Vào nội dung chính
NGA - VIỄN ĐÔNG

Vladivostok : Cuộc “viễn chinh” dang dở của tổng thống Putin

Thành phố Vladivostok (Nga), nằm sát biên giới với Trung Quốc, cách Tokyo chưa đến 1.000 km và Seoul chừng 800 km nhưng cách Matxcơva đến hơn 8 giờ đi máy bay. Từ bốn năm nay, thành phố nằm ở vùng viễn đông Primorsky Krai (vùng Primorye) được tổng thống Vladimir Putin nâng lên hàng chiến lược và không ngừng củng cố thành trì thuộc một trong những vùng được đánh giá là năng động nhất thế giới.

Lễ khánh thành một cây cầu treo bắc qua vịnh Sừng Vàng (Zolotoi Rog) ngày 11/08/2012 tại Vladivostok.
Lễ khánh thành một cây cầu treo bắc qua vịnh Sừng Vàng (Zolotoi Rog) ngày 11/08/2012 tại Vladivostok. Reuters/Yuri Maltsev
Quảng cáo

Thế nhưng, theo phóng sự của nhật báo Le Monde (ngày 01/08/2016), bốn năm kể từ khi những công trình đồ sộ được xây dựng nhân dịp thượng đỉnh kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cảnh quan Vladivostok bị biến đổi, nhiều công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Thành phố gặp khó khăn do đồng rúp mất giá và nền kinh tế Nga trong “tình trạng đình trệ”.

Thành phố cấm người nước ngoài đến tận năm 1991

Hai cây cầu treo tuyệt đẹp bắc qua vịnh Zolotoi Rog (Sừng Vàng) được hoàn tất vào năm 2012 và trở thành biểu tượng hiện đại của thành phố. Tiếp theo là một trường đại học tiên tiến được xây trên đảo Rousski, một nhà hát, rồi đến các khách sạn… với tổng trị giá các công trình lên đến 15 tỉ euro.

Từ đó, theo đánh giá của tổng biên tập báo Novaia Gazeta, ông Andrei Ostrovski : “Vladivostok là thành phố đắt đỏ thứ ba tại Nga, chỉ sau Matxcơva và Saint-Peterburg. Hơn nữa, Vladivostok nằm trong số những nơi ưa thích của Putin”. Vào đầu tháng 09/2016, một diễn đàn kinh tế khác, với sự tham gia của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sẽ lại được tổ chức tại thành phố Vladivostok. Thế nhưng, cục diện đã thay đổi : hòn ngọc Viễn Đông của tổng thống Putin vẫn là một công trường dang dở.

Rất nhiều người Nga không biết đến vùng đất này vì ở quá xa. Phải đến tận năm 2002, tổng thống Nga mới đến đây cùng gia đình lần đầu tiên. Vladivostok cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt huyền thoại Xuyên Siberia, được hoàn tất vào năm 1916. Đây cũng là thành trì cuối cùng mà các đảng viên Bolshevik chiếm được vào năm 1922. Sau đó, thành phố trở thành nhà ga để phân loại tù nhân được đưa đến những trại lao cải ở Viễn Đông.

Cho đến năm 1991, Vladivostok vẫn còn cấm người nước ngoài, song hiện giờ thành phố đang cố bắt kịp thời đại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân địa phương tự nhập khẩu ồ ạt ô tô của Nhật Bản và Hàn Quốc. Cơn sốt này chỉ giảm bớt từ năm 2008 khi chế độ đánh thuế xe hơi được tái lập.

Trong những năm gần đây, do “nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn bất ổn”, do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên hàng loạt công ty tại Vladivostok bị phá sản. Theo tổng kết của phó thống đốc Ousolsev với nhật báo Le Monde, có tổng cộng 4.000 công ty, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, buộc phải đóng cửa trong năm 2015. Ngược lại, “các thương nghiệp nhỏ” lại có cơ hội phát triển. Bà Marina Kouzmenko, giám đốc phòng phát triển kinh tế Vladivostok, cho biết : 60% dân số sống nhờ lĩnh vực này, trong khi con số này chỉ chiếm khoảng 40% vào năm 2010.

Ngành kinh doanh nhỏ” giúp xã hội duy trì được thói quen “tự cung tự cấp”. Thực vậy, trong năm 2015, ngân sách liên bang đã cắt giảm 30% phần đóng góp, còn năm 2016 vẫn chưa rõ tỉ lệ sẽ giảm thêm bao nhiêu. Dĩ nhiên, khu vực cảng biển, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, vẫn là đơn vị chính sử dụng nguồn nhân lực của thành phố. Thế nhưng, hiện cảng này không có khả năng cạnh tranh với những “quái vật” châu Á xung quanh Vladivostok.

Dù vậy, nhiều dự án mới mở rộng cảng khiến giáo sư sinh học Vladimir Rakov, giảng dạy tại đại học Rousski, lo ngại : “Nhiều kè mới được xây một cách vô ích, không một con tầu nào neo đậu tại đây, thậm chí cá cũng thay đổi hướng đi và rất nhiều loài cá bị biến mất, trong đó có cá trích Thái Bình Dương”. Ông cũng lấy làm tiếc là “một phần vịnh Possiet, được xếp là khu bảo tồn thiên nhiên, cuối cùng đã phải nhường chỗ cho dự án cảng biển trên. Chúng tôi đã kiện, nhưng nước được cho là thuộc quyền sở hữu của liên bang. Thậm chí, nguồn hải sản cũng thuộc quyền sở hữu của Matxcơva”.

Nghĩa địa tầu thuyền cũng bị che dấu. Xung quanh đảo Rousski, bất kì vật gì nhô khỏi mặt nước đã được tháo dỡ vào năm 2012 khi bắt đầu dự án xây dựng khổng lồ. Tuy nhiên, những vỏ tầu đầy rỉ sét từ thời Liên Xô vẫn chìm sâu dưới đáy biển Nhật Bản. Giáo sư Rakov nhận xét : “Chi phí để kéo những còn tầu đó lên quá đắt và một số thì không thể đụng đến được vì chúng vẫn còn ngư lôi. Nếu người ta dịch chuyển những con tầu đó thì có thể chúng sẽ nổ tung”.

Con đường dẫn đến châu Âu

Lo ngại trước những dự án mang quy mô lớn của Bắc Kinh liên quan đến “con đường tơ lụa mới” nối Trung Quốc với Tây Âu qua ngả Kazakhstan, Matxcơca tìm cách ngăn cản công trường có thể sẽ khiến bản đồ địa lý trong vùng thay đổi.

Sau hơn 8 năm yêu cầu, cuối cùng chính quyền vùng Primorye đã có được một đạo luật về cảng tự do, được thông qua vào năm 2015. Đạo luật này hạn chế đánh thuế doanh nghiệp ở mức 5% trong vòng 5 năm, đồng thời miễn thị thực cho người nước ngoài trong vòng 8 ngày.

Phó thống đốc Ousoltsev nhớ lại: “Tháng 05/2015, trong chuyến công du Matxcơva của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Vladimir Putin bày tỏ mong muốn tận dụng được làn gió Trung Quốc để thổi cánh buồn kinh tế Nga”. Ông vui mừng vì chỉ riêng “7 điểm trao đổi” với Trung Quốc đã giúp vùng Primorye đạt được 50% tổng doanh thu, tăng gần gấp hai lần so với năm 2000. Bất chấp những bài diễn văn nhiệt huyết của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga về sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi giữa hai nước, hiện vẫn chưa có kết quả cụ thể nào về mặt đầu tư.

Thành phố casino

Chỉ cách một giờ đi đường, một công trình bóng loáng rộng 4.000 mét vuông mang tên “Con hổ pha lê” thuộc quyền sở hữu của Laurence Ho, một doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc sống tại Hồng Kông, đồng thời là chủ một sòng bạc tại Macao. Ông Eric Landheer, phó giám đốc phụ trách marketing, cho biết : “Dĩ nhiên, đây là một dự án khiêm tốn so với ở Macao, nhưng với vị trị địa lý lý tưởng, gần Nhật Bản, Hàn Quốc và đông bắc Trung Quốc, ông Laurence Ho sẽ còn tiếp tục được hưởng thế độc quyền trong tương lai gần, trong khi chờ đợi khu vực giải trí được phát triển”.

Với vài chục sòng bài và vài trăm máy xu, casino Primorye, mở cửa từ tháng 11/2015, là một trong số ba sòng bạc được phép hoạt động tại Nga, trong đó có một casino ở Sotchi. Những sân golf, một thủy cung và thậm chí một câu lạc bộ du thuyền nằm trong dự án ngốn 2 tỉ đô la của tỉ phú Ho và ba chủ đầu tư khác. Song cho đến giờ, dự án này vẫn nằm trên giấy.

Ngoài ra sẽ còn có nhiều trục đường giao thống nối vùng Primorye với “con đường tơ lụa mới”. “Primorye 3”, một con đường nằm sát biên giới sẽ băng qua vịnh Tình Yêu (Amur Bay), vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Trong khi đó, hai dự án còn lại hợp tác với Trung Quốc, vẫn chưa được thực hiện.

Trước khi trở thành khu vực thu hút đầu tư, vùng Primorye và thành phố Vladivostok là nơi nghỉ mát của du khách Trung Quốc. Kể từ thượng đỉnh năm 2012, số lượng người Trung Quốc sang Vladivostok đã tăng gấp ba lần, theo nhận xét của bà Inna Titenko, giám đốc công ty lữ hành Lucky Tours.

Từ nay, Kremlin tập trung phát triển hình ảnh một Vladivostok như là chặng đầu tiên trên con đường dẫn đến châu Âu đi theo mô hình thành phố Saint-Petersbourg mang đậm chất tây phương và cũng là quê hương của tổng thống Putin

Khoảng cách xa xôi không ngăn cản được Matxcơva kiểm soát chặt chẽ những vùng đất ở Viễn Đông, đôi khi bị nghi ngờ là “ly khai kinh tế”. Đầu tháng 06/2016, thị trưởng Vladivostok, ông Igor Pouchkarev, đã bị quân đội áp giải đến thủ đô và bị tạm giam tại nhà tù Lefortovo. Chính quyền trung ương cáo buộc Igor Pouchkarev, xuất thân trong một gia đình giầu có và sở hữu toàn bộ ngành công nghiệp xi-măng từ hồ Baikal đến vùng Siberia, đã lạm dụng quyền lực và tham nhũng lên đến 160 triệu rúp (2,3 triệu đô la). Từ 20 năm nay, chưa một người tiền nhiệm nào hoàn thành nhiệm kỳ của họ, một sự kiện được gọi là “lời nguyền của các thị trưởng Vladivostok”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.