Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Đã đến lúc phải kiểm soát Facebook

Đăng ngày:

Đã đến lúc phải kiểm soát Facebook, Làm mẹ là cơn ác mộng mà nhiều phụ nữ ở Đức không thể thoát ra được, Liên Hoan phim quốc tế Toronto : nước mắt từ bộ phim « The Birth of the Nation » (Sự ra đời của một dân tộc). Trên đây là những chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày hôm nay.

Israël muốn Facebook gỡ bỏ các bài viết và băng vidéo có chứa từ «Intifada» (tấn công bằng dao).
Israël muốn Facebook gỡ bỏ các bài viết và băng vidéo có chứa từ «Intifada» (tấn công bằng dao). Pixabay
Quảng cáo

Sau sự kiện Facebook kiểm duyệt bức ảnh nổi tiếng thế giới về đề tài chiến tranh Việt Nam mang tên “Em bé Napalm” rồi lại phải gỡ bỏ kiểm duyệt bức ảnh này do vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dư luận quốc tế, kể cả các chính khách, tờ báo Le Monde ra ngày 13/09/2016 đã kêu gọi “Đã tới lúc phải kiểm soát Facebook”. 

Internet đã giết chết các nhà xuất bản và sản xuất văn hóa theo kiểu truyền thống của thế giới thực, nhưng lại sản sinh ra các nhà phát hành văn hóa kiểu mới, đó là Facebook, Youtube hay Netflix. 

Mặc dù lãnh đạo Facebook nói họ chỉ là một công ty về công nghệ chứ không phải nhà xuất bản văn hóa, nhưng Le Monde nhận định trên thực tế mạng xã hội này giữ vai trò của một nhà phát hành văn hóa : Facebook “xuất bản” những gì chúng ta đọc, nhìn và chia sẻ. Facebook sàng lọc, sắp xếp, nâng giá trị và gỡ bỏ các ý kiến hay hình ảnh …

Le Monde nhận xét là việc kiểm duyệt bức ảnh « Em bé Napalm » thực sự gây sốc. Đây không phải là lần đầu tiên và có lẽ cũng không phải lần cuối cùng Facebook gây sốc khi kiểm duyệt những bức ảnh kiểu này. Facebook thì giải thích là đó là do cơ chế kiểm duyệt “tự động”. Le Monde thì đặt câu hỏi về chính sách kiểm duyệt : “Ai kiểm soát Facebook? Ai thẩm tra việc sàng lọc của Facebook và trừng phạt Facebook nếu việc kiểm duyệt của mạng xã hội này không hợp lý ?” Câu trả lời là : Không ai cả.

Nếu như các nhà phát hành văn hóa theo truyền thống phải tuân thủ nhiều quy định và bị kiểm duyệt, chẳng hạn như ở Pháp có Hội Đồng Tối Cao Về Nghe Nhìn (CSA) thì các gã khổng lồ Mỹ nắm trong tay « các nhà xuất bản văn hóa kiểu mới» như Google, Apple, Facebook, Amazon lại thoát ra khỏi tầm kiểm soát của pháp luật.

Chính vì thế, Le Monde khẳng định phải có chính sách văn hóa trong thời đại mà tất cả đều được số hóa. Cần hành động để những bức ảnh mang tính biểu tượng về các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX vẫn mãi là một phần di sản của nhân loại trong tương lai.

Vấn đề kiểm soát Facebook lại càng thu hút được dư luận quốc tế, đặc biệt khi nó liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố trên mạng Internet của chính phủ nhiều nước.

Từ một năm rưỡi nay, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã nhiều lần trao đổi với đại diện của Facebook, Twitter, Google để những trang mạng xã hội và tìm kiếm thông tin này gỡ bỏ những bài viết và băng video kích động khủng bố. Ở Israel, chính phủ đã trình lên Quốc Hội một dự luật nhằm kiểm duyệt các nội dung này. Dự luật này khiến lãnh đạo Facebook lo ngại. Phái đoàn đại diện của tập đoàn này đã đến Israel và đã có buổi trao đổi với hai bộ trưởng nước này vào ngày 12/09.

Từ Jérusalem, thông tín viên RFI Guilhem Delteil cho biết thêm chi tiết :

“Chính phong trào nổi dậy tấn công bằng dao (intifada de couteau) bắt đầu từ cách đây vài tháng đã khiến chính phủ Israel lo ngại về tác động của các bài viết và băng vidéo kích động khủng bố trên các mạng xã hội và các diễn đàn internet.

Chính phủ Israel đặc biệt muốn Facebook gỡ bỏ các vài viết có chứa các từ tiếng Ả Rập có ý nghĩa “tấn công”, “tấn công bằng dao”,“quốc xã”, “tử vì đạo”.

Facebook đã quyết định đáp ứng một số yêu cầu của sảnh sát Israel nhưng dựa trên cơ sở hiến chương của Facebook về quyền tự do ngôn luận. Nhưng những cam kết là chưa đủ đối với bộ trưởng An ninh Israel. Ông đánh giá: “Facebook không có thiện chí muốn gỡ bỏ các nội dung khích động khủng bố”. 

Đối với chính phủ Israel, dự luật kiểm duyệt nội dung này là cần thiết. Theo dự luật này, Tòa hành chính có quyền yêu cầu Facebook gỡ bỏ một số bài viết mà không cần qua xét xử của tòa án. Các thông tin được xếp loại thông tin mật có thể sẽ do nhà nước cung cấp, nhưng không bắt buộc phải thông báo cho Facebook. Do vậy, Facebook cũng không trả lời được những cáo buộc”. Theo Bộ trưởng Tư pháp Israel, đây là “một công cụ nhằm bảo vệ nền dân chủ”. 

Facebook đã có cơ chế kiểm duyệt tự động, vấn đề cấp bách hiện nay là phải có một chính sách, một cơ chế để giám sát việc kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội này, không chỉ nhằm mục đích đảm bảo tự do ngôn luận mà còn phải đảm bảo truyền bá về văn hóa cũng như ngăn ngừa khủng bố.

“Làm mẹ, một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ thoát ra được”

Năm học mới đã bắt đầu được khoảng hai tuần. Những ngày này, câu chuyện của các bậc phụ huynh thường xoay quanh chủ đề việc học hành, các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giải trí … của con cái.

Thế nhưng, trên tờ báo Libération ra ngày 12/09/2016 lại có bài viết với tiêu đề “Làm mẹ, một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ thoát ra được”, nói về một thực trạng tại Đức, một nước mà 40% phụ nữ trên 40 tuổi và có trình độ từ đại học trở lên không sinh con.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố tại Đức vào tháng 07/2016, 20% các bậc phụ huynh được hỏi tỏ ra hối tiếc vì đã sinh con. Cho dù họ rất yêu con cái, họ cho rằng quyết định sinh con là một sai lầm. Nếu được phép lựa chọn lại, họ đều trả lời không muốn có con.

Cuộc tranh luận ở Đức được thổi bùng lên từ sau nghiên cứu của bà Orna Donath, nhà xã hội học người Israel, vào năm 2015. Bà Donath đã phỏng vấn 20 bà mẹ từ 20 đến 70 tuổi. Tất cả đều tuyên bố nếu cho phép họ làm lại, họ sẽ chọn không sinh con. Họ có cảm giác một khi có con, họ không bao giờ còn có thể sống vô lo vô nghĩ như trước đây, kể cả khi con cái đã trưởng thành và ra ở riêng.

Nếu ở Israel, cuộc tranh luận khép lại chỉ sau 1 tuần thì ở Đức, cuộc tranh luận kéo dài đến vài tháng. Rất nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề này đã ra đời, chẳng hạn hai cuốn sách “Lời nói dối về niềm hạnh phúc được làm mẹ” của Sarah Fischer, “Khi làm mẹ không mang lại hạnh phúc” của Christina Mundlos. Kèm theo đó là rất nhiều bài báo, các cuộc tranh luận trên truyền hình và trên trang xã hội Twitter…

Một giáo sư văn học và triết học ở Đức, tác giả của một cuốn sách về cuộc sống của các bà mẹ ở nước này cho biết : “Ở Đức, sinh con và làm mẹ có nghĩa là hy sinh tuyệt đối bản thân”, và cách duy nhất để tránh khỏi sức ép này là không sinh con.

Trên thực tế, ở Đức, bác sĩ nhi khoa khuyến khích các bà mẹ phải cho con bú hoàn toàn và cho con ngủ chung với mẹ đến khi con được 6 tháng tuổi, mẹ phải tự tay chế biến đồ ăn sạch cho con, không được thuê người trông con khi con dưới 1 tuổi và cũng rất khó tìm được người trông con cho đến khi con được 3 tuổi, ... Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, nhà xã hội học Christina Mundlos nhận xét, các yêu cầu dành cho bà mẹ hoặc do các bà mẹ tự đặt ra cho mình nhiều vô cùng. Nào là mẹ phải tự tay làm các đồ chơi hoặc đồ ăn cho con mang đến các sự kiện ở lớp chứ không được mua hàng bán sẵn. Nào là mẹ phải tự nguyện tham gia trông coi thư viện ở trường … Nếu ai không tôn trọng “bộ luật bất thành văn”dành cho các bà mẹ, chẳng hạn như đi làm tất cả các ngày trong tuần, thì sẽ bị giễu cợt bằng cái tên “bà mẹ quạ”.

Nhà xã hội học Barbara Vinken giải thích là trong một xã hội theo đạo Tin Lành như ở Đức, người mẹ là người chữa lành các vết thương của xã hội, không phải nhà thờ mà chính gia đình là nơi chốn của lòng vị tha, nhân từ.

Thế nhưng, cũng theo quan niệm lịch sử, phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con lại bị coi là đòn đáp trả cho chế độ cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trước những áp lực trái chiều như vậy, 50% phụ nữ Đức chọn giải pháp đi làm một nửa thời gian. Đức là 1 trong các nước có tỉ lệ phụ nữ ở nhà làm nội trợ thấp nhất Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OECD.

Nhưng giải pháp tốt nhất để tránh mọi áp lực, ràng buộc khi làm mẹ là không sinh con. Kết quả là Đức là nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỉ lệ phụ nữ trên 40 tuổi, có trình độ từ đại học trở lên nhưng không có con cao nhất thế giới.

Liên Hoan phim quốc tế Toronto : nước mắt từ bộ phim « The Birth of the Nation » (Sự ra đời của một dân tộc)

Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto lần thứ 41 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 18/09. Không trao giải Cành Cọ Vàng như Liên hoan phim quốc tế Cannes hay giải Gấu Vàng như Liên hoan phim quốc tế Berlin, ở Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto chỉ có giải do công chúng bình chọn.

Những tác phẩm điện ảnh hay những diễn viên sáng giá ở Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto thường là những tác phẩm điện ảnh hay những diễn viên “lên ngôi” ở giải Oscar tại Mỹ diễn ra vào cuối năm, chẳng hạn như bộ phim “12 năm nô lệ” “một ngôi sao sáng” tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Toronto 2013, bước vào cuộc đua Oscar với 9 đề cử, và đã đoạt giải Oscar cho bộ phim xuất sắc nhất năm đó. Năm nay, bộ phim « The Birth of the Nation » (tạm dịch là Sự ra đời của một dân tộc) của nhà sản xuất trẻ người Mỹ gốc Phi Nate Parker đã lấy được nhiều cảm xúc và cả nước mắt của khán giả và được dự đoán sẽ tỏa sáng ở giải Oscar.

Từ Toronto, thông tín viên RFI Elisabeth Lequeret cho biết thêm chi tiết:

« The Birth of the Nation » kể về một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện về cuộc đời của Nat Turner, một nô lệ da đen, người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của nô lệ tại Géorgie vào năm 1830. Để kể lại cuộc đời của con người đặc biệt này, một người hùng thực sự của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, Nate Parker không loại trừ bất cứ hiệu ứng nào. Bộ phim của anh đã khơi dậy được tột cùng cung bậc cảm xúc.

« The Birth of the Nation » là « một cú sốc điện ». Cái tên của bộ phim gợi nhắc về bộ phim kinh điển của D.W.Griffith. Khi được công chiếu, cách đây 1 thế kỷ, bộ phim này đã gây ra một vụ tai tiếng về sự kỳ thị vô liêm sỉ.

Khán giả run rẩy và khóc khi xem cảnh sống khốn khổ cùng cực hàng ngày của những người nô lệ ở miền Nam, chẳng hạn, cảnh một cô bé da trắng vừa chạy vừa kéo sợi dây trói một nô lệ, cảnh những người đàn ông bị bóc lột, tra tấn, giết hại, bao nhiêu cuộc đời đã bị phá nát …

Bộ phim của Nate Parker đã được Fox - một hãng phim lớn - mua với giá 17 triệu đô la. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, việc bộ phim được đón nhận nồng nhiệt ở Toronto sẽ giúp nó có cơ hội tỏa sáng ở giải Oscar năm nay.”

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.