Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGOẠI GIAO

Trump đe dọa toàn bộ hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo dựng từ năm 1945

Chính sách ngoại giao của tân tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng các căng thẳng trên thế giới và có xu hướng phá bỏ hệ thống quan hệ quốc tế mà chính Hoa Kỳ đã tạo dựng từ hơn 70 năm qua. Trên đây là nhận định của giáo sư Charles-Philippe David, đại học Québec à Montréal, trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde số ra ngày 14/02/2017. Ông David là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại của Mỹ. RFI xin trích dịch bài phỏng vấn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. REUTERS/Jim Bourg
Quảng cáo

07:14

Phỏng vấn - 14/02/2017

Liệu các căng thẳng gia tăng trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến có dẫn đến chiến tranh hay không ?

Không bao giờ có thể xác định từ trước hoặc dự báo được một cuộc chiến tranh, cho dù có nhiều yếu tố hoàn cảnh và nội tại góp phần dẫn đến cuộc chiến. Ví dụ, trong lịch sử, quan hệ giữa các cường quốc lớn luôn luôn là thước đo về tình trạng căng thẳng hoặc ổn định trên thế giới. Tuy vậy, đa phần các cuộc chiến tranh là những cuộc chiến tranh chủ ý.Vả lại, rất ít khi kẻ xâm lược lại trở thành kẻ thắng cuộc.

Liệu sẽ có các cuộc chiến tranh khác hay không ? Đương nhiên là có. Nhưng không ai biết là chiến tranh sẽ xẩy ra ở đâu, lúc nào. Không thiếu những nơi có thể xẩy ra chiến tranh : từ Biển Đông đến miền đông Ukraina cho đến Trung Đông. Điều ngạc nhiên của năm 2017 là gì ? Nhà nước nào sẽ sụp đổ ? Sai lầm « chết người » » đẩy hệ thống quốc tế rơi vào một cuộc khủng hoảng là gì ? Trong khi chờ đợi, chắc chắn sẽ xẩy ra các đối đầu địa chính trị, các hành động khủng bố, các vụ bạo lực bên trong các quốc gia, các căng thẳng biên giới.

Vấn đề cần biết là liệu những sự kiện đó có làm căng thẳng leo thang, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát hay không ? Nhất là với việc ông Trump vào Nhà Trắng, tôi lo ngại là chúng ta sẽ cũng sẽ bận tâm - thậm chí còn hơn thế - như lúc George W. Bush làm tổng thống, cách nay hơn 15 năm.

Các cuộc khủng hoảng tái diễn như vậy có thể tác động ra sao đối với hệ thống quốc tế ít nhiều nằm trong tay Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

Sau khi Trump và ê-kíp của ông ta nhậm chức, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới xấu đi. Các tuyên bố bốc đồng của chủ nhân Nhà Trắng, nhất là việc bác bỏ chính sách « một nước Trung Hoa » - để rồi cuối cùng là trong những ngày gần đây thì lại chấp nhận - cũng như các tuyên bố về quan hệ thương mại, tất cả những điều này không hề làm mọi người yên tâm. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các tham vọng tại Biển Đông cũng như tiến hành tái vũ trang - có một thông tin hầu như không được nhắc đến liên quan đến việc lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Trung Quốc có một hàng không mẫu hạm đi vào hoạt động, điều này giúp Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai sức mạnh quân sự ra xa hơn.

Điều trớ trêu nhất trong năm 2017 có thể là cuối cùng các quốc gia sẽ thừa nhận Trung Quốc có vai trò duy trì ổn định, trong lúc vai trò của Hoa Kỳ sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn. Thậm chí, tôi có thể nói là lần đầu tiên, kể từ sau cuộc xâm lấn Irak năm 2003, Hoa Kỳ gây lo ngại. Hệ thống quốc tế mà Mỹ tạo dựng từ 70 năm qua, bị Trump đe dọa. Đây là một yếu tố nội tại làm cho tình hình thêm trầm trọng và là một nguyên nhân sâu xa gây rủi ro và đe dọa sự ổn định của thế giới.

Người ta thường nói là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến chiến tranh kinh tế và đưa đến một cuộc chiến tranh thực sự. Vậy các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Trump có mục đích gì ?

Các biện pháp này hoàn toàn đáp ứng các ưu tiên tranh cử của tổng thống Trump và đối phó với những vấn đề của nền kinh tế Mỹ tích tụ từ khoảng hai chục năm nay.Trump đã hiểu điều này và ông ta đã chộp đúng thời cơ. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một cách nói với các cử tri về « vành đai thép » - tức các tiểu bang Mỹ xung quanh vùng Đại Hồ - rằng có thể quay trở lại thời kỳ trước và khắc phục các thiệt hại do tiến trình toàn cầu hóa và các hiệp định tự do mậu dịch gây ra. Canada và Mêhicô bị nhắm tới, nhưng cả Trung Quốc nữa và trong một chừng mực nào đó là châu Âu. Các hứa hẹn đưa việc làm trở lại nước Mỹ, áp đặt các hàng rào thuế quan, đàm phán lại các hiệp định thương mại, tố cáo hoặc tác động lên các chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc, tất các những điều này nhằm bù đắp lại những thiếu hụt, khiếm khuyết của nền kinh tế Mỹ.

Điểm mấu chốt là thông thường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không những không thể vận hành được, mà lại làm tăng sự bất ổn và làm suy yếu nền tảng các nền kinh tế quốc gia cũng như kinh tế thế giới. Vả lại, lần cuối cùng mà Hoa Kỳ áp dụng chính sách tự co cụm, thì kết quả không mấy tốt đẹp gì đối với họ.Thực vậy, các đời tổng thống trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến - cho đến tận thời tổng thống Franklin D. Roosevelt - chắc chắn vừa làm trầm trọng thêm số phận hẩm hui của nền kinh tế Mỹ, cũng như của nền kinh tế châu Âu và là một yếu tố quan trọng làm gia tăng chủ nghĩa toàn trị lan rộng ra toàn thế giới trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Trên góc độ an ninh-thế giới, liệu chúng ta sẽ chứng kiến một lần nữa sự phân chia thế giới giữa vài siêu cường đứng đầu các khu vực ảnh hưởng ?

Với Donald Trump, thế giới đang ở trong thời kỳ hậu đơn cực và đồng thời đang đi vào thời kỳ hậu-hậu-chiến tranh lạnh. Vai trò lãnh đạo của Mỹ từ 27 năm qua - là thiết yếu, tử tế, đế quốc, bành trướng, bất kể từ ngữ được dùng như thế nào - đã chấm dứt. Tổng thống của thế giới sẽ không còn là tổng thống Mỹ nữa. Nền hòa bình kiểu Mỹ có nguy cơ trở nên độc hại, một dạng « dịch bệnh » Mỹ. Điều này sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với thế giới.

Thế giới sẽ ra sao khi phải đối mặt những nguy cơ xung đột, khủng hoảng nhân đạo, thảm họa môi sinh, trước những đối đầu ngoại giao tất yếu ngăn cản những toan tính tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề chính trị-quân sự và những thách thức chiến lược trong tương lai ?

Nếu xẩy ra phân chia thế giới theo các vùng dưới sự thống trị của các cường quốc lớn, chúng ta sẽ chứng kiến sự tái lập một thế giới đa cực, thống trị bởi Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nếu như sự hỗn loạn hoặc suy nghĩ « đèn nhà ai nhà nấy rạng » thắng thế, thì thế giới sẽ vô cực, đánh dấu sự biến đổi của hệ thống quan hệ quốc tế. Trong hai trường hợp nói trên, không có gì sẽ được giải quyết và những ý tưởng gắn bó với chủ nghĩa quốc tế tự do của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh không còn gì nữa. Với Donald Trump, thế giới hiển nhiên sẽ đi vào một giai đoạn mới của lịch sử.

Liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO có còn tương lai hay không khi mà Donald Trump đã chỉ trích rồi lại rút bỏ những phê phán này ?

Tôi không tính được số lần mà các nhà quan sát thông báo khối NATO tiêu vong và nhất là kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh, với những lý như không còn có kẻ thù chung nữa, hoặc do các thành viên của khối này không còn có các giá trị chung để chia sẻ hoặc do thành viên mạnh nhất là Hoa Kỳ mong muốn giải thể khối này bởi vì Washington muốn hợp tác với các đối tác chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, với Donald Trump, lần này, đúng là có nhiều rủi ro, nhưng hoàn toàn không phải vì một trong những lý do vẫn thường được nêu ra. Trong trường hợp của Mỹ và theo nguyên tắc đàm phán trên cơ sở « người nào dùng thì phải trả tiền » Hoa Kỳ dường như sẽ không tự động đứng ra đảm trách việc bảo vệ các đồng minh nào không chịu đóng góp - ít nhất là 3% tổng sản phẩm quốc nội được chi cho quốc phòng.

Lập trường này nguy hiểm và ngoài việc làm giảm thiểu an ninh đối Hoa Kỳ, còn mở đường cho việc tái cơ cấu NATO và địa chính trị châu Âu, đặc biệt là nếu như Nga tranh thủ các cơ hội như tình trạng mất an ninh gia tăng tại các nước Baltic, ở Đông Âu hoặc tại Thổ Nhĩ Kỳ, để tái khẳng định mạnh mẽ các lợi ích của mình. Chắc chắn là NATO sẽ trải qua nhiều năm khó khăn để thuyết phục được Donald Trump rằng khối này hiện nay vẫn hữu dụng, giống như trong suốt 60 năm vừa qua.

Trump đã thông báo muốn giảm bớt cam kết của Mỹ đối với châu Âu. Vậy các nước châu Âu có phương tiện hay không để tiến hành một cách nghiêm túc việc thành lập một khối phòng thủ châu Âu ?

Tôi nghĩ là các điều kiện hiện nay không tốt hơn so với trước đây. Không phải là vì châu Âu có khả năng thì họ sẽ có quyết tâm ! Một khối phòng thủ châu Âu sẽ không xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn Syria một cách lộn xộn, như họ đã làm từ hơn một năm nay. Châu Âu sẽ không chấp nhận các chính sách của từng nước nếu như họ phát triển một chính sách chung thực sự. Các nước châu Âu, ở cấp cao nhất, chưa bao giờ có cùng quyết tâm phát triển một khối phòng thủ chung. Theo hướng này, vụ Brexit càng làm gia tăng thái độ lừng khừng và các cuộc bầu cử sắp tới, tại Pháp, ở Đức, sẽ cho thấy những chỉ dấu rõ ràng về cơ may sống sót của Liên Hiệp Châu Âu và dự án xây dựng châu Âu. Điều rõ ràng là trong năm 2017, chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt mang tính quyết định.

Với những chỉ trích của Donald Trump nhắm vào Liên Hiệp Quốc và vai trò của các nước đang trỗi dậy gia tăng mạnh mẽ, liệu Hội Đồng Bảo An có nguy cơ đi vào một thời kỳ « đông cứng » ?

Sự tê liệt của Hội Đồng Bảo An trong cuộc khủng hoảng Syria đã cho thấy sự « giá lạnh » của định chế này, mặc dù đã được « hâm nóng » sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ngoài ra, việc tổng thống Trump nghĩ đến khả năng cắt giảm 25% đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân sách hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc cho thấy rõ là nguyên thủ Hoa Kỳ coi nhẹ vai trò của tổ chức này.

Các nhà lãnh đạo khác cần phải xốc vác và thúc đẩy định chế thiết yếu này, ví dụ như thủ tướng Canada Justin Trudeau (ông đã tới thăm Hội Đồng Bảo An ngày 09/02 vừa qua). Nếu không, Hội Đồng Bảo An sẽ lại rơi vào tình trạng hấp hối như trong những năm chiến tranh lạnh và không mang lại bất kỳ hy vọng nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.