Vào nội dung chính
MỸ - OSCAR

Oscar 2016 : Giải thưởng đượm màu "phân biệt" ?

Giải Oscar năm 2016, được tổ chức vào tối 28/02, bị chỉ trích mang tính phân biệt chủng tộc. Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh, cơ quan chủ quản giải Oscar, trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích gay gắt.

Tượng Oscar tại lối vào Nhà hát Dolby (Hollywood, Los Angeles) nơi diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 88 diễn ra ngày 28/02/2016.
Tượng Oscar tại lối vào Nhà hát Dolby (Hollywood, Los Angeles) nơi diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 88 diễn ra ngày 28/02/2016. REUTERS/Lucy Nicholson
Quảng cáo

Trước hết, đây là năm thứ hai liên tiếp, chỉ có những nghệ sĩ da trắng được đề cử vào danh sách bình chọn. « Giải Oscar trở thành trò hề », theo đánh giá của giáo sư Jonathan Kuntz, giảng dạy tại trường Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình thuộc đại học California, Los Angeles.

Thứ hai, trong số hơn 6.000 thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh được phép bỏ phiếu bình chọn giải Oscar, 93% là người da trắng và 76% là nam giới, độ tuổi trung bình là 63 tuổi. Đây là thông tin mới đượcViện Hàn Lâm cung cấp cho hãng tin AFP.

Trước những lời chỉ trích gay gắt về tình trạng bất cân bằng về giới tính và chủng tộc, tổ chức này đã thông báo cải tổ để tăng số lượng phụ nữ và thành viên có nguồn gốc thiểu số trong số 6.000 thành viên kể trên.

Người bỏ phiếu bình chọn là ai ?

Theo một cuộc điều tra của nhật báo Los Angeles Times, trong năm 2012, dù một nửa thành viên bỏ phiếu bình chọn (trong tổng số hơn 6.000 người) đều làm việc trong lĩnh vực điện ảnh trong vòng hai năm trước đó, nhưng vẫn có hàng trăm người không hề đặt chân tới trường quay trong nhiều thập kỷ. Tờ báo cho biết :

« Một số người đã rời bỏ hoàn toàn ngành công nghiệp điện ảnh nhưng vẫn tiếp tục bỏ phiếu bình chọn Oscar, trong đó có một ni cô, một chủ tiệm sách hay một nhà tuyển dụng của cơ quan Peace Corps đã nghỉ hưu ». 

Trước làn sóng chỉ trích vì thiếu cần bằng và đa dạng, Hội Đồng Quản Trị Viện Hàm Lân mới đây thông báo tăng gấp đối số lượng phụ nữ và thành viên xuất thân từ cộng đồng thiểu số từ nay tới nay 2020.

Danh sách đề cử được lập nên như thế nào ?

Phần lớn những người được đề cử giải Oscar ở mỗi hạng mục được các thành viên (trong tổng số hơn 6.000 người được phép bỏ phiếu đề cử) của lĩnh vực đó bỏ phiếu bình chọn. Ví dụ, diễn viên bỏ phiếu bình chọn cho diễn viên, đạo diễn bình chọn cho đạo diễn…

Một số hạng mục như giải thưởng cho phim nước ngoài xuất sắc nhất hay phim hoạt hình thì được một ủy ban đặc biệt bình chọn.

Riêng về giải phim hay nhất trong năm, thì tất cả các thành viên của mọi lĩnh vực đều có thể tham gia bỏ phiếu bình chọn.

Chọn người chiến thắng như thế nào ?

Theo thông lệ, hơn 6.000 thành viên Viện Hàn lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh Mỹ sẽ bỏ phiếu để quyết định danh sách đề cử giải Oscar, sau đó bỏ phiếu một lần nữa để xác định những người/phim chiến thắng.

Quy trình bình chọn phim hay nhất phức tạp hơn 23 hạng mục còn lại. Hàng năm, các thành viên của Viện phải xếp theo thứ hạng ưa thích những bộ phim được đề cử cho giải thưởng bộ phim hay nhất (năm 2016 có 8 bộ phim). Sau khi chọn ra được bộ phim hay nhất, các bộ phim tiếp theo lại được bình bầu cho những thứ hạng còn lại.

Ở 23 hạng mục còn lại, các thành viên chỉ việc bầu cho vị trí số 1.

Làm thế nào để trở thành thành viên được quyền bỏ phiếu bình chọn ?

Đây là một "câu lạc bộ độc quyền". Các ứng viên phải được ít nhất hai thành viên giới thiệu nhờ tài năng và những thành tựu đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh.

Thế nhưng, đây mới chỉ là bước đầu của chặng đường dài. Hồ sơ của người dự tuyển sẽ được các ủy ban của lĩnh vực đó nghiên cứu, sau đó mới quyết định gửi lên Hội Đồng Quản Trị Viện Hàn Lâm hay không.

Bắt đầu từ năm 2016 (không tính mùa giải Oscar 2016), các thành viên mới sẽ chỉ được quyền bỏ phiếu trong vòng 10 năm và có thể được triển hạn nếu họ vẫn hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh. Cho tới năm 2015, các thành viên này được hưởng quyền bỏ phiếu suốt đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.