Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NHẬP CƯ

Thượng đỉnh Âu-Phi : Đồng thuận khẩn cấp ngăn chặn làn sóng di dân

Hôm nay 12/11/2015, cuộc họp thượng đỉnh Âu-Phi tại Malta bước sang ngày thứ hai với chủ đề chính là việc thành lập một quỹ 1,8 tỉ euro để tài trợ các dự án phát triển và quản lý làn sóng di dân của các nước Châu Phi.

Các nguyên thủ châu Âu và châu Phi họp tại La Valette (Malta) với hy vọng tìm được giải pháp ngăn chận làn sóng di dân.
Các nguyên thủ châu Âu và châu Phi họp tại La Valette (Malta) với hy vọng tìm được giải pháp ngăn chận làn sóng di dân. REUTERS/Darrin Zammit Lupi
Quảng cáo

Trong ngày họp đầu tiên vào hôm qua, nguyên thủ các nước Châu Âu và Châu Phi nhất trí cho rằng cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng di dân từ Châu Phi đổ vào Châu Âu.

Từ La Valette, đặc phái viên RFI Léonard Vincent gửi về bài tường trình :

« Vào tối hôm qua, khoảng sáu chục vị lãnh đạo của các nước Châu Âu và Châu Phi đã cúi đầu mặc niệm các nạn nhân bỏ mình ở Địa Trung Hải. Với hình ảnh các nguyên thủ mặc niệm một phút trước khi bắt đầu các cuộc thảo luận, ngày đầu tiên của cuộc họp thượng đỉnh được đánh dấu bởi sự đồng thuận chung.

Đó là đồng thuận về việc không thể chấp nhận thảm họa này, không thể chấp nhận tình cảnh hàng ngàn người thiệt mạng khi tìm đường nhập cư vào Châu Âu. Đồng thuận nhấn mạnh là cần phải cải thiện đời sống của người dân tại Châu Phi , về mặt chính trị cũng như kinh tế, thì mới có thể làm giảm làn sóng người ra đi.

Ngược lại, khi bàn đến các phương tiện để thực hiện thì lập trường các nước lại khác nhau. Ngay trong các bài diễn văn đầu tiên, các nước Châu Âu kêu gọi các nước Châu Phi cần cam kết mạnh mẽ phát triển nền kinh tế và cải thiện hệ thống lãnh đạo, quản lý đất nước, đặc biệt là xây dựng Nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.

Trong khi đó, các nước Châu Phi, điển hình là bà Chủ tịch Ủy ban Châu Phi, lại muốn đặt vấn đề di dân Châu Phi vào trong bối cảnh quan hệ lịch sử đã có từ lâu giữa hai lục địa. Nhân danh Cộng đồng kinh tế các nước Châu Phi – CEDEAO, Tổng thống Senegal Macky Sall, cũng như đồng nhiệm Niger Mahamadou Issoufou, đều nhấn mạnh rằng mong muốn là một chuyện, nhưng việc có được nguồn tài chính để thực hiện các đề nghị của Châu Âu lại là một chuyện khác. Cả hai vị kêu gọi Châu Âu giúp đỡ Châu Phi nhiều hơn và thông minh hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.