Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hôn nhân đồng tính gây chia rẽ xã hội Ý

Đăng ngày:

Thượng viện Ý ngày 28/01/2016 bắt đầu xem xét một dự thảo luật mở đường cho việc công nhận các cặp đồng tính. Dự luật sẽ được thảo luận trong vòng hai tuần trước kỳ bỏ phiếu thông qua, dự kiến vào trung tuần tháng 2/2016. Thế nhưng, dự luật này đang gây chia rẽ sâu sắc trong giới chính khách và làm dấy lên làn sóng ủng hộ cũng như chống mạnh mẽ.

Người biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng tính tại Ý trong ngày "Family Day"  với biểu ngữ: " Sẽ sai lầm khi điều đó trở thành luật",  hôm 30/01/2016.
Người biểu tình chống dự luật hôn nhân đồng tính tại Ý trong ngày "Family Day" với biểu ngữ: " Sẽ sai lầm khi điều đó trở thành luật", hôm 30/01/2016. REUTERS/Remo Casilli
Quảng cáo

Hôm thứ Bảy, 30/01/2016, hàng chục ngàn người bao gồm những người thế tục, các gia đình theo đạo và các thầy tu đến từ nhiều thành phố của Ý và nhiều quốc gia khác đã tụ về Roma tham dự ngày « Family Day ». Những người biểu tình này phản đối dự luật về việc công nhận cặp đôi đồng tính và việc nhận con của các cặp này, kêu gọi bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống. Trong khi đó, nếu so với các quốc gia Tây Âu, Ý là nước cuối cùng vẫn từ chối công nhận các cặp đồng tính.

Các câu hỏi đặt ra : Vì sao nước Ý lại bị chia rẽ sâu sắc trên vấn đề này ? Phải chăng đó là do đặc thù của xã hội Ý mang đậm màu sắc tôn giáo ? Tòa Thánh Vatican có tầm ảnh hưởng ra sao trong hồ sơ trên ? Và nếu dự luật được thông qua hay không được thông qua, thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến uy tín của thủ tướng Matteo Renzi ? Thông tín viên Huê Đăng tại Roma phân tích những vấn đề nảy sinh xung quanh sự kiện đang gây chia rẽ đời sống xã hội của nước Ý .

RFI: Hôm thứ Bảy (30/01/2016), tại Ý diễn ra một cuộc biểu tình rầm rộ chống dự luật hôn nhân đồng tính. Anh có thể giải thích rõ hơn về dự luật này ? Người biểu tình họ chống điều gì trong dự luật và tại sao chống ?

TTV Huê Đăng : Cần phải nói cho rõ : Quốc hội Ý đang sắp sửa bỏ phiếu để thông qua dự luật mà tiếng Ý gọi là “Unioni civili” (Unions civiles), có nghĩa là “hợp thức hóa những cặp sống chung không giá thú”. Theo thống kê năm 2011, ở Ý có khoảng gần 16,5 triệu cặp sống chung với nhau, trong đó có khoảng 13 triệu cặp được gọi là có giá thú, như vậy còn khoảng 3,5 triệu cặp sống không có hay chưa có giá thú, và trong 3,5 triệu này, chỉ có khoảng hơn 7 ngàn cặp tuyên bố chính thức đồng tính.

Nói như thế để cho thấy vấn đề không phải là đồng tính hay không đồng tính, mà vấn đề là, vì lý do này hay lý do khác, một số cặp không có giá thú, do đó về mặt pháp lý họ không được hưởng những quyền lợi dân sự như những cặp khác. Dự luật này có mục tiêu pháp lý hóa một số vấn đề hành chánh của những cặp sống chung không có giá thú, thí dụ như vấn đề tài sản, vấn đề hưu trí, vấn đề thừa kế, một số phúc lợi xã hội, vấn đề đăng ký vào trường học cho con cái, v.v...

Theo dự luật này, các cặp sống chung không có giá thú cũng sẽ phải chấp nhận những bổn phận dân sự như những cặp có giá thú, thí dụ như bổn phận phải chung thủy với nhau (tức là không thể có quan hệ ngoài gia đình), các giá trị về đạo đức và tinh thần của một gia đình. Như thế dự luật này không chỉ nhắm đến những cặp đồng tính. Và cũng không có nghĩa là dự luật chỉ nhằm hợp thức hóa các cặp đồng tính như công luận vẫn, có khi cố tình, ngộ nhận.

Rồi từ “ngộ nhận” như thế người ta lôi cuốn vào một cuộc “thánh chiến” những người công giáo, những tổ chức công giáo, những cơ sở tôn giáo công giáo, và nhất là những đại biểu quốc hội có khuynh hướng công giáo, trong đó có cả những đại biểu của Đảng Dân Chủ là đảng đa số trong Quốc hội của đương kim Thủ tướng Matteo Renzi.

Cũng phải nói thêm rằng hôm thứ Bảy vừa qua các lực lượng và phong trào công giáo, các cơ sở tôn giáo công giáo, một số giáo dân đã tụ tập tại quảng trường Circo Massimo ở Roma dưới danh nghĩa tổ chức ngày Family Day – Ngày bảo vệ gia đình, để phản đối dự luật nói trên. Nhưng mấy ngày trước đó, cũng đã có hàng ngàn người cũng tụ tập ở Roma để biểu tình ủng hộ dự luật nói trên. Do đó, đây là một cách thể hiện đúng đắn tự do tư tưởng của mỗi người dân.

RFI : Trong dự luật có đề cập đến hai vấn đề : công nhận hôn nhân đồng tính và chuyện con cái các cặp đồng tính. Cụ thể điều gì khiến dư luận chống lại hai nội dung này ?

TTV Huê Đăng : Như tôi đã vừa nói ở trên, dự luật này không chỉ nhằm hợp thức hóa các cặp đồng tính, mà pháp lý hóa tất cả những cặp sống chung với nhau mà không có giá thú. Dĩ nhiên là nếu dự luật được thông qua thì những cặp đồng tính cũng sẽ hưởng được quyền lợi do dự luật này đưa ra. Do đó, theo thiển ý của tôi, đặt toàn bộ trọng tâm của dự luật vào vấn đề đồng tính là người ta đang cố tình "gượng ép" toàn bộ nội dung của dự luật.

Chi tiết thứ hai cũng đang gây tranh cãi ồn ào, và cũng làm dấy lên một cuộc thánh chiến là khả năng “nhìn nhận con riêng của người mình chung sống”, mà trong ngôn từ hiện nay người ta gọi là “stepchild adoption”. Điều này cũng “bị” ngộ nhận, bởi vì vấn đề con riêng của một trong hai người sống chung với nhau không có nghĩa là chỉ có thể xảy ra trong các cặp đồng tính, mà cũng có thể xảy ra trong các cặp khác giới tính sống chung không có giá thú.

Do đó, khi những người chống lại dự luật này tuyên bố rằng họ chống lại việc một đứa trẻ phải có hai “thân sinh” đồng tính là đi ngược lại luật tự nhiên thì cũng đã "gượng ép" nội dung của dự luật.

Một điều khiên cưỡng khác của những người chống lại dự luật này là họ tuyên bố rằng dự luật có tính đe dọa giá trị truyền thống của gia đình kiểu một cha một mẹ. Khiên cưỡng ở chỗ là dự luật không hề có chữ nào bài bác hay chống đối lại các cặp gia đình truyền thống khác giới tính, cũng không hề làm thuyên giảm bất cứ giá trị pháp lý, luân lý hay đạo đức nào của mô hình gia đình truyền thống khác giới tính.

Dự luật chỉ nhắm mở rộng việc áp dụng các điều kiện pháp lý sang cho các cặp gia đình không có giá thú, và trong đó có cả các cặp gia đình đồng tính. Tức là dự luật chỉ “mở ra” chứ không có điều khoản nào “thu hẹp” lại các điều kiện pháp lý hiện hành. Do đó không thể nào tuyên bố rằng dự luật nói trên có khả năng đe dọa các gia đình truyền thống của những người khác giới tính.

RFI : Ý là quốc gia cuối cùng trong Liên Hiệp Châu Âu chưa công nhận hôn nhân đồng tính. Phải chăng đó là do nét đặc thù của xã hội Ý ? Tòa thánh có ảnh hưởng gì trong chuyện này ?

TTV Huê Đăng : Theo tôi nghĩ có hai yếu tố khiến nước Ý chưa “bằng chị bằng em” trong vấn đề công nhận pháp lý các cặp sống không giá thú nói chung, các cặp đồng tính nói riêng. Trước nhất là trong suốt gần nửa thế kỷ kể từ sau khi chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, lập pháp và hành pháp của Ý luôn luôn nằm trong tay của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, một lực lượng chính trị có một nền tảng tư tưởng chính trị rất gần với các giá trị đạo đức và luân lý của Công giáo.

Người ta còn nhớ là vào những thập niên 70, trong khi ở nhiều nước châu Âu đã có luật ly dị, luật phá thai … thì nước Ý vẫn còn phải tranh đấu để có được hai điều luật đó. Bởi vì Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, vốn luôn luôn nắm được đa số trong Quốc hội Ý, đã liên tục tìm cách ngăn cản sự ra đời của những đạo luật nói trên. Mãi cho đến vào khoảng gần cuối những thập niên 70, với các cao trào của những phong trào giải phóng phụ nữ, các lực lượng chính trị thiên tả, nước Ý mới có được luật ly dị và luật phá thai.

Thứ hai là sự hiện diện của Tòa Thánh. Ai cũng biết là dù muốn dù không Tòa Thánh lúc nào cũng gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống xã hội và chính trị của nước Ý. Ngoài một số giáo dân lúc nào cũng xem những tuyên bố của Tòa Thánh như là kim chỉ nam, toàn bộ hạ tầng cơ sở truyền giáo của Tòa Thánh cũng nhiều lần trực tiếp tham gia vào các cuộc thánh chiến chống lại những dự luật như ly dị, ngừa thai, phá thai … và bây giờ là vấn đề đồng tính.

Điều khá mâu thuẫn là trong khi xã hội dân sự thế tục có khuynh hướng muốn xem đồng tính là một sự kiện bình thường chứ không phải là một hiện tượng bệnh hoạn như các tổ chức tôn giáo công giáo vẫn hay tuyên bố, thì ngay chính trong Tòa Thánh cũng không ít lần rò rỉ những vụ xì-căng-đan có nội dung đồng tính, hay tệ hơn là xâm phạm nhi dục.

Nhưng cũng phải thành thực mà nói là trong vụ dự luật nhằm hợp thức hoá các cặp sống chung không có giá thú hiện nay, Tòa Thánh gần như tránh tối đa tham gia trực tiếp vào các cuộc tranh cãi. Điển hình là cơ quan ngôn luận của Tòa Thánh là tờ “Osservatore Romano” vừa qua đã không có một bình luận nào về cuộc biểu tình Family Day vừa qua.

Có lẽ phần nào Tòa Thánh cũng không muốn "can dự" vào một cuộc đấu đá chính trị giữa các đảng phái ở Quốc hội, chỉ muốn nhân dịp này để tìm cách thu hút cử tri để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử các Hội đồng thành tỉnh ở Ý vào mùa Xuân sắp tới.

Và có thể là Tòa Thánh cũng thừa biết rằng trên thực tế, ngay giữa các giáo dân cũng có rất nhiều trường hợp vì lý do này hay lý do khác người ta đã phải chấp nhận sống chung không có giá thú, do đó Tòa Thánh cũng không muốn gián tiếp đẩy các giáo dân này xa rời Tòa Thánh. Nói chung, Tòa Thánh cũng biết đây là một vấn đề xã hội chứ không hẳn là vấn đề tôn giáo.

RFI : Dự luật sẽ gây tranh cãi ra sao trong Nghị trường ? Trong chính nội các chính phủ ? Liệu sự việc có làm ảnh hưởng đến uy tín của thủ tướng Matteo Renzi ?

TTV Huê Đăng : Trong thời gian tới Quốc hội sẽ bàn cãi và sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này. Nhưng lần này, Quốc hội sẽ áp dụng bỏ phiếu kín, điều đó có nghĩa là rất có thể trong một số lực lượng đảng phái trung dung hay hữu khuynh tuy tuyên bố chống lại dự luật, nhưng trên thực tế khi bỏ phiếu kín thì mọi chuyện có thể có những diễn biến khác.

Chính vì ý thức được điều này mà một số đảng đã tuyên bố rằng đại biểu của họ sẽ được toàn quyền bỏ phiếu theo “lương tâm” riêng của mình. Trong khi đó trong hàng ngũ của những đảng đối lập như Phong trào Năm Sao, vốn đã từng có những tuyên bố rất “dân sự”, cũng khó mà có thể bỏ phiếu chống lại dự luật chỉ để nhằm chống lại chính phủ.

Nói chống lại chính phủ bởi vì dự luật này được Đảng Dân Chủ, tức là Đảng của Chính phủ hiện nay đề ra. Nhưng mặt khác, có vấn đề “bất cập” là ngay trong Đảng Dân Chủ của Thủ tướng Matteo Renzi cũng có một số thành phần đại biểu Quốc hội có nguồn gốc Công giáo đã thẳng thắng tuyên bố chống lại dự luật nói trên.

Nhưng xét cho cùng đó cũng là quy luật bình thường của mô hình dân chủ nghị viện : mỗi đại biểu Quốc hội phải có toàn quyền tự do phát biểu ý tưởng của mình. Theo thiển ý của tôi dự luật sẽ được thông qua, vấn đề là sẽ được thông qua với bao nhiêu phần trăm phiếu thuận.

Và cũng theo thiển ý của tôi thì dù rủi dự luật này không được thông qua, thì uy tín của Thủ tướng Matteo Renzi cũng sẽ không vì thế mà thuyên giảm. Thậm chí, dù dự luật không được thông qua, Thủ tướng Matteo Renzi vẫn giữ được uy tín là “rottamatore”, tức là uy tín của người cho “về vườn những cái cũ kỹ lỗi thời”, tức là ý muốn nói người lúc nào cũng muốn có những cuộc cải cách ở nước Ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.