Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trump hạn chế thuê lao động nước ngoài trình độ cao, Ấn Độ lo lắng

Đăng ngày:

Nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tân tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ. Dự thảo sắc lệnh này kèm theo một dự luật mới đã khiến New Delhi lo ngại, vì Ấn Độ là sẽ nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu.  

Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai.
Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai. Reuters
Quảng cáo

Donald Trump đang chuẩn bị ra một sắc lệnh hạn chế cấp visa cho người lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :

Visa Mỹ có tên gọi H1B là sợi dây kết nối các lĩnh vực công nghệ mới của Ấn Độ với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nhờ loại visa này mà gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty tin học của Hoa Kỳ.

Chính quyền Washington mới lại muốn thay thế nguồn nhân lực này bằng người Mỹ. Bên cạnh dự thảo sắc lệnh của tổng thống theo đó việc cấp visa H1B sẽ trở nên phức tạp hơn, còn có một dự luật quy định số lương tối thiểu để được cấp visa H1B sẽ phải tăng gấp đôi. Dự thảo sắc lệnh và dự luật này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ cử nhân viên sang làm việc tại Hoa Kỳ. Còn trên sàn chứng khoán Bombay, kể từ hôm thứ Ba, cổ phiếu của các công ty này đều sụt giảm.

Nhưng, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Ông Shivendra Singh, phó chủ tịch Nasscom - Hiệp hội các công ty tin học của Ấn Độ, giải thích : « Bộ trưởng Lao Động Mỹ đã ra một báo cáo liên quan tới công việc trong các lĩnh vực khoa học mà không thể tuyển dụng nhân lực vào năm 2018. Và một nửa trong số đó là các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các doanh nghiệp, cho dù là của Hoa Kỳ hay của Ấn Độ, đều phải bù đắp thiếu hụt này bằng cách tuyển dụng nhân công nước ngoài ngắn hạn ».

Phó chủ tịch hội tin học Ấn Độ nhận xét, nếu ra điều kiện là mức lương tối thiểu của họ phải cao hơn nữa thì họ mới được nhập cảnh, thì điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả. Bởi vì phía Mỹ không thể tuyển dụng tại chỗ các nhân công Mỹ có trình độ cao, chỉ trong ngày một ngày hai ».

Chính phủ Ấn Độ cũng đã phản ứng và tỏ ra lo ngại về chính quyền mới của Hoa Kỳ.

Thái Lan : Dự luật « độc tài » về kiểm soát truyền thông

Cũng liên quan tới các dự thảo luật, nhưng tại Thái Lan, tập đoàn quân sự cầm quyền mới đây đã soạn thảo một dự luật mới nhằm kiểm soát ngành truyền thông. Nhưng tất cả các hiệp hội nhà báo đều phản đối dự luật này vì nó sẽ làm mất tự do báo chí.

Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok giải thích :

Dự luật này, theo cách nói của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan, là nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá công việc của các phóng viên và để đảm bảo trật tự xã hội. Tập đoàn quân sự đánh giá là công tác tự kiểm duyệt của các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông đã thất bại, nên chính phủ phải đứng ra kiểm duyệt. Dự luật này sẽ cho phép triển khai hội đồng kiểm duyệt gồm đại diện của báo chí, truyền thông và các quan chức cao cấp của chính phủ Thái Lan.

Điều gây nhiều tranh cãi nhất là hội đồng này sẽ cấp giấy phép hành nghề cho tất cả phóng viên và sẽ rút giấy phép của một phóng viên, nếu người này bị hội đồng đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp hoặc làm mất trật tự xã hội. Hai khái niệm này đều rất mơ hồ và rất có thể sẽ bị hiểu sai lệch đi.

30 hiệp hội nhà báo của Thái Lan đều coi là dự luật này xâm phạm tự do báo chí, vốn được Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết họ sẽ không thay đổi bất cứ một chữ nào trong dự luật. Và vì Quốc Hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, nên chắc chắn dự luật này được Quốc Hội phê chuẩn. Tất cả các hiệp hội nhà báo cho biết là nếu điều này xảy ra, họ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại đạo luật mới, mà họ gọi là « độc tài ».

Nhật Bản: Nhà tù, nơi “an hưởng” tuổi già

Tại Nhật Bản, nơi người cao tuổi chiếm 25% dân số thì tỉ lệ tù nhân cao tuổi ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, nếu vào năm 2000, chỉ có 5% tù nhân trên 65 tuổi thì con số này tăng đã lên tới 20% vào năm 2015.

Nhiều người cao tuổi ở Nhật thích cuộc sống an toàn trong nhà tù, nơi họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc sống tự do, nhưng đầy bắt trắc bên ngoài. Chính vì thế, nhiều người già cố tình vi phạm pháp luật để « được » phạt tù.

Chính điều này đã khiến công việc của quản giáo tại nhiều nhà tù giờ đây giống với công việc của y tá. Ở Fuchu, nhà tù cho nam giới lớn nhất đất nước, quản giáo không sợ tù nhân bỏ trốn. Nhiệm vụ của quản giáo chủ yếu là … thay bỉm cho những tù nhân già yếu và giúp họ tắm gội. Ông Shinsuke Nishioka, một quan chức của bộ Tư Pháp thì giải thích là nhiều tù nhân cao tuổi nặng tai, họ không nghe rõ hiệu lệnh, và họ thường xuyên phải đi vệ sinh. Điều này gây khó khăn cho ban quản lý trại giam. Các nhà tù phải có nhiều quản giáo hơn nữa.

Trước tình trạng này, chính phủ Nhật đã quyết định từ tháng 04/2017, sẽ tăng cường nhân lực cho 50% trên tổng số 70 trại giam trên toàn đất nước, đồng thời tăng cường đội ngũ huấn luyện thể thao cho tù nhân cao tuổi.

Ô nhiễm không khí : « mặt hàng xuất khẩu mới » của Trung Quốc

Để đảm bảo cam kết giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã yêu cầu cắt giảm sản lượng than trong nước. Năm 2016, sản lượng than của Trung Quốc đã giảm tới 9%. Tuy nhiên, nhập khẩu than của nước này lại tăng 25%. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc khai thác ngày càng ít than, nhưng lại nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt từ Mông Cổ : một cách « xuất khẩu » ô nhiễm không khí ra nước ngoài.

Mới đây, Bắc Kinh đã ký với Ulan Bator thỏa thuận, theo đó Mông Cổ thúc đẩy sản xuất than đá và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tăng gấp đôi. Từ 4 năm nay, giá than đá của Mông Cổ xuất sang Trung Quốc rẻ chỉ bằng 1/3, 1/4 giá than trên trị trường thế giới. Để có tiền trả nợ vào mùa xuân, Mông Cổ không thể từ chối đề nghị của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nhập than đá từ Úc, nhưng với một chiến thuật hoàn toàn khác, thông qua việc mua các mỏ than của Úc. Công ty than đá lớn của Trung Quốc Yanzhou Coal đã mua cổ phần của công ty Rio Tinto và trở thành nhà khai thác than đá lớn nhất nước Úc.

Trung Quốc : « Thuê bạn gái » về quê ăn Tết

Tết Nguyên Đán là dịp để 300 triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa ở thành phố trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người độc thân, đây cũng là dịp phải đối mặt với sức ép lập gia đình từ cha mẹ. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 60% nam giới và 50% phụ nữ bị gia đình gây sức ép để có người yêu và kết hôn. Một số người không ngần ngại tìm đến trung tâm môi giới để « thuê người yêu » về quê ăn Tết. Phần lớn các « cặp đôi giả vờ » chọn gói « Dịch vụ Xanh » (lü se fuwu). Có nghĩa là : trong kỳ nghỉ đến ở nhà bố mẹ, nhưng không ngủ cùng phòng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :

Trong mắt bố mẹ, Cao Nhạc có một vấn đề cần khắc phục hay lập tức. Cao Nhạc là người Bắc Kinh, 32 tuổi, khá đẹp trai, nhưng vẫn chưa có bạn gái. Và mỗi năm, ngày Tết lại làm Cao Nhạc sợ đến toát mồ hôi hột.

Cao Nhạc chia sẻ : « Từ năm tôi 25 tuổi, nhất là vào dịp lễ Tết, bố mẹ tôi luôn hỏi tôi vẫn chưa có bạn gái à. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy sức ép. Bố mẹ tôi thấy mất thể diện trước người thân và bạn bè. Vì thế, mỗi lần gia đình tụ họp, tôi thường tìm cách lẩn tránh ».

Nhiều người tìm cách đối phó rất độc đáo. Họ tìm đến dịch vụ « Cho thuê người độc thân » của anh Vương Kiến Hoa. Anh Vương giải thích : « Giá thuê bạn gái trung bình là 67 euro/ngày, nhưng tới dịp Tết, giá tăng ít nhất là gấp đôi. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều điều khoản : gặp gỡ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Vào dịp Tết, nhu cầu thuê bạn gái rất cao, chỉ riêng công ty chúng tôi đã cung gấp dịch vụ cho thuê bạn gái cho hàng ngàn người.

Pháp : sức mua thực phẩm giảm kỷ lục

Một cuộc khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy tại Pháp, tổng chi tiêu cho thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa năm 2016 đã tăng 0,9 %, đạt 103,6 tỉ euro. Nhưng, nếu tính theo đầu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, lượng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa mà người dân Pháp mua sắm đã giảm (- 1,2 %) và số tiền mua sắm cũng giảm (- 0,6 %). 

Mặc dù mức giảm không quá cao, nhưng nó cũng cho thấy người Pháp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải là do các gia đình ăn uống ít đi hay giảm lãng phí thức ăn, mà chủ yếu là do họ đang còn rất nhiều đồ ăn thức uống dự trữ trong kho, nên không cần mua thêm nhiều thực phẩm.

Hiện tượng này liên quan chủ yếu đến các loại hàng hóa có hạn sử dụng dài như sữa (- 8 %), nước uống đóng chai (- 3 %), nước uống có ga (- 5 %), đường (- 6 %) cũng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.

Thêm vào đó, họ ngày càng ít đi các siêu thị lớn ở xa. Thay vào đó, họ chọn các cửa hàng nhỏ gần nhà. Đây cũng là một cách để kiểm soát việc mua sắm. Giá cả giảm không thúc đẩy người Pháp mua sắm nhiều hơn về lượng, nhưng họ chuyển sang xu hướng mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn, sạch hơn và an toàn hơn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.