Vào nội dung chính
SYRIA - KAZAKHSTAN

Hoà đàm Syria khai mạc, phe nổi dậy từ chối đối thoại trực diện với Damas

Đàm phán giữa phái viên của tổng thống Bachar al Assad và đại diện các nhóm nổi dậy mở ra vào hôm nay 22/01/2017 tại Astana, thủ đô Kazakhstan cho dù vào phút chót, các nhóm võ trang Syria từ chối đàm phán trực diện với chế độ Syria. Phe nổi dậy lên án Damas không tôn trọng thỏa thuận ngưng bắn ký kết hồi tháng 12/2016, sau trận Aleppo.

Hòa đàm Syria tại Astana, Kazakhstan. Ảnh ngày 23/01/2017.
Hòa đàm Syria tại Astana, Kazakhstan. Ảnh ngày 23/01/2017. Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, phiên họp đầu tiên đã được ngoại trưởng Kazakhstan Kairat Abdrrakhmarov khai mạc. Phái đoàn chính phủ Syria và đại diện của đối lập võ trang ngồi chung quanh một chiếc bàn hình vành khăn.

Ngoại trưởng Kazakhstan kêu gọi hai bên « đàm phán với thực tâm thông hiểu lẫn nhau vì đó là con đường duy nhất dẫn đến hoà bình ».

Mục tiêu và tương quan lực lượng:

Sau chiến thắng Aleppo, chế độ Syria đến bàn hoà đàm trong thế mạnh. Đối diện là các tổ chức võ trang bị chia rẽ và hiện diện thưa thớt. Nhóm mạnh nhất là Ahra al-Cham tẩy chay hoà đàm. Hai tổ chức thánh chiến gồm Daech và Fateh al-Cham tên mới của Mặt trận al-Nosra ( trước đây là cánh tay nối dài của Al Qaida) không được mời.

Mục tiêu của hoà đàm Astana là củng cố thỏa hiệp ngưng bắn ký kết ngày 30/12/2016 cho đến nay vẫn thường xuyên bị vi phạm. Do vậy, thảo luận sẽ tập trung trên vấn đề quân sự. Đại diện chính trị của đối lập chỉ đóng vai trò làm cảnh.

Hàng chục thành viên phe nổi dậy đến Astana tham dự hoà đàm do ông Mohamed Allouche, nhà thương thuyết trưởng của đối lập Syria, làm trưởng đoàn.

Theo một thành viên đối lập, chính Thổ Nhĩ Kỳ thuyết phục các phe võ trang ngồi vào bàn đàm phán với Damas.
Hoà đàm Astana do Nga cùng Iran, đồng minh của Damas một bên và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẩn đối lập võ trang, đồng bảo trợ. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu gần như đứng bên ngoài,chỉ cử đại sứ tại Kazakhstan đến chứng kiến.

Nga một mình hưởng lợi nếu hoà đàm đạt tiến triển:

Từ Matx cơva , thông tín viên Muriel Pomponne phân tích :

" Kazakhstan, nước cộng hoà cũ của Liên Xô tại Trung Á, theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ khó lòng từ chối đề nghị làm chủ nhà đón tiếp hoà đàm Syria. Đàm phán diễn ra tại một nơi cách xa địa điểm biểu tượng Genève để có thể gần Matxcơva hơn .

Bởi vì chính nước Nga là kẻ giựt dây. Tổng thống Putin áp đặt phải để cho Bachar al Assad tiếp tục cầm quyền. Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận. Một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tuyên bố « muốn giải quyết hồ sơ Syria mà không có Bachar al Assad là một đòi hỏi không thực tế ». Đổi lại, vai trò và tương lai người Kurdistan, tạm thời bị bỏ quên.

Sau thất bại tại Aleppo, các nhóm nổi dậy bị mất thế thượng phong. Trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ, điểm tựa trước đây của đối lập võ trang, nay đã nghiêng theo Nga. Các quốc gia Ả Rập vắng mặt tại hội nghị Astana. Bên cạnh Nga, chính quyền Iran, đồng minh của Damas trở lại bàn cờ quốc tế trong thế mạnh, áp đặt nhịp độ thương lượng, bác bỏ sự tham gia của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chính quyền Damas, được Nga ủng hộ mạnh mẽ, kêu gọi các nhóm nổi dậy buông súng và đang ước mơ tái chiếm toàn bộ lãnh thổ.

Rất có thể chính Matxcơva sẽ hạ nhiệt tham vọng của Bachar al Assad. Đối với Nga, ưu tiên số một là phải duy trì thỏa thuận ngưng bắn rồi sau đó để cho thủ lĩnh các nhóm võ trang tham gia tiến trình chính trị. Thực hiện được hai mục tiêu này sẽ là thành công ngoại giao rất lớn của Matxcơva."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.