Vào nội dung chính
HOA KỲ - QUỐC TẾ

Washington và những kịch bản đại chiến chống Matxcơva hay Bắc Kinh

Nguyệt san Le Monde Diplomatique, số tháng 9/2016 có một bài viết đặc sắc về chiến lược tái võ trang của Mỹ trước mối đe dọa đến từ hai hướng : Nga và Trung Quốc. Ngay trên trang nhất, tờ báo chạy một tựa lớn nói rõ : « Tại Washington, những kịch bản cho một cuộc xung đột quy mô lớn », ngay bên dưới tiểu tựa « Tái võ trang đối phó với Matxcơva và Bắc Kinh ».

Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa.
Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS/U.S. Department of Defense
Quảng cáo

Theo Michael Klare, giáo sư tại Hampshire College, Amherst (Massachusetts), tác giả bài viết, ba khối quân sự hàng đầu thế giới hiện nay đều đang phô trương cơ bắp : Trung Quốc với chính sách áp đặt sự đã rồi tại Biển Đông, Nga với động thái thôn tính Crimée và gây rối tại miền đông Ukraina, Mỹ và NATO với phản ứng triển khai các đơn vị chiến đấu gần biên giới Nga và thiết lập lá chắn chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu.

Đối với tác giả, quả là « trong giới cầm quyền tại Mátxcơva, Bắc Kinh và Washington, các thành phần diều hâu đang vươn lên trở lại… » và « các chiến lược gia phương Tây không còn loại trừ giả thuyết nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện ».

Mở đầu bài phân tích, giáo sư Klare nêu bật thực tế là trong thời gian gần đây, các vấn đề như cuộc đua vào Nhà Trắng, hậu quả của vụ Brexit, hay cách thức chống khủng bố quốc tế, đã rất thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông và giới chính khách. Thế nhưng các vấn đề này chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong các cuộc trao đổi trong giới tướng lãnh, đô đốc và bộ trưởng quốc phòng.

Điều mà giới này quan tâm không phải là những xung đột với cường độ thấp mà là những điều được họ gọi là « những cuộc chiến tranh mở rộng », những xung đột trên quy mô lớn với các cường quốc hạt nhân như Nga và Trung Quốc. Các chiến lược gia phương Tây đang lên kế hoạch đối phó với một cú sốc mới kiểu này, tương tự như vào thời kỳ gay gắt nhất của cuộc Chiến Tranh Lạnh trước đây.

Kịch bản chống Nga

Đối với giáo sư Klare, chuyển biến về mặt tư duy đó, mà các phương tiện truyền thông không chú ý tới, đã kéo theo những hệ quả nặng nề, bắt đầu bằng tình hình căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, hai bên gờm nhau để sẵn sàng đáp trả nếu bị đối phương tấn công.

Điều đáng lo ngại hơn, theo Le Monde Diplomatique, là nhiều lãnh đạo chính trị đang cho rằng vấn đề không còn là chiến tranh có thể bùng lên hay không nữa, mà là chiến tranh có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Cái nguy hiểm là trong lịch sử, chính suy nghĩ kiểu vừa kể đã dẫn đến những phản ứng quân sự, trong khi mà người ta hoàn toàn có thể dùng đến một giải pháp ngoại giao.

Theo giáo sư Klare, tâm lý hiếu chiến chung đó được thấy qua các báo cáo hay nhận định của các quan chức quân sự phương Tây cấp cao tại các cuộc họp và hội nghị khác nhau mà họ tham gia.

Một báo cáo tóm tắt các quan điểm được trao đổi tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ INSS tổ chức vào năm 2015 ghi rõ : « Trong nhiều năm qua, đối với cả Bruxelles lẫn Washington, Nga không còn là một ưu tiên trong các chương trình quốc phòng. Nhưng trong tương lai, tình hình sẽ không như thế nữa ».

Sau vụ Nga can thiệp vào Crimée và miền đông Ukraina, « nhiều chuyên gia đã cho rằng tình hình xấu đi đến mức chiến tranh có thể bùng lên (...). Đó là lý do tại sao [họ] xét thấy cần thiết phải tập trung sự quan tâm vào khả năng nổ ra xung đột với Mátxcơva ».

Theo giáo sư Klare, các chiến lược gia Mỹ và NATO đã dự trù khả năng chiến tranh bùng lên ở sườn phía đông châu Âu, bao phủ Ba Lan và các nước Baltic, dùng đến các loại vũ khí quy ước công nghệ cao. Chiến sự cũng có thể lan qua vùng bán đảo Scandinavia, và khu vực quanh Hắc Hải, và kéo theo việc dùng đến vũ khí hạt nhân.

Nếu trước đây, kịch bản này chỉ được nghiền ngẫm trong các học viện quân sự và trung tâm tham vấn chiến lược, thì giờ đây, nó đã có dấu hiệu được tiến hành, với quyết định của Mỹ phân bổ lại các khoản chi phí quốc phòng, quan tâm nhiều hơn đến « sự cạnh tranh giữa các đại cường », và khả năng đáp trả « một kẻ thù có tầm cỡ » như Nga và Trung Quốc.

Các quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2016 vừa qua, ít hôm trước loan báo của Luân Đôn về dự án hiện đại hóa các tên lửa hạt nhân Trident phóng đi từ tàu ngầm, đã cho thấy là kịch bản chiến tranh với Nga không còn là lý thuyết nữa.

Kịch bản đối phó với Trung Quốc

Theo giáo sư Klare, ngoài đối thủ là Nga, các chuyên gia phân tích châu Âu và Mỹ cũng thường xuyên nhắc đến chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Khi biến các rạn san hô hay bãi đá ngầm tại vùng Trường Sa thành các hòn đảo nhỏ cho phép đặt các cơ sở quân sự quan trọng, Bắc Kinh đã làm cho Washington vừa bất ngờ, vừa lo ngại, vì Hoa Kỳ thường xem khu vực này là « cái hồ của Mỹ ».

Đối với giáo sư Klare, phương Tây đã sửng sốt trước uy lực quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Hoa Kỳ vẫn có ưu thế trên không và trên biển trong khu vực, nhưng tính chất táo bạo trong các động thái của Bắc Kinh đã cho thấy là Trung Quốc đang trở thành một đối thủ không thể coi thường.

Các chiến lược gia Mỹ do vậy đã thấy rằng không còn con đường nào khác là duy trì một ưu thế công nghệ vượt trội để ngăn không cho các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng làm hại đến các quyền lợi của Hoa Kỳ.

Và điều đó giải thích vì sao gần đây những lời cảnh báo về nguy cơ chiến tranh trên quy mô lớn thường xuyên được nhắc đi nhắc lại để biện minh cho những chi tiêu bổ sung vào việc trang bị cho quân đội những loại vũ khí cực kỳ tối tân, có khả năng đương cự với « một kẻ thù tầm cỡ ».

Giáo sư Klare đã nêu bật hai ví dụ : Lầu Năm Góc sẽ mua thêm một loạt tầu ngầm nguyên tử tấn công lớp Virginia, và các khu trục hạm tối tân lớp Burke để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD thuộc loại tiên tiến nhất của mình trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trên danh nghĩa, hệ thống này nhắm vào Bắc Triều Tiên, nhưng người ta có thể xem đấy là một mối đe dọa nhắm vào Trung Quốc.

Pháp : Cuộc chạy đua điên rồ theo thành tích học tập

Nhân ngày tựu trường sắp đến, L’Obs đã dành một hồ sơ dài cả 15 trang, nhìn từ Pháp sang Hàn Quốc về bối cảnh học đường, và nhìn thấy ở đâu cũng là « sức ép và cuộc chạy đua điên rồ » (về thành tích), tựa lớn của hồ sơ ở trang trong.

Nhận xét về bối cảnh chung, L’Obs nhìn thấy là « từ mẫu giáo cho đến các lớp trên, sức ép học đường đè nặng lên mọi người - học sinh, cha mẹ, thầy cô giáo - làm các buổi tối họp mặt gia đình trở thành nặng nề, không kể nào là đau bụng, nhức đầu, khó ngủ ». L’Obs cũng nêu câu hỏi : Sức ép này sẽ tác hại đến đâu và làm thế nào để đối phó ? Tình trạng stress ở học đường đã trở thành một căn bệnh thời đại, mà hơn thế nữa, nó còn là một dịch bệnh.

Về nguyên nhân của sức ép, theo L’Obs, đó là điều mà ai cũng biết : Do nỗi lo sợ không có chỗ đứng tốt trong xã hội, do cạnh tranh năng lực gắt gao, do chuyên môn toàn cầu hóa, đã nẩy sinh tâm lý muốn có điểm tốt, lên lớp trên chưa đủ mà còn phải hơn người bên cạnh.

Trước « căn bệnh » này L’Obs cho là sai sót, thất bại trong hệ thống giáo dục khiến bệnh trầm trọng thêm. Thế nhưng tạp chí cũng bực tức trước tình trạng học vấn đang trở nên một thị trường, sở dĩ con « virus » phát triển, đó cũng là vì nó được những « con buôn » khai thác, « nuôi dưỡng », rao bán nào là « hỗ trợ học vấn », « dạy kèm ». Tại Paris, theo L’Obs, 2 học sinh trung học trên 3 đều đi học thêm.

Tạp chí kết luận : đây là một cái vòng lẩn quẩn, một cuộc chạy đua điên rồ, cha mẹ thì phải đổ tiền, còn con cái thì phờ phạc, sinh bệnh. Đã đến lúc phải thoát ra khỏi tình trạng này. Vấn đề là thoát ra như thế nào ?

Hàn Quốc : Mặt trái của vị trí đứng đầu về học vấn

Vấn đề học tư, nào phải chỉ có Pháp ! Ở Pháp thị trường « hỗ trợ » học tập là khoảng 2 tỷ euro/năm, và chỉ riêng Paris 75% học sinh trung học đều học tư. Các nước khác cũng không thua kém, ví dụ như Úc, thị trường học tư này trị giá 6 tỷ đô la, tăng 40% trong 5 năm gần đây. Về số học sinh học tư thêm, thì Luân Đôn có 37%. Nhưng dẫn đầu vẫn là ở Châu Á, 80% học sinh ở Hàn Quốc, 65% ở Nhật Bản.

L’Obs đi quan sát hệ thống giáo dục Hàn Quốc mà theo bảng xếp hạng Pisa của OCDE, thuộc vào loại tốt nhất thế giới.

Tạp chí cũng kinh ngạc trước mức độ stress mà các em phải chịu khi phải học đến 60 tiết /tuần. Đứa trẻ chỉ độ mươi tuổi đầu thôi, nhưng đã bị cha mẹ đặt kỳ vọng rất cao, như một bà mẹ giải thích : « Tôi muốn con gái tôi vào những trường đại học nổi tiếng như Harvard, tôi luôn mơ ước điều đó ». Sức ép đè nặng lên Yun, cô con gái 10 tuổi, không bao giờ được đi ngủ trước 22 giờ, hết học tư lúc 21g, nhưng còn phải thức làm bài tập, cho lớp ở trường và cho cả lớp học tư. Chỉ có Chủ nhật là được rảnh một chút.

Thông lệ đối với các em là khi lớp học ở trường chính kết thúc, là phải bắt đầu ngay lớp học tư ở trường thứ hai. Chế độ ăn uống bị ảnh hưởng : thường chỉ cần một mẩu bánh mì kẹp thịt là xong. Phóng viên của L’Obs phải ngạc nhiên trước cảnh các chiếc xe buýt màu vàng đưa học sinh đi về rất trễ, và cũng rất lấy làm lạ là ở tiểu học các em không có giờ chơi.

Kết quả là Hàn Quốc chiếm đầu bảng Pisa, trong lúc mà những nước như Mỹ, Pháp lại tuột phía sau ở những hạng 20. Bài báo cũng trích lời tổng thống Obama muốn noi theo mô hình Hàn Quốc, có điều người Hàn Quốc ý thức được tình hình, cho là tổng thống Mỹ đã không thấy mặt trái.

Trên các chiếc xe buýt có những lời khuyên làm cho phóng viên của L’Obs cho là ngu xuẩn, như « hãy bắt các em làm việc cho đến mệt nhoài ».

Ở trung học dĩ nhiên giờ giấc còn khắc nghiệt hơn, 22 giờ mới được ra khỏi trường. Có những quảng cáo xem giấc ngủ là kẻ thù của các em, nhất là gần lúc thi.

Theo L’Obs, chính quyền Seoul đã cố quy định giờ giấc đối với các lớp học tư : Cấm các lớp học sau 22 giờ, và có đội tuần tra để buộc tuân theo quy định, nhưng nhiều nơi vẫn không tuân theo, kéo màn che để học sinh học thêm.

Quá trình như thế không khỏi để lại dấu ấn : Gitae, 28 tuổi, khi nhìn lại thì cho đấy là một « cuộc sống ngu xuẩn, mục đích của trường học là để học sinh quen dần với việc đi vào khuôn khổ và câm miệng ».

Nhật Bản chống kỳ thị

Về Châu Á tuần này, tạp chí Courrier International chú ý đến Nhật Bản, với dòng tựa : « Nhật Bản, viên gạch đầu tiên chống kỳ thị » và giải thích bên dưới : Một nghị định triển khai luật mới chống những phát biểu mang tính thù hận nhắm vào một số cộng đồng thiểu số, đặc biệt là Triều Tiên, bắt đầu có hiệu quả răn đe. Trước đây chưa bao giờ có một biện pháp như thế.

Courrier International đã trích bài báo trên tờ Mainichi Shimbum (Tokyo), trở lại sự kiện ngày 01/07/2016, tức là hơn một tháng sau khi luật cấm phát biểu có tính cách thù hận có hiệu lực, thành phố Osaka đã ra một chỉ thị áp dụng.

Kết quả là một nhóm muốn tổ chức biểu tình trước tòa thị chính sau đó đã phải cảnh giác, và đề ra một số lời căn dặn như « đừng đến với những biểu ngữ, hay tấm biển với lời lẽ quá kích động » hay « cấm vẽ chữ thập Đức Quốc Xã ». Nhưng do trời mưa, cuộc biểu tình bị hủy bỏ và không ai biết những người này muốn nói gì.

Nhưng dẫu sao, theo một người gốc Triều Tiên ở Osaka, Moon Kong-Hwi thì tình hình đã được cải thiện sau đạo luật : Nếu trong cuộc biểu tình có người bài thị người Triều Tiên một cách rõ rệt, thì ban tổ chức can thiệp ngay. Ngoài ra số lượng các cuộc biểu tình cũng đã giảm đi.

Không chỉ tại Osaka mà những cuộc biểu tình mang tính kỳ thị xẩy ra khá thường xuyên, mà ngay cả ở Tokyo cũng vậy, những cuộc biểu tình đã tăng hẳn so với năm ngoái. Có điều là trong các cuộc biểu tình mùa hè này, giọng điệu đã ôn hòa hơn : Những biểu ngữ kêu gọi « đoạn giao với Hàn Quốc » đã thay thế những tấm biển mang lời thóa mạ trước đây.

Ngay cả cảnh sát cũng thay đổi thái độ, thay vì nhắm mắt làm ngơ như trước đây, giờ đây họ cũng can thiệp, không cho đoàn biểu tình đi qua những nơi nhạy cảm hoặc bị cấm vì vấn đề an ninh.

Để tôn trọng quyền tự do ngôn luận, luật không mang tính cưỡng hành, nhưng buộc chính quyền phải bảo vệ nạn nhân của các hành vi kỳ thị và làm cho dân chúng ý thức vấn đề.

Theo bài báo các nơi khác đang chờ xem việc thực hiện quy định ở Osaka có kết quả ra sao, trước khi đi theo. Ở Kawasaki, chính quyền thành phố do dự, vì sau khi ngăn cản người biểu tình vào công viên ở đấy, thì có tin là họ sẽ kiện thành phố về thái độ « kỳ thị » đối với người Nhật !

Pavlenski, nghệ sĩ Nga "bất khuất"

Tạp chí L’Express tuần này chú ý đến giới nghệ sĩ Nga, và dành cả 5 trang giới thiệu nghệ sĩ « Pavlenski, kẻ bất khuất ». Tạp chí Pháp nhìn thấy là từ khi Boris Nemtsov bị ám sát vào năm ngoái (2015), phe đối lập bị khóa miệng, những người cuối cùng hiện nay mang lời nói tự do hiện nay ở xứ sở của ông Putin là giới nghệ sĩ. Điển hình là Pavlenski, mà thái độ triệt để đang làm chính quyền Nga bối rối.

Tự nhận là người thừa kế phong trào « nghệ thuật hành động » (actionnisme) của Áo vào những năm 70, Pavlenski đã sử dụng động tác cũng như thân thể của mình để biểu hiện sự phản kháng. Hành động ngoạn mục gần đây nhất của nghệ sĩ 32 tuổi này diễn ra vào tháng 11/2015.

Bài báo kể lại : 1 giờ sáng, trong thời tiết lạnh giá của Matxcơva, Pavlenski, tay xách một can xăng, tiến đến cửa một cơ quan đồ sộ ở trung tâm thủ đô, gần nhà hát bolchoi. Ông chăm chú đổ xăng lên cánh cửa, bật lửa đốt và đứng đợi công an đến bắt. Chỉ 17 giây sau thôi là công an đã ập đến. Điều này không lạ, vì cơ quan bị đốt cửa là trụ sở của FSB - tức KGB cũ – cơ quan mật vụ của Nga.

Các nhà nhiếp ảnh, và làm video đã nhanh chóng ghi lại ảnh của Pavlenski giống như nhân vật quỷ sứ Méphisto đứng trước cửa « địa ngục » bốc lửa và ảnh đã truyền lan trên mạng. Pavlenski bị giam giữ 7 tháng.

Pavlenski phải nói là đã có những hành động rất triệt để, hành hạ không nương tay thân xác của mình để biến nó thành hình tượng nghệ thuât tố cáo những sai trái chính yếu của chính quyền.

Năm 2012, anh đã tự may miệng lại, nhân phiên tòa xét xử nhóm ca sĩ Pussy Riot, bị bắt vì đã dám hát một bài ca chống Putin trong nhà thờ ở Matxcơva ; trong cơn lạnh giá tháng 11/2013, anh để người trần trụi ngồi giữa Quảng Trường Đỏ để tố cáo sự thờ ơ của xã hội Nga quen ngồi trước truyền hình, mà không có phản ứng trước những diễn biến chính trị.

Cũng năm 2013, anh cũng quấn dây kẽm gai quanh thân thể trần trụi của mình tạo thành tác phẩm « rào kẽm gai quây nhốt con người », để phản đối 2 đạo luật chống đồng tính và xúc phạm tín ngưỡng Pavlenski, theo bài viết, rất được kính nể, không riêng gì trong giới nghệ sĩ, trí thức, mà ngay cả trong ngành Tư pháp Nga.

Vì hành động đốt cửa cơ quan FSB, Pavlenski bị nhốt 7 tháng, bị phạt 8 200 euro, dĩ nhiên là ông không trả. Đó tuy nhiên là một bản án vô cùng khoan hồng, vì tội đó dễ dàng bị 10 năm lao động khổ sai.

Theo tác giả bài báo, chi tiết trên cũng phản ảnh thái độ bối rối của Tư pháp Nga, không muốn biến Pavlenski thành một người « tử vì đạo ».

Chủ đề trang bìa tuần báo Pháp

Các tạp chí tuần đầu tháng 9 này, tức sau hai tháng hè, đã trở lại với những chủ đề thiết thực hơn hoặc mang tính thời sự trước mắt.

L’Express chú trọng đến giá nhà ở trồi sụt như thế nào, trong lúc L’Obs, dưới tựa đề « Con người vội vã », đã nói về sự kiện bộ trưởng Kinh Tế Pháp trẻ tuổi là ông Macron đã từ chức để tập trung vào chính trị, một sự kiện làm dấy lên tranh luận sôi nổi trên chính trường Pháp.

Và nhân dịp tựu trường, tạp chí L’Obs cũng dành một hàng tựa trên cùng trang bìa, giới thiệu hồ sơ dài : « Stress ở trường học ».

Riêng Le Point chạy một hàng tựa có vẻ vô tâm : « Thây kệ, con cái mình sẽ trả giá ! ». Tuần báo giới thiệu hai quyển sách của François Lenglet và Louis Chauvel về các điểm yếu kinh tế Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.