Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

« Hậu Brexit » và tình cảnh người nhập cư

Đăng ngày:

Ngày 23/06/2016, đa số cử tri Anh đã chọn phương án ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit). Nhập cư là một trọng tâm của chiến dịch trưng cầu dân ý. Chủ trương ngăn chặn dòng người nhập cư từ châu Âu của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa thu hút được nhiều ủng hộ của cử tri. Số phận người nhập cư ra sao với giai đoạn « hậu Brexit » là chủ đề chính của Tạp chí Xã hội của RFI tuần này.

Áp phích của lãnh đạo đảng Ukip, tuyên truyền ngăn chặn dòng người nhập cư, bị lên án là "kỳ thị chủng tộc". Áp phích được công bố ngày 16/06/2016, ít ngày trước trưng cầu dân ý.
Áp phích của lãnh đạo đảng Ukip, tuyên truyền ngăn chặn dòng người nhập cư, bị lên án là "kỳ thị chủng tộc". Áp phích được công bố ngày 16/06/2016, ít ngày trước trưng cầu dân ý. REUTERS - Stefan Wermuth
Quảng cáo

Theo nhiều nhà quan sát, để thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho Brexit, các chính trị gia bài châu Âu đã khai thác « triệt để » nỗi lo lắng của nhiều người Anh, trước số lượng người nhập cư vào Anh Quốc có xu thế ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng. Một tuần trước cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo đảng bài châu Âu Nigel Farage, đảng Ukip, tung ra một áp phích đầy ấn tượng, kêu gọi ngăn chặn dòng người nhập cư, tị nạn từ Trung Đông. Bức áp phích được so sánh với các tuyên truyền reo rắc hận thù chủng tộc dưới thời phát xít Đức những năm 1930.

Bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu, một thống kê (2) cho thấy, các hành động bài ngoại, kỳ thị chủng tộc đã tăng gấp rưỡi tại nước Anh, vốn là một quốc gia có truyền thống chung sống giữa nhiều cộng đồng sắc tộc. Tình cảnh của khoảng 5 triệu dân nhập cư tại Anh sẽ ra sao, nhất là những người lao động tự do gốc châu Âu không cần giấy tờ, trước hết mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn.

Tình cảm bài ngoại trỗi dậy

Một loạt các vụ việc mang tính phân biệt chủng tộc đã xảy ra trong những ngày qua mà người Ba Lan là đối tượng nổi bật nhất. Ở một trường học các gia đình người Ba Lan bị nhét giấy vào thùng thư xua đuổi về nước, còn trung tăm văn hóa Ba Lan ở Luân Đôn bị xịt sơn lên cửa kính. Tuy nhiên báo chí đã nhanh chóng lên tiếng, và bản thân nhiều người dân cũng thể hiện chính kiến của mình bằng cách gửi thư và hoa tới xin lỗi.

Có thể thấy là nhiều phần tử cực đoan sau biến động chính trị vừa rồi đã có cơ hội trỗi dậy, nhưng mà công chúng cũng được biết thêm về hoàn cảnh của những người nhập cư. Ví dụ như người Ba Lan, có người mới sang Anh để đi làm kiếm sống với đồng lương cao hơn nơi quê nhà, nhưng cũng có người di tản sang đây từ thời Đệ nhị thế chiến, và là phi công chiến đấu chống máy bay của phát xít Đức ném bom Luân Đôn. Xã hội Anh về cơ bản có rất nhiều điều do người nhập cư xây dựng, kể cả về văn hóa lẫn kinh tế chính trị, nhưng khi cuộc sống có nhiều áp lực hay kinh tế suy thoái và chính trị bất ổn thì người ta dễ dàng đổ lỗi cho người nhập cư đã lấy mất việc làm, hay cạnh tranh làm giảm thu nhập, và tạo ra bất ổn do văn hóa và tập quán sống khác biệt.

Nhìn một cách lạc quan thì những sự kiện vừa qua giúp bộc lộ rõ những vấn đề tiêu cực trong tâm thái xã hội để giới chuyên gia trong xã hội có thể tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, có lẽ chuyện bị phân biệt đối xử chưa phải là mối lo lắng nhất hiện nay của người nhập cư.

Thủ tục giấy tờ khó khăn

Theo thỏa thuận giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu thì công dân có quyền sang nước khác sinh sống và làm việc không cần phải xin giấy phép lao động hay thủ tục gì khác. Trong điều kiện bình thường thì không có điều gì rắc rối vì sau vài năm làm việc thì người dân các nước như Tiệp và Slovakia hay Hungary trở về nước sinh sống, hoặc kết hôn với người Anh và ở lại hội nhập như các nước Tây Âu.

Người Ba Lan trở thành đối tượng bị phân biệt một phần cũng là do họ biết cách lợi dụng luật lệ một cách có lợi nhất. Ví dụ một người sang lao động chỉ cần khai thu nhập ít, để giảm nộp thuế (thậm chí có thể được hưởng đến 10.000 bảng từ trợ cấp xã hội cho người có thu nhập thấp), được hệ thống bảo hiểm y tế chữa trị miễn phí cho bản thân và vợ con, cho con vào học trường Anh miễn phí với đủ mọi ưu đãi và kể cả trợ cấp cho tới bậc đại học. Đây là một cộng đồng mạnh với số đông và hệ thống dịch vụ tư pháp và kế toán cùng cửa hàng thực phẩm có mặt ở khắp mọi nơi. Khi ước nguyện Brexit được luật hóa thì các điều kiện ưu đãi vừa kể sẽ biến mất, và nếu theo qui trình xin giấy phép lao động hay đoàn tụ gia đình để vào Anh thì điều kiện vô cùng khất khe cả về trình độ lẫn thu nhập và tiếng Anh.

Đó cũng là mối lo của khu tài chính Luân Đôn vì sợ mất lực lượng lao động hiện có, mà rất nhiều người là từ các nước Tây Âu sang. Thủ tục khó khăn cho bản thân hay gia đình sẽ khiến người ta dễ tìm sang những nơi khác để làm việc. Đặc biệt nhất là nhân lực trong các mùa thu hoạch, vì nông nghiệp ở Anh được đến vụ mùa mới cần rất nhiều công nhân để sắp xếp và đóng gói trước khi chuyển đến các siêu thị, mà nếu phải áp dụng chế độ xin giấy phép rồi mới đưa lao động sang thì sẽ không thể nào kịp phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi của mùa màng và thời tiết. Đồng thời, nếu thay đổi thủ tục, thì quyền lợi của người lao động tay chân thu nhập thấp cũng sẽ không được bảo đảm.

Người gốc Việt mang quốc tịch châu Âu

Người Việt ở Anh có thể chia thành ba nhóm cơ bản, đầu tiên là khoảng vài chục ngàn thuyền nhân nay đã có quốc tịch Anh, và tiếp tục đưa thân nhân hay kết hôn rồi đưa vợ chồng người Việt sang Anh. Nhóm này phải theo các qui định rất khắt khe của nước Anh về nhập cư, như là thu nhập của người bảo lãnh, và tiếng Anh của người nhập cư. Kèm theo đó là một số sinh viên hay người lao động sau thời gian làm việc cũng đủ điều kiện nhập quốc tịch Anh, cũng với những qui định như vậy. Đối với họ thì quyết định Brexit chỉ là một vấn đề chính trị xã hội của nước Anh mà một số người có thể ủng hộ vì không thích có thêm người nhập cư, hoặc phản đối vì sợ mất nguồn thu nhập từ dân nhập cư như là tiền cho thuê nhà hay khách làm nails và khách đến nhà hàng.

Nhóm người Việt thứ hai cũng với số lượng cũng khá đông là những người vượt biên bằng xe công-ten-nơ từ Pháp sang, và bị từ chối quyền tị nạn ở Anh. Đây là một góc khuất không được báo chí nhắc nhiều dù rằng có đến cả triệu người như vậy từ đủ mọi quốc gia trên thế giới đổ về, mà cục di dân của Anh gần như là bất lực trong việc ngăn chặn. Đối với họ thì quyền lợi chỉ bị mất trong trường hợp nước Anh rút khỏi hiệp ước nhân quyền hay thỏa thuận về quyền tị nạn trên thế giới.

Nhóm duy nhất chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định Brexit là những người Việt mang quốc tịch các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đang trong giai đoạn « limbo », tức là luật lệ chưa rõ ràng, không biết tương lai thủ tục giấy tờ như thế nào như trường hợp tiêu biểu của các cộng đồng người Ba Lan như vừa kể. Tuy nhiên, khá nhiều người đã cố gắng hoàn tất các bộ hồ sơ cần thiết từ nhiều tháng trước, như là kịp đón vợ chồng sang theo qui định cũ, và đăng ký thẻ tạm cư (registration certificate) để bảo đảm quyền lợi tối thiểu trong trường hợp quyết định Brexit chính thức có hiệu lực.

***

Với cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, nước Anh lựa chọn rời châu Âu. Hiện tại, quyết định Brexit chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các định chế nhập cư, khi thương thuyết về việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn chưa được khởi sự. Tuy nhiên, quyết định Brexit để lại một áp lực tâm lý hết sức lớn đối với nhiều người nhập cư đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc. Áp lực ắt hẳn sẽ càng trở nên nặng nề hơn, nếu giai đoạn chuyển tiếp phức tạp, kéo dài và không khí bài ngoại được dung dưỡng tại nước Anh.

Trong một phát biểu, năm ngày trước khi bị một thành phần dân tộc chủ nghĩa sát hại (ngày 16/06), bà Joe Cox, nữ dân biểu Anh ủng hộ hội nhập với châu Âu, đã chia sẻ những lo lắng của người dân Anh về tình trạng các phòng khám bệnh hay trường học quá tải, về tình trạng cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm giữa dân nhập cư và dân bản địa, nhưng đồng thời bà cũng khẳng định, trên thực tế đa số người Anh thừa nhận những đóng góp tích cực của dân nhập cư (2). Theo một số nghiên cứu, dân nhập cư đã mang lại cho nước Anh khoảng 25 tỷ đô la trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI (theo tân đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan), và dân nhập cư mới đây có xu hướng nhận được ít trợ cấp của nhà nước hơn (3). Đóng góp của dân nhập cư thậm chí còn được coi là rất quan trọng.

Dù mức độ lợi hại của việc nhập cư về phương diện kinh tế là điều còn cần phải được soi sáng thêm từ nhiều góc độ, việc kiểm soát những lợi dụng các phúc lợi xã hội cần siết chặt, nhưng cũng giống như hết thảy các nền kinh tế khác trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, nước Anh không thể đóng cửa, Anh Quốc không thể đi ngược lại xu thế hội nhập toàn cầu. Đối với chính bản thân các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ Brexit, việc sửa hẳn chính sách nhập cư hiện tại (vốn hướng về một thị trường tự do thống nhất với châu Âu) hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.

Theo nhiều nhà quan sát, luận điểm tuyên truyền chống dân nhập cư của những người ủng hộ Brexit có thể đang che lấp một thực tế sâu xa hơn trong chính xã hội Anh Quốc : Đó là hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp trung lưu đô thị với các nhóm dân nghèo, và cảm giác không theo kịp "những thay đổi" hiện nay, một tình cảm phổ biến ở rất nhiều người Anh (4). Dù sao thì cú sốc Brexit, đang đặt tất cả các bên liên quan, phía Anh Quốc (với bốn quốc gia thành viên : nước Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ai Len), cũng như phía Liên Hiệp Châu Âu trước một tình thế hoàn toàn mới : « Chiếc hộp Pandore » (5) với những mâu thuẫn dồn nén, vốn ít được phơi bày, nay đã được mở tung ra.

----
(1) Bài « Các hành động kỳ thị chủng tộc tăng lên gấp rưỡi : không khí ghê tởm », tuần báo Le Nouvel Observateur, ngày 28/06/2016.

(2), (4) Bài « Nhập cư, một trong những nguyên nhân chủ yếu của Brexit : ảo tưởng và thực tế », trang mạng Francetvinfo.fr.

(3) Theo “Positive economic impact of UK immigration from the European Union: new evidence”, một nghiên cứu của Centre for Research and Analysis of Migration (CReAM), công bố năm 2014.

(5) Chiếc hộp Pandore - do Brexit - đe dọa không chỉ nước Anh, mà cả toàn bộ châu Âu, và phần còn lại của thế giới, nhưng đây cũng có thể là một cơ hội, nếu như các bên vượt qua được các bất đồng để hướng đến một quan hệ mới, tiếp tục tinh thần đã làm nên châu Âu, được khởi sự cách nay gần 70 năm : "đoàn kết ngày càng mật thiết hơn giữa các dân tộc" (Hiệp ước Roma 1957). Xem bài "Brexit : boîte de Pandore ou seconde chance?/Brexit: Hộp Pandore hay cơ hội thứ hai?", Libération, 28/06/2016. 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.