAN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng công kích Hà Lan

Khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng ngày càng thêm nghiêm trọng : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào hôm qua, 14/03/2017 lại đả kích Hà Lan khi gợi lên vai trò của nước này trong thảm họa « diệt chủng » ở Srebrenica, trong cuộc chiến Nam Tư cũ vào năm 1995. Ông còn đe dọa sẽ không ngừng lại ở đây với La Haye.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc mít tinh ở Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19/02/2017
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc mít tinh ở Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19/02/2017 Yasin Bulbul/Presidential Palace/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Trong bài diễn văn tại Ankara, tổng thống Erdogan tuyên bố là sẽ có « những biện pháp mới » nhằm trả đũa La Haye vì đã không cho 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham dự cuộc mít tinh ủng hộ tổng thống Erdogan tại Hà Lan.

Ông đã gợi lên vụ thảm sát 8000 người Hồi Giáo ở Srebrenica khi ấy nằm dưới sự bảo vệ của lính mũ xanh Hà Lan và buộc tội lính Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã phản ứng ngay, nói đến một « hành động ngụy tạo lịch sử một cách ghê tởm... làm cho tình hình căng thẳng thêm lên ».

Tối thứ Hai vừa qua, khi loan báo một số biện pháp đối với Hà Lan - đình chỉ các cuộc gặp cấp bộ trưởng, không cho đại sứ Hà Lan trở lại Ankara - tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cho là Hà Lan có hành vi của chế độ « Quốc Xã và phát xít », và ông sẽ buộc Hà Lan trả giá.

Bộ trưởng Ngoại Giao Đức, nước đã từng bị ông Erdogan cho là có hành vi Quốc Xã, vào hôm qua đã lên tiếng chỉ trích tổng thống Erdogan là tìm cách khiêu khích châu Âu, tạo nên hình ảnh ông là « nạn nhân » để giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào 16 tháng Tư hầu tăng thêm quyền hạn cho mình. Phía Đức cũng đe dọa cấm lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức.

Riêng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, vào hôm nay, cho biết là ông không thể chấp nhận lời lẽ của ông Erdogan so sánh Đức và Hà Lan và những nước khác với chế độ Quốc Xã.

Trong tình hình đó, vào sáng nay, rất nhiều tài khoản Twitter chính thức như của Ân Xá Quốc Tế, bộ Kinh Tế Pháp hay đài BBC Bắc Mỹ, đã bị tin tặc đột nhập, đăng lên thông điệp về cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng Tư tại Thổ Nhĩ Kỳ và mở đầu bằng một chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.