Vào nội dung chính
UKRAINA - HẠT NHÂN

Kỷ niệm Tchernobyl, Ukraina vinh danh 500.000 “người dọn dẹp”

Hôm nay 26/04/2016, đúng 30 năm sau thảm họa hạt nhân Tchernobyl, chính quyền Ukraina tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm khoảng 500.000 người lính cứu hỏa, quân nhân, dân thường đã tham gia vào việc dọn dẹp khu vực thảm họa hạt nhân dân sự, được coi là khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Ngược lại, chính quyền Nga chỉ tổ chức một nghi thức sơ sài.

Đài tưởng niệm nạn nhân Tchernobyl ở thành phố Slavutych, Ukraina.
Đài tưởng niệm nạn nhân Tchernobyl ở thành phố Slavutych, Ukraina. Reuters/Gleb Garanich
Quảng cáo

Lễ tưởng niệm tại Ukraina diễn ra tại hai nơi. Một tại nhà thờ Kiev, được xây dựng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân Tchernobyl. Địa điểm thứ hai là tại Slavutich, thành phố mới, cách Tchernobyl khoảng 50 km, đô thị được xây dựng sau thảm họa để tái định cư người dân vùng bị nạn. Tổng thống Ukraina Petro Porochenko vinh danh hơn 500.000 thường dân hay quân nhân, được điều động từ khắp Liên Bang Xô Viết đến tẩy rửa Tchernobyl. Hàng chục người đã chết ngay tại chỗ, rất nhiều người sau đó chết vì những căn bệnh hết sức hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư.

Số lượng các nạn nhân và các hậu quả dài hạn của vụ nổ Tchernobyl, 30 năm sau, vẫn còn là chủ đề bất đồng. Nhiều người thoát nạn lên án việc chính quyền Liên Xô bưng bít thông tin về thảm họa. Theo các nhà quan sát, vụ Tchernobyl đã phơi bày trước thế giới sự rệu rã của chế độ cộng sản Xô Viết.

G7 và Châu Âu tài trợ thêm gần 90 triệu euro

Nhân 30 năm thảm họa, hôm qua 25/04, nhóm G7 và Bred, Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu, quyết định chi thêm 87,5 triệu euro để tài trợ cho việc xây dựng một nơi chôn giữ nhiên liệu hạt nhân của Tchernobyl đã qua sử dụng (của ba lò phản ứng hạt nhân vẫn còn tiếp tục hoạt động trong nhiều năm, sau khi lò số 4 bị nổ tung). Công trình, do công ty Mỹ Holtec thực hiện, sẽ phải hoàn tất trong năm nay, và đi vào hoạt động trong năm 2017. Toàn bộ phí tổn của công trình là 400 triệu euro. Đây là hạng mục lớn thứ hai tại Tchernobyl sau “bộ áo giáp” bê tông, cao 110 mét, nặng 25 tấn, trị giá 2,1 tỉ euro, trùm lên toàn bộ khu vực lò phản ứng số 4, cùng với khoảng 200 tấn macma nhiễm xạ cao. Theo AFP, “bộ áo giáp” mới, đã được lắp đặt tại chỗ, cũng sẽ chính thức được sử dụng trong năm 2017.

Trong khi dịp 30 năm Tchernobyl được kỷ niệm trọng thể tại Ukraina, chính quyền Nga lại hết sức lặng lẽ. Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne cho biết :

“ Về phía Nga, dịp kỷ niệm này gần như một cách âm thầm. Không có một nghi thức quan trọng nào được dự kiến, ngoài cuộc viếng thăm một nghĩa trang gần Matxcơva, nơi chôn cất những người “xử lý”. Đây là những người đã tham gia dập tắt vụ hỏa hoạn hoặc dọn dẹp khu vực nhiễm xạ. Rất nhiều người trong số họ đã phải trả giá bằng sinh mạng mình. Chính phủ chỉ cử đại diện ở cấp thứ trưởng, một quan chức thuộc Bộ các Tình Trạng Khẩn Cấp.

Kết quả của chính sách coi nhẹ này được thể hiện trong thái độ của công luận Nga đối với vấn đề hạt nhân : hiện thời chỉ có khoảng 33% người Nga cho rằng một thảm họa tương tự như Tchernobyl có thể tái diễn, so với 56% cách nay 5 năm.

Còn tại Belarus, tổng thống Lukachenko đã tới thăm các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên thủ Belarus tuân thủ đường lối chính thức : khắc phục các hậu quả là ưu tiên của chính phủ. Kể từ hôm qua, tại Minsk, diễn ra một hội nghị quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu của hội nghị này là thông qua một chương trình trợ giúp phát triển các vùng bị tổn thương. Đối lập Belarus tổ chức một cuộc tuần hành mang tên “con đường Tchernobyl”. Cuộc tuần hành, được chính quyền cho phép, nay đã trở thành một hoạt động thường niên ”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.