Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Nước Anh bắt đầu tách khỏi Liên Hiệp Châu Âu

Thủ tướng nước Anh, bà Theresa May trong bài diễn văn hôm nay, 17/01/2017, phải thông báo rõ quan điểm của bà về các mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit, một cuộc « ly dị » đang được tổng thống tân cử Hoa Kỳ ủng hộ.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về lộ trình rời Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn ngày 17/01/2017.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về lộ trình rời Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn ngày 17/01/2017. REUTERS/Kirsty Wigglesworth
Quảng cáo

Hoa Kỳ, đối tác có trọng lượng

Nếu như trước đây, bà có đề cập đến một « Brexit cứng rắn » thì nay được đổi thành «Brexit thích đáng ». Đương nhiên, mọi người đang trông đợi thủ tướng Anh sẽ có những giải thích cụ thể hơn về thuật ngữ này và những điều kiện theo đó bà định đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp. Theo thông tín viên Lê Hải, tại Luân Đôn, nước Anh không trông đợi gì nhiều vào sự hào phóng của Liên Hiệp Châu Âu: 

"Có hai điểm chính nổi bật trong các bình luận trên báo chí và truyền hình Anh trong ngày hôm nay, thứ nhất là kế hoạch của thủ tướng May là khá mạnh và thứ hai là tuyên bố mới đây của tân tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng ký hiệp định kinh tế chiến lược chính là chiếc đệm giảm xóc hiệu quả cho bản kế hoạch đó. Đồng bảng Anh tiếp tục suy yếu và giới kinh tế diễn giải kế hoạch của bà May có nghĩa là nước Anh sẽ tách rời khỏi khu vực kinh tế chung của châu Âu.

Do đó, hứa hẹn mới đây của Hoa Kỳ về trợ giúp thương mại sẽ phần nào giúp giảm nhẹ cú sốc đó. Thủ tướng Anh cùng các đồng sự trong chính phủ cũng hứa hẹn về chuyện sẽ đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu về các hiệp ước mua bán có giá trị tương đương như là trước đây, nhưng cho đến thời điểm này thì tuyên bố của các lãnh đạo châu Âu mà đặc biệt là nước Đức khá là cứng rắn.

Có lẽ chính phủ Anh cũng không dám kỳ vọng quá nhiều vào các thỏa thuận kinh tế kiểu này, nên hôm qua bộ trưởng Tài Chính Philip Hammond đã ngụ ý có thể giảm thuế một cách bất thường để biến nước Anh thành thiên đường thuế ngay ngoài rìa châu Âu để thu hút đầu tư và cân bằng kinh tế.

Cho nên, có thể thấy bản kế hoạch của thủ tướng Anh mới chỉ là khúc dạo đầu cho vô số tranh cãi sắp tới, không chỉ song phương với châu Âu, mà như bà Theresa May đã bày tỏ hi vọng là nước Anh sẽ đạt được vai trò quốc gia thương mại toàn cầu, tiếp tục được thế giới tin cậy và trong nước thì đoàn kết "

Hồ sơ di dân: Một bài toán nan giải

Câu hỏi đặt ra: Mặc dù vấn đề kinh tế luôn được bàn cãi đầu tiên nhưng vấn đề di dân mới là lý do chính khiến rất nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit, vậy thì kế hoạch của thủ tướng Anh sẽ kiểm soát biên giới như thế nào? Anh Lê Hải cho biết tiếp:

" Vấn đề này hầu như bị bỏ trống trong bản kế hoạch cụ thể, nhưng trên thực tế thì có lẽ đó chính là vấn đề mà chính phủ của bà May đã tập trung chuẩn bị trong suốt 6 tháng qua. Trước hết là nước Pháp tuyên bố sau ngày Brexit, họ sẽ yêu cầu biên phòng Anh rút khỏi cảng Calais quay về bên phía cảng Dover của Anh.

Đây sẽ là cú sốc lớn cho nước Anh, bởi vì trong trường hợp đó, nếu Pháp tiếp tục bỏ ngỏ cửa khẩu như hiện nay thì dòng người tị nạn sẽ thoải mái tràn sang Anh và khi đó thì nước Anh sẽ phải tiếp nhận và tìm chỗ ở cho người vượt biên trong giai đoạn xét duyệt hồ sơ, chứ không phải để họ vạ vật bên Pháp như vừa qua. Chính phủ Anh rầm rộ đưa trẻ em tị nạn nhập cảnh để giúp nước Pháp loại trừ khu lều trại tạm bợ xung quanh các bến đỗ xe công-ten-nơ, và hi vọng sẽ có biện pháp hay lối thoát nào đó cho vấn đề người tị nạn.

Câu chuyện nổi bật thứ hai về dân nhập cư là những người có giấy tờ hợp pháp được quyền sống và làm việc ở bất kỳ nơi nào trong khối thị trường chung châu Âu, nước Anh hi vọng chuyện Brexit sẽ không làm ảnh hưởng đến những người đã ổn định cuộc sống, tức là không gửi trả người châu Âu về nước và người Anh bên châu Âu cũng không phải quay trở về nhà. Đây có lẽ sẽ là điều được bàn cãi nhiều vì dễ giải quyết và ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ và lá phiếu của cử tri."

Đoàn kết vương quốc Anh bị thách thức

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu như bà Theresa May quyết định đóng cửa đường biên giới, đây sẽ là một cuộc ly dị « khó khăn ». Nước Anh xem như phải rời khỏi thị trường chung, vì tự do lưu thông con người gắn liền với tự do di chuyển tài sản.

Theresa May sẽ phải tái đàm phán để có thể đi vào thị trường châu Âu và để có thể thực hiện điều này, bà chỉ có hai năm để định hình chương trình đối tác mới với 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp. Bruxelles chắc là sẽ không « cho không ». Và trong nội tình Vương quốc Anh, những người ủng hộ ở lại với Liên Hiệp tuy chiếm thiểu số ở Anh quốc, nhưng lại được đa số đồng tình tại xứ Scotland và Bắc Ailen cũng sẽ không im hơi lặng tiếng.

Nhất là, sự thống nhất của vương quốc sẽ bị đe dọa do việc Scotland muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới đòi độc lập lãnh thổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.