Vào nội dung chính
ĐỨC - XÃ HỘI

Biểu tình bài Hồi giáo tại nhiều thành phố châu Âu

Phong trào bài Hồi giáo Pegida của Đức kêu gọi tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố của 10 nước châu Âu, trong đó có Pháp, vào hôm nay, thứ Bảy 06/02/2016.

Phong trào PEGIDA biểu tình chống người nhập cư tại Cologne, Đức, ngày 09/01/2016
Phong trào PEGIDA biểu tình chống người nhập cư tại Cologne, Đức, ngày 09/01/2016 REUTERS
Quảng cáo

Kể từ mùa thu 2014, Pegida liên tục tổ chức biểu tình hàng tuần tại Dresde, thủ phủ của phong trào tại bang Sachsen, miền tây nước Đức. Tiếng nói của một phong trào vốn chỉ mang tính địa phương tại Đức có thể thu hút được nhiều người trong bối cảnh châu Âu đang trong khủng hoảng nhập cư. « Biến châu Âu thành pháo đài chống nạn nhập cư ồ ạt và Hồi giáo hóa » là khẩu hiệu của các cuộc biểu tình dự kiến.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin:

« Từ Varsava, Krakow (Ba Lan), Praha (CH Séc), Bratislava (Slovakia), đến Amsterdam (Hà Lan), Dublin (Ailen), Birmingham (Anh Quốc) cho đến Calais (Pháp)… Phong trào Pegida cho đến nay chỉ là một hiện tượng mang tính địa phương, và những đồng minh của phong trào tại Đức, bên ngoài xứ Sachsen, và những quốc gia khác của châu Âu là rất hiếm. Pegida muốn nhân ngày biểu tình hôm nay để chứng minh rằng cuộc chiến của ‘‘Những người yêu châu Âu chống lại việc Hồi giáo hóa phương Tây’’ - tên đầy đủ của phong trào – có thể thu hút được đông người hơn.

Nhà chính trị học Hans Vorlander, tác giả một cuốn sách vừa ra mắt về Pegida, không thực sự tin là phong trào này có một ảnh hưởng ở tầm cỡ châu Âu. Tại nhiều quốc gia, các đảng dân túy hay cực đoan đã chiếm lĩnh thành phần vốn chịu ảnh hưởng của một tư tưởng bài Hồi giáo như vậy.

Nhà chính học phân tích : ‘‘Pegida khai thác cuộc khủng hoảng tị nạn để cố thu được thành công trong một việc mà họ đã thất bại cho đến nay. Đó là tạo ra một phong trào (bài Hồi giáo) toàn châu Âu’’. Theo ông, tại Dresde, ít nhất sẽ có 10.000 người biểu tình, nhưng không thể hình dung một mức độ tham gia như vậy được tại nhiều thành phố châu Âu khác.

Thứ Bảy này, Pegida muốn huy động 15.000 người ủng hộ, nhưng cũng sẽ có khoảng 10.000 người muốn biểu tình để phản đối Pegida để chứng minh rằng thành phố này không thuộc về những người chống Hồi giáo. Cho dù rất đông cảnh sát được triển khai, người ta lo ngại sẽ có các đụng độ ».

Riêng tại Calais, Pháp, hôm thứ Tư (03/02/2016), bộ Nội Vụ Pháp quyết định không cho biểu tình theo kêu gọi của Pegida, cũng như các cuộc phản biểu tình, vì lý do bạo động có nguy cơ bùng phát. Calais là thành phố miền bắc đối diện với Anh Quốc, nơi tạm trú của khoảng 4.000 dân nhập cư, chờ cơ hội chạy sang Anh. Cách nay 2 tuần, đã xảy ra nhiều đụng độ xung quanh một cuộc biểu tình ủng hộ dân tị nạn. Edgar Gretten, một đại diện của phong trào nói trên, cho hay biểu tình bài Hồi giáo vẫn sẽ diễn ra bất chấp lệnh cấm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.