Vào nội dung chính
XÃ HỘI - PHỤ NỮ

Nữ quyền, cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

Hôm nay 08/03, ngày Quốc tế nữ quyền, đây là sự kiện không thể thiếu trên các trang báo Pháp ra hôm nay. Với Libération đây không chỉ là ngày tôn vinh phái nữ, mà còn là ngày tiếp tục cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Libération ghi nhận, « trong bối cảnh chính trị phản động, quyền nạo thai bị đe dọa và Donald Trump đắc cử tổng thống … Năm nay, hơn bao giờ hết ngày Quốc tế nữ quyền là ngày đấu tranh ». Trang nhất tờ báo chạy tựa « ngọn đuốc cháy lại » như một lời kêu gọi cuộc đấu tranh các quyền của phụ nữ không bao giờ tắt.

Một biểu tượng của cuộc chiến vì phụ nữ.
Một biểu tượng của cuộc chiến vì phụ nữ. DR
Quảng cáo

Theo Libération, « đòi quyền cho nữ giới, đó là cuộc đấu tranh bất tận ». Đó là cuộc đấu tranh đòi các quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đòi quyền được tôn trọng không phải bằng những lời ca tụng mà là bằng hành động thực tế.

Bởi vậy mà dịp kỷ niệm 8/3 năm nay, hàng loạt các công đoàn, hiệp hội phụ nữ tại Pháp kêu gọi tổng đình công bắt đầu chính xác từ 15h40. Cùng lúc, Tổng Liên Đoàn các Nghiệp Đoàn Quốc Tế, tổ chức quy tụ đa số các công đoàn trên thế giới, cũng ra lời kêu gọi biểu tình. Lời kêu gọi đã được phổ biến và hưởng ứng ở gần 35 nước. Không chỉ có ngày 8/3, cả một năm qua, trên thế giới đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình đòi nữ quyền, Libération nhắc lại.

« Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, tức là ngay sau ngày ông Donald Trump nhậm chức, hàng triệu phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, từ Washington đến Paris, từ Sydney đến Luân Đôn, đã nhất loạt xuống đường phản đối vị tổng thống có nhiều hành vi và phát ngôn coi thường phụ nữ. Trước đó, hồi mùa thu năm ngoái, tại Ba Lan, một phong trào rộng lớn của phụ nữ bảo vệ các quyền được nạo thai đã thu được thắng lợi, buộc chính quyền nước này rút lại các đạo luật về nạo thai ».

Cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng nam nữ đã có từ cả thế kỷ qua, giờ vẫn còn cả một chặng đường dài, cho dù người ta cũng ghi nhận không ít tiến bộ trong « cuộc đấu tranh bất tận » này.

Ngày Quốc tế phụ nữ bắt nguồn từ đâu?

Có lẽ ít ai biết chính xác ngày mùng 8/3, ngày vì nữ quyền, bắt đầu thế nào ? từ khi nào ? Nhà sử học nữ Mathilde Larrère, người Pháp, phó giáo sư, chuyên nghiên cứu về các cuộc cách mạng và quyền công dân, giải đáp các câu hỏi qua bài viết ngắn trên Libération « Ngày 8/3, một huyền thoại và một biểu tượng ».

Theo nhà sử học Pháp, nhiều người vẫn nghĩ xuất xứ của ngày Quốc tế phụ nữ là ngày 8/3/1857, tức ngày đánh dấu cuộc biểu tình của các nữ công nhân ngành dệt ở New York. Nhưng thực tế dự định lấy ngày phụ nữ quốc tế có từ năm 1910. Vào năm đó một nữ nhà báo cũng là nhà hoạt động chính trị người Đức Clara Zetkin đã đưa ra ý tưởng trong một hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Copenhagen. Mục tiêu là đấu tranh để phụ nữ được quyền bỏ phiếu, quyền được làm việc và chấm dứt tệ kỳ thị nữ giới. Tháng 3 một năm sau đó, hàng triệu người cả nam và nữ đã xuống đường biểu tình đòi các quyền cho phụ nữ ở khắp nước Đức, Đan Mạch và Thụy Sĩ.

Thế nhưng, theo nhà sử học Mathilde Larrère, chính Lénine vào năm 1921 là người ấn định mùng 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ, nhằm tôn vinh điểm khởi đầu của cuộc cách mạng Nga 1917, ngày 23 tháng hai năm 1917, theo lịch của Nga, còn theo công lịch chính là ngày 8/3. Hàng loạt các nữ công nhân ở Saint-Pétersbourg ngày đó đã xuống đường đòi « bánh mỳ và hòa bình », lãnh đạo của cách mạng Xô Viết liền có sáng kiến lấy ngày đó là ngày phụ nữ quốc tế. Sau thế chiến thứ 2, mùng 8 tháng 3 trở thành ngày kỷ niệm chính thức của các nước Cộng sản rồi phong trào này lan rộng khắp thế giới trong những thập niên 1960 -1970. Đến năm 1977, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia hãy dành ngày 8/3 là ngày vì nữ quyền và hòa bình trên thế giới. Phải 5 năm sau đó Pháp mới chính thức hóa 8/3 là ngày Quốc tế nữ quyền.

Bầu cử tổng thống Pháp : Hai đảng chính trị lớn tiếp tục sa lầy

Tất cả các báo Pháp vẫn đang rất nhộn nhịp với chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017. Các ứng cử viên của hai đảng chính trị truyền thống lớn là cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( LR) và Đảng Xã Hội đều đang gặp khó khăn.

Đề cập đến đảng cánh hữu LR, Le Monde có bài : « Lau rửa mặt tiền để cứu Fillon ». Tờ báo nhận định, ở cánh hữu, cuộc bầu cử tổng thống mỗi ngày lại càng thêm giống một vở bi hài kịch …

Chỉ còn tuần nữa là diễn ra vòng đầu của cuộc bầu cử, ứng cử viên của cánh hữu François Fillon mặc dù bị cuốn sâu vào các rắc rối pháp lý liên quan đến nghi vấn tuyển dụng khống người thân làm trợ lý cho mình, vẫn kiên quyết không chấp nhận nhường cuộc đua cho bất kỳ ai. Sau liên tiếp các sức ép không thành, đảng LR đành chơi bài đoàn kết. Theo Le Monde, « đó là sự đoàn kết giả tạo che giấu một cánh hữu đang bị chia rẽ sâu sắc », vì vụ bê bối của ứng viên Fillon.

Trong khi đó Le Figaro ghi nhận : « Fillon đang cố gắng thụ nhặt từng mẩu trong Những Người Cộng Hòa » đang vỡ nát do chính vụ việc của ông. Ông Fillon vẫn khăng khăng không rút lui, từ chối mọi dàn xếp trong đảng để rút ông khỏi cuộc đua.

Còn nhật báo thiên tả Libération cũng có chung nhận định về sự đoàn kết giả tạo của lãnh đạo đảng với ông Fillon qua tựa đề bài viết đầy hàm ý : « Tất cả đằng sau Fillon nhưng thực xa phía sau ». Bài viết cho thấy mặc dù cố kháng cự theo kiểu còn nước còn tát tìm kiếm mọi sự ủng hộ còn lại, nhưng ông Fillon đang nhìn thấy số người ủng hộ ông đang giảm đi từng ngày. Chưa hết, hôm nay tờ báo Canard Enchainé vừa mới tung thêm một cáo giác : hồi năm 2013, ông Fillon có một khoản vay 50 nghìn euro của một người bạn tỷ phú Marc Ladreit de Lacharrière, nhưng ông cũng dấu nhẹm không khai báo gì về khoản vay, mà các chi tiết liên quan trong vụ vay mượn này có thể ẩn chứa những vụ việc khác.

Bên cánh tả cũng không khá hơn, ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội cũng đang ngày càng bị các nhân vật có uy tín trong đảng bỏ rơi trong cuộc vận động tranh cử. Le Figaro ghi nhận : Những nhân vật hàng đầu trong PS đổ xô về với Macron, người đã rút khỏi đảng Xã Hội lập phong trào En Marche ra ứng cử.

Theo Le Figaro, « Giữa ứng viên Benoit Hamon và sức hút của Emmanuel Macron, các tên tuổi lớn trong đảng Xã Hội đang dần chuyển sang ủng hộ ứng viên Macron. Tương quan lực lượng đang ngả về ứng viên tự do thuộc phong trào “Tiến bước – En Marche” »

Nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định xu hướng của cuộc đua bằng một kết quả thăm dò dự định bỏ phiếu của cử tri Pháp, 46 ngày trước vòng 1 : Ứng viên đảng Mặt Trận Quốc Gia FN, Marine Le Pen vẫn dẫn đầu với 26%, bám sát bà là ông Emmanuel Macron thu được 25%, ứng viên Fillon vẫn bị bỏ xa với 20%, xa nữa là ứng viên của đảng Xã Hội Benoit Hamon với nhỉnh hơn 10%.

Châu Âu lo ngại kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc

Một lần nữa tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế lại khiến châu Âu lo ngại. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài : « Công nghiệp : Châu Âu lo ngại các tham vọng của Trung Quốc ».

Liệu các doanh nghiệp nước ngoài có phải gánh chịu hậu quả của các tham vọng trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc ? Theo Les Echos, câu hỏi này ẩn chứa mối lo của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh sau khi soi xét kỹ kế hoạch Made in China 2025, được đánh giá là lộ trình lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm biến nước này từ một « công xưởng thế giới » thành một « đại cường công nghiệp ».

Kế hoạch này đang đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc. Bắc Kinh triển khai một loạt biện pháp tăng cường hạn chế sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài, đổ hàng tỷ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa. Một mục tiêu khác là giảm dần sự lệ thuộc công nghệ nước ngoài, ưu tiên dành thị trường nội địa cho sản phẩm Trung Quốc.

Các doanh nghiệp châu Âu lo ngại sẽ bị cạnh tranh bất bình đẳng tại thị trường Trung Quốc. Báo cáo của Phòng Thương Mại Châu Âu ghi nhận : Bắc Kinh trong những năm qua đã tiến hành hàng loạt các biện pháp : « trợ giá, kích thích thuế liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, hạn chế doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường trong nước, thúc đẩy mua công nghệ châu Âu …. » .

Cơ quan thương mại châu Âu nhận định kế hoạch Made in China 2025 « thực ra là kế hoạch trợ giá quy mô lớn đối với nhập khẩu nhằm quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt hoặc thu hẹp vị thế của các doanh nghiệp nước ngoài ».

Les Echos kết luận, đó chính là lý do vì sao quan hệ làm ăn giữa Bruxelles và Bắc Kinh luôn căng thẳng, đặc biệt trong việc thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.

Trung Quốc : Cha mẹ đi kiếm vợ cho con

Liên quan đến vấn đề xã hội Trung Quốc, Le Figaro có bài phóng sự dài mang tiêu đề : « Các bậc cha mẹ người Trung Quốc cuống cuồng đi kén chàng rể lý tưởng ».

Theo bài phóng sự, giờ đây ở trong nhiều công viên ở Bắc Kinh cũng như ở nhiều nơi khác ở Trung Quốc, vẫn thường diễn ra các phiên « chợ độc thân » rất kỳ lạ, do các bậc cha mẹ đang mong ngóng dựng vợ gả chồng cho con cái mình tổ chức để duy trì hậu thế. Bài phóng sự cho thấy, dù hiện tượng dàn xếp dựng vợ gả chồng cho con từ vài thập kỷ gần đây đã giảm nhiều trong xã hội Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng của gia đình đối với cuộc sống tình cảm trong giới trẻ Trung Quốc vẫn còn nhiều.

Trong khi đó xã hội ngày nay ở Trung Quốc đã thay đổi, thanh niên lập gia đình muộn hơn so với cha mẹ rất nhiều. Vì thế mà các ông bố bà mẹ, về già vẫn canh cánh một nỗi lo làm sao để con cái mình yên bề gia thất, sinh con đẻ cái để họ được có cháu bồng, cháu bế. Thế là các ông bố bà mẹ đó tự phát hội tụ ở các khu công viên, đưa các số liệu về con mình ra giới thiệu hy vọng các phụ huynh khác cũng cùng nhu cầu tìm đến con mình, cho dù con cái họ không hay biết gì về các cuộc trao đổi như thế. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.