Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

« Brexit » : Vương quốc Liên Hiệp Anh có nguy cơ tan rã ?

Đăng ngày:

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm 23/6/2016, phe ủng hộ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã thắng thế với hậu quả là gây thêm căng thẳng ngay trong lòng vương quốc Anh. Bên ngoài, thì Anh Quốc bị Liên Hiệp Châu Âu hối thúc mở các cuộc đàm phán cho việc ra đi. Còn bên trong, Luân Đôn phải đối mặt với những khát vọng độc lập của Scotland, cũng như là Bắc Ailen. Đó là những quốc gia yêu thích Liên Hiệp Châu Âu, đang có nguy cơ bị tách rời khỏi Liên Hiệp trái với ý muốn của họ, bởi vì đây là hai xứ sở bỏ phiếu ở lại với Liên Hiệp Châu Âu đông nhất.

Đông đảo người dân xứ Scotland bỏ phiếu "ở lại" Liên Hiệp Châu Âu.
Đông đảo người dân xứ Scotland bỏ phiếu "ở lại" Liên Hiệp Châu Âu. ADRIAN DENNIS / AFP
Quảng cáo

Tính thống nhất của vương quốc Anh bị đe dọa, đó chính là một hệ quả khác của « Brexit ». Một vương quốc phải trải qua đến hàng trăm năm binh biến, các cuộc chinh phục đẫm máu, thăng trầm mới có được một hình dạng như ngày hôm nay : Vương quốc Thống nhất Anh và Bắc Ailen, tên chính thức của vương quốc Anh, quy tụ 4 xứ : Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ailen.

03:13

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:

Theo như giải thích của ông Sơn Trần, một trí thức Việt Nam sống lâu năm tại Luân Đôn, với việc tôn trọng hai cơ chế vận hành song song với nhau : trung ương tập quyền (ngoại giao quân sự, kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội) và địa phương phân quyền (giáo dục, kinh tế vi mô, phát triển đô thị địa phương..), vốn dĩ không bao giờ đi trái với luật chung của toàn vương quốc nên nền dân chủ của vương quốc Anh rất bền vững.

00:44

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:

Căn cứ vào hai cơ chế này, bốn xứ có cách thức tổ chức chính phủ riêng của mình. Ngoại trừ xứ Anh là không có chính phủ riêng mà hoạt động tuân theo nghị viện chung của cả vương quốc, còn lại mỗi xứ khác đều có nghị viện và chính phủ riêng của mình do dân bầu.

02:22

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:

Cơ hội độc lập cho Scotland ?

Trên bình diện địa lý, vấn đề ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã chia vương quốc Anh thành hai phe đối lập giữa một bên là Scotland, Bắc Ailen, phía tây xứ Wales cộng với một vài thành phố lớn với những phần còn lại của vương quốc.

Nhất là tại Scotland, đông đảo người dân xứ này (62%) so với tỷ lệ 48% trên toàn thể vương quốc đã bỏ phiếu ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả là nữ thủ hiến xứ Scotland, ngay ngày hôm sau của cuộc trưng cầu dân ý (diễn ra ngày thứ Năm 23/06/2016), bà Nicola Sturgeon đã có những tuyên bố long trọng và mạnh mẽ : « Nếu như Scotland bị rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trái với ý muốn của chúng tôi, về mặt dân chủ, đây là điều không thể chấp nhận được ».

Bên cạnh đó, nữ thủ tướng còn gợi nhắc đến khả năng mở một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập để Scotland có thể ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên về điểm này, bà Pauline Schnapper, giáo sư về Lịch sử Văn Minh Anh quốc đương đại tại Đại học Sorbonne Nouvelle-Paris 3, trên đài phát thanh RFI có lưu ý là Scotland vẫn chưa hội đủ điều kiện thuận lợi để có thể tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý cho độc lập.

« Trước hết, theo nguyên tắc, đương nhiên phải được Luân Đôn đồng ý để tổ chức trưng cầu dân ý. Nhưng giả như Scotland cứ làm ngơ và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, mà không có giá trị hiến pháp nhưng lại mang một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, thì điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn với Luân Đôn ».

Nhưng đối với ông Richard Davis, giáo sư về Văn minh Anh quốc tại đại học Lille, vấn đề độc lập của Scotland đã được đề cập đến từ nhiều năm nay. Tuy đã từng bị người dân bác bỏ một lần trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cách đây hai năm, nhưng theo ông Richard Davis, câu hỏi này sớm muộn gì cũng được nhắc lại và thắng lợi của phe Brexit đang mang đến một cơ hội mới cho Scotland, nhất là đảng chính trị theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc SNP của nữ thủ tướng Nicola Strurgeon.

« Bởi vì trong dài hạn và từ lâu nay, người dân xứ Scotland càng ngày càng cảm thấy mình ít là công dân vương quốc Anh hơn, càng ngày càng ít gần gũi với nước Anh hơn. Dần dần họ hướng về một dạng độc lập (…) Tôi nghĩ là một kiểu tự trị và đương nhiên là một nền độc lập ».

Quả thật, ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, một cuộc thăm dò tại Scotland cho thấy cứ 10 người được hỏi có đến 6 người khẳng định thấy gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu, mang nhiều bản sắc Liên Hiệp hơn là Anh quốc.

Dù vậy bà Pauline Schnapper vẫn tỏ ra cẩn trọng cho rằng các con số đưa ra được thực hiện vào lúc đầy cảm xúc nhất. Kinh tế Scotland đã có những biến đổi kể từ hai năm nay do giá dầu thô giảm.

Do đó, theo bà, « những người đòi độc lập sẽ rất khó mà giải thích về mặt kinh tế liệu Scotland có thể tồn tại được nếu có độc lập. Sự lệ thuộc kinh tế vào Anh rất là lớn. Vì thế, lựa chọn mà người dân xứ Scotland phải đưa ra đó là liệu họ có chắc là một mình trở nên thịnh vượng hơn khi ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, hay là tốt hơn hết nên duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Luân Đôn. Điều này vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra câu trả lời ».

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này, trong giả thuyết Scotland chọn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc thì đi ra và không còn là thành viên của thị trường chung châu Âu nữa, câu hỏi đặt ra chuyện gì sẽ xảy ra ? Đây là một câu hỏi khó vẫn chưa có câu trả lời.

Và nếu như giữa Scotland và nước Anh sẽ thiết lập lại một đường biên giới chung, theo bà Pauline Schnapper, điều đó rất có thể sẽ gây ra nhiều phiền toái. Thứ nhất là trong việc tự do lưu thông cũng như là luân chuyển tài sản. Kế đến đó còn là vấn đề văn hóa giữa hai xứ với nhau.

« Có rất nhiều người Scotland sinh sống tại Anh cũng như là nhiều người Anh có người thân tại Scotland. Giữa hai xứ có một mối liên hệ rất sâu đậm. Do đó, việc hình thành một đường biên giới có thể sẽ là một sự xáo trộn rất quan trọng ».

Một Bắc Ailen bất ổn về kinh tế - chính trị ?

Không chỉ có nguy cơ mất Scotland, vương quốc Anh còn có thể phải đối mặt với việc thống nhất Ailen. Gần 56% trong số 1,2 triệu cử tri xứ Bắc Ailen đã chọn “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu. Sinn Fein, một chính đảng theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý cho một nước Ailen thống nhất. Câu hỏi đặt ra nếu như Bắc Ailen vẫn bị ở lại trong vương quốc Anh, thì hậu quả sẽ như thế nào ? Trong bối cảnh này, Bắc Ailen sẽ có nguy cơ gặp những rủi ro gì?

Vẫn theo bà Pauline Schnapper, Brexit phản ảnh rõ nét sự phân hóa sâu sắc về tôn giáo trong lòng xã hội Bắc Ailen. Phần đông cộng đồng người theo đạo Công giáo đã bỏ phiếu cho việc “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu. Còn những người theo đạo Tin Lành thì bị phân chia giữa những người Tin Lành hiếu hòa ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đảng cầm quyền DUP, Đảng Hợp nhất Dân chủ, cũng theo Tin Lành nhưng ủng hộ Brexit. Điều này được giải thích bằng một lẽ là “Thỏa thuận hòa bình có được tại Bắc Ailen là nhờ vào sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu”, theo như giải thích của bà Pauline Schnapper.

Điều đó giải thích trường hợp cá biệt về Bắc Ailen. Đặc biệt là về thỏa thuận hòa bình năm 1998, được ký kết trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Và như vậy Liên Hiệp chính là một dạng đảm bảo cho hòa bình. Đây cũng chính là điểm gây lo ngại cho người dân xứ Bắc Ailen. Nếu như họ bị rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trái với ý muốn, vấn đề ổn định đất nước đang là một thách thức lớn. Đó là chưa tính đến mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen ở phía nam, trên nguyên tắc là không có đường biên giới chung”.

Ông Richard Davis còn lưu ý thêm là : “Quả thật Bắc Ailen là khu vực nhận được rất nhiều hỗ trợ tài chính từ Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như Vương quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp, Bắc Ailen sẽ bị mất nguồn hỗ trợ này. Do đó, Brexit vừa là vấn đề chính trị, có từ lâu đời vừa là kinh tế. Có thể nói là tình hình Bắc Ailen rất là rối ren và đáng lo.”

Hôm qua thứ Tư 29/06/2016, hàng ngàn người dân Scotland đã tụ tập trước Nghị viện nước này tại Edimbourg, để nhắc lại nguyện vọng của mình muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Brexit, điều này đã làm cho tim tôi tan nát, cứ như là ai đó đã lấy mất một phần trong tôi”, như lời thổ lộ nghẹn ngào của anh John Rhodes, một trong những phát ngôn viên của Youth European Movement, phong trào dân sự tổ chức cuộc tụ tập hôm qua.

Một tuần sau vụ Brexit, hơn bao giờ hết người dân xứ Scotland giờ “có cảm giác đã bị nước Anh phản bội”, như hàng tựa nhận định đăng trên trang mạng Libération ngày 29/06/2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.