Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Mỹ bị trói tay trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Nga

Vì tôn trọng quyền tự do ngôn luận, Hoa Kỳ đang có dấu hiệu bị lép vế trước Nga trong cuộc chiến tranh tuyên truyền. Vấn đề này vừa được nhiều cố vấn an ninh mạng, đã nghỉ hưu hay đương chức tại Nhà Trắng nêu bật với hãng tin Anh Reuters.

Trụ sở đài truyền hình Russia Today, cơ quan tuyên truyền của chính phủ Nga.
Trụ sở đài truyền hình Russia Today, cơ quan tuyên truyền của chính phủ Nga. Wikimedia by Artem Svetlov
Quảng cáo

Theo họ, trong hơn một chục năm gần đây, chính quyền Mỹ đã dốc sức chuẩn bị ứng phó với những vụ tấn công tin học đến từ nước ngoài, đánh vào mạng lưới cung cấp điện, hệ thống tài chính, thậm chí hệ thống bỏ phiếu điện tử, nhưng lại thiếu đối sách rõ ràng khi Nga tung chiến dịch thông tin sai lệch trên internet trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Các chuyên gia này cho rằng không phải là Mỹ không quan tâm đến cuộc chiến tranh tuyên truyền mà Nga đã đẩy mạnh trở lại trong những năm gần đây. Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn không ngừng theo dõi các chiến dịch tấn công tin học để đánh cắp dữ liệu và tung tin thất thiệt do các nhóm được cho là có liên hệ với Nga tiến hành tại Ukraina hay tại các nơi khác.

Có điều là cho đến nay, chưa thấy chính quyền Mỹ, đặc biệt là ở cấp cao, thể hiện một mối quan tâm dài hơi nào đến nguy cơ cuộc chiến tranh tuyên truyền đó lan sang Hoa Kỳ, vào lúc mà, một số nguồn tin an ninh cho rằng tuyên truyền của Nga, trong một chừng mực nào đó, có thể là đã gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Mỹ.

Nguyên do đầu tiên của vấn đề này là chính quyền Mỹ đã phần nào bị Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ - bảo đảm quyền tự do ngôn luận - trói tay trong việc chống tuyên truyền sai lệch. Theo một cựu cố vấn Nhà Trắng, bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát hay hạn chế thông tin, kể cả những thông tin sai lệch đến từ nước ngoài, đều sẽ vấp phải những trở ngại to lớn về chính trị, pháp lý và đạo đức. Trong khi đó thì chính quyền Nga lại hoàn toàn có thể khống chế thông tin như họ muốn vì không phải vướng bận về vấn đề tự do ngôn luận.

Nguyên do thứ hai đã được Clinton Watts, cựu nhân viên FBI, hiện là chuyên gia tư vấn an ninh làm việc với Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại nêu bật : Đó là Mỹ đã để mất đi một cỗ máy tuyên truyền tương tự như định chế Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ - U.S. Information Agency USIA, từng hoạt động rất hiệu quả trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Được tổng thống Dwight Eisenhower thành lập vào năm 1953, cơ quan này đã hoạt động cho đến năm 1999 trong tư cách là một cơ quan tuyên truyền để « tìm hiểu, thông tin và ảnh hưởng đến dư luận ở nước ngoài nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia của nước Mỹ ». Đài phát thanh VOA trước đây thuộc về cơ quan USIA.

Theo ông Clinton Watts, hầu hết các chiến dịch thông tin sai lệch mà Nga tung ra tại Mỹ và châu Âu đều bắt nguồn từ các cơ quan truyền thông do Nhà Nước Nga tài trợ đặc biệt là đài Truyền Hình RT (Russia Today) và cơ quan truyền thông Sputnik News, rồi sau đó được người khác khuếch đại trên mạng Twitter hay các mạng xã hội khác. Trước mối đe dọa đến từ Nga, ông Watts cho rằng chính quyền Mỹ cần phải cấp tốc trang bị các công cụ cần thiết để theo dõi những gì đang diễn ra trên mạng và phản bác kịp thời những thông tin sai lệch.

James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, từng làm việc cho bộ Ngoại Giao, bộ Thương Mại và Quân đội Hoa Kỳ, cũng cho rằng Washington cần phải thay đổi quan điểm về cái gọi là triển khai uy lực Mỹ trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu này đã hóm hỉnh so sánh : « Họ (tức là Nga) thì có RT, còn tất cả những gì người chúng ta thường làm là cử đi một hạm đội tàu sân bay ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.