Vào nội dung chính
ĐỨC - THỔ NHĨ KỲ - NGOẠI GIAO

Berlin hủy một cuộc mít tinh ủng hộ Erdogan tại Đức

Khoảng 3 triệu người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đăng ký vào danh sách bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 60% trong số họ ủng hộ đảng AKP của tổng thống Erdogan. Để vận động cho cuộc cải cách Hiến Pháp trao thêm nhiều quyền cho tổng thống Erdogan, chính quyền Ankara liên tục tổ chức các cuộc tập hợp lớn tại Đức, để quyến rũ cử tri. Chính quyền hai địa phương của Đức đã không cho phép tổ chức hai cuộc. Để trả đũa, ngày 02/03/2017, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Đức tại Ankara.

Bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag (T) và tổng thống Tayyip Erdogan (P) tại một Hội Nghị Quốc Tế về Luật ở Istanbul, ngày 17/10/2016.
Bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag (T) và tổng thống Tayyip Erdogan (P) tại một Hội Nghị Quốc Tế về Luật ở Istanbul, ngày 17/10/2016. REUTERS/Murad Sezer
Quảng cáo

Bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời hủy bỏ chuyến công du Đức, và lên án phản ứng của Berlin là “không thể chấp nhận được”, “phản dân chủ”“đi ngược lại quyền tự do ngôn luận”.

Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :

“Cuối tháng Hai, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yldrim đã đích thân tới Oberhausen, miền tây nước Đức, tham dự một cuộc mít tinh ủng hộ cuộc cải cách Hiến Pháp. Không khí dân tộc chủ nghĩa và làn sóng quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ đỏ-trắng tràn ngập hội trường nơi diễn ra cuộc mít tinh đã gây chấn động công luận tại Đức.

Dưới áp lực, các thành phố Gaggenau và Cologne vừa phải quyết định cấm các cuộc mít tinh của hai bộ trưởng trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo báo Bild Zeitung, chính tổng thống Erdogan muốn đích thân tới Cologne vào tháng Ba này để nói chuyện trước những người ủng hộ. Vụ việc này làm cho chính phủ của bà Merkel bối rối.

Đối với đối lập, đảng Xanh và các nhóm cộng sản mới, không thể để cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội đến Đức, để tuyên truyền cho một cải cách Hiến Pháp, theo hướng áp đặt một chế độ độc tài. Điều này lại càng không thể kể từ khi chính quyền Ankara bỏ tù một cách tùy tiện một nhà báo song tịch Thổ Nhĩ Kỳ-Đức, bị cáo buộc ủng hộ khủng bố qua các phóng sự của ông”.

Về phần mình, ngày 03/03, bộ Ngoại Giao Đức tuyên bố, các quyết định nói trên là của chính quyền các địa phương, không liên quan đến chính phủ Liên bang.

Trong khi đó, bộ trưởng Kinh Tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci thông báo sẽ đến vào Đức Chủ Nhật 05/03, và cho dù các cuộc mít tinh bị cấm, ông sẽ tới tận “từng gia đình”, “từng quán hàng” để vận động cho cuộc cải cách Hiến Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.