Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - QUÂN SỰ

Tàu ngầm đang trở thành lực lượng chủ lực của hải quân thế giới

Phần nào bị xem thường sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, tàu ngầm nay đang trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều nước trên thế giới. Đó là nhận định của một chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Quốc phòng (Center for Strategic and Budgetary Assessments, CSBA).

Mẫu tầu ngầm "Barracuda" của Pháp bán cho Úc.
Mẫu tầu ngầm "Barracuda" của Pháp bán cho Úc. Reuters/DCNS
Quảng cáo

Quân đội của nhiều nước châu Á, của Nga và của Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển, mua và triển khai các tàu ngầm, bởi vì theo lời ông Bryan Clark, thuộc CSBA, các nước này nay nhận thấy rằng những chiến hạm mặt nước hay chiến đấu cơ, dù có tối tân đến đâu cũng khó mà tránh được các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không. Cho nên, hải quân nhiều nước nay tăng cường lực lượng tàu ngầm để tiến hành một số chiến dịch tấn công.

Khi xảy ra chiến sự, tàu ngầm có thể tiêu diệt cả một hạm đội, còn tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Ngoài khả năng quân sự quan trọng, tàu ngầm còn có thể thu thập tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền.

Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở châu Á, vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều chiến đấu cơ tối tân để ngăn chận các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ. Bắc Kinh cũng đã nỗ lực xây dựng một đội tàu ngầm tấn công và nay đang có trong tay 5 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel và 5 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước tình hình đó, các nước châu Á buộc phải tăng cường lực lượng tàu ngầm. Nước Úc gần đây đã ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công Barracuda (loại không chạy bằng năng lượng nguyên tử) của Pháp. Về phần Việt Nam, nước tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông, đã mua 6 chiếc tàu ngầm của Nga và nay đã tiếp nhận 5 chiếc. Nhật Bản thì đang dự trù tăng số tàu ngầm từ 18 chiếc chạy bằng diesel lên 22 chiếc vào năm 2018. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng phát triển lực lượng tàu ngầm của họ.

Ngay cả Hoa Kỳ nay cũng phải xem xét lại thực lực của họ về tàu ngầm. Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris gần đây đã cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng Biển Đông và cho rằng Mỹ cần có thêm tàu ngầm tấn công ở khu vực này. Về phần tướng Philip Breedlove, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, cũng ra lời cảnh báo tương tự về việc Nga những năm gần đây đã phát triển trở lại đội tàu ngầm.

Trước tình hình đó, hải quân Hoa Kỳ dự trù không tiếp tục cắt giảm số tàu ngầm tấn công nguyên tử. Đội tàu ngầm này từ 100 chiếc vào thập niên 1980 nay đã giảm xuống còn 53 chiếc và cứ theo đà này thì đến năm 2029 chỉ còn 40 chiếc.

Tuy số tàu ngầm hạt nhân giảm, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ, bảo đảm thế thượng phong cho đội tàu ngầm của họ. Hải quân Mỹ đang dự trù trang bị cho tàu ngầm lớp Virginia một module đặc biệt mới vào năm 2019 để tàu ngầm này có thể phóng và thu hồi các tàu ngầm không người lái, một phương tiện quân sự được dự báo là sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.