Vào nội dung chính
BELARUS

Alexandre Loukachenko, một sản phẩm tồn đọng của thời Xô Viết

Sau 21 năm nắm quyền tại Bélarus, « đất nước cuối cùng còn giữ chế độ độc tài ở châu Âu, ông Alexandre Loukachenko đã tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 trong một cuộc bầu cử không có đối thủ tổ chức ngày 11/10/2015. Loukachenko đã khôn khéo lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraina để thoát ra khỏi thế cô lập với Liên hiệp châu Âu à vẫn giữ được quan hệ tốt với Matxcơva.

Tổng thống Lelarus, Alexandre Loukachenko để cậu quý tử  Nikolai bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 11/10/2015.
Tổng thống Lelarus, Alexandre Loukachenko để cậu quý tử Nikolai bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 11/10/2015. REUTERS/Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ chức giám đốc nông trang tập thể dưới thời Liên Xô, nhà lãnh đạo chuyên quyền độc đoán, 61 tuổi này, đã chiếm được sự cảm tình của một bộ phận trong số 9,5 triệu dân Bélarus, những người vẫn mong muốn duy trì một cái gì đó trong di sản chế độ Xô Viết để lại, cho dù đất nước ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Năm 1994, vài năm sau khi Liên Xô tan rã, ông Loukachenko lên làm tổng thống Belarus. Từ đó đến nay, giới quan sát cũng như giới bảo vệ nhân quyền ở phương Tây đánh giá Loukachenko là một lãnh đạo gia trưởng, độc đoán. Cái biệt danh « nhà độc tài cuối cùng của châu Âu » chính là do chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống George W.Bush đặt ra.

Đối lập ở trong nước vẫn thường xuyên tố cáo bị chế độ Minsk trấn áp, truyền thông bị bịt miệng. Kỳ bầu cử tổng thống trước vào năm 2010, Loukachenko đã tái cử vói 80% phiếu bầu. Cũng như mọi kỳ tuyển cử ở Belarus khác dưới thời Loukachenko, phe đối lập lại tố cáo họ bị trấn áp thô bạo và có nhiều gian lận trong bầu cử. Vào thời điểm đó, một cuộc biểu tình lớn sau ngày bầu cử đã bị đàn áp thẳng tay, hàng trăm người bị bắt giữ và nhiều cựu ứng viên của cuộc bầu cử tổng thống bị kết án tù.

Cuối những năm 1990, nhiều lãnh đạo đối lập đã bỗng nhiên bị mất tích. Ở Belarus mọi người đều hiểu họ là nạn nhân của những « đội đặc nhiệm tử thần » có nhiệm vụ bảo vệ chế độ. Tuy nhiên không ai chứng minh được sự can dự của tổng thống Loukachenko.

Loukachenko,  "người Xô Viết không hề thay đổi"

Hành động trấn áp mọi hình thức đối kháng trong nước đã khiến Liên hiệp châu Âu từ năm 2004 ra hàng loạt các quyết định trừng phạt nhằm vào Tổng thống Alexandre Loukachenko và nhiều nhân vật thân cận của ông trong chính quyền Minsk.  Thế nhưng nhân vật vẫn tự cho mình là vị « cha nhỏ » của Belarus này đã biết luồn lách một cách khéo léo ra khỏi thế cô lập bằng cách đặt mình vào vị trí trung gian hòa giải giữa Nga và Liên hiệp châu Âu tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraina.

Liên tiếp, tháng 9 năm 2014 rồi đến tháng 2 năm 2015, ông Loukachenko xuất hiện ở vị trí trung tâm của sân khấu chính trị quốc tế qua việc mở cửa phủ tổng thống tại Misk đón tiếp các cuộc thương lượng tìm kiếm hòa bình cho miền Đông Ukraina. Ông Loukachenko xuất hiện đường bệ bên cạnh các lãnh đo Nga, Pháp, Đức và Ukraina.

Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống mà ông đã dự định phải tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 này, người ta thấy tổng thống Belarus đôn đáo thể hiện nhiều động thái tỏ thiện chí với Liên hiệp châu Âu, như là thả tù chính trị, tất nhiên trong đó có nhiều lãnh đạo đối lập đã bị tước quyền ứng cử vào cuộc đua lần này.

Những hành động như vậy đã thuyết phục được các nước châu Âu. Cách đây ít ngày, Bruxelles đã ngỏ ý sẵn sàng hủy bỏ những trừng phạt nhằm vào Alexandre Loukachenko. Trước ngày diễn ra bầu cử một hôm, tân khôi nguyên giải Nobel Văn học Svetlana Alexievitch, người Belarus, đã phải lên tiếng cảnh báo các nước châu Âu rằng : Tổng thống Belarus vẫn là một « người Xô Viết không hề thay đổi ».

Còn nhà thơ, cũng là nhà đối lập Vladimir Nekliaev, từng ra úng cử tổng thống Belarus hồi 2010, thì nhận định : « Loukachenko không bao giờ cố gắng tự hoàn thiện mình vì ông ta luôn cho mình là nhất ». Nhân vật đối lập này nói thêm là chính nhan cách đó của Loukachenko đã ngăn cản đất nước phát triển.

Sinh ngày 30/8/1954, trong một gia đình nông dân, không rõ bố là ai. Cung quan lộ của Loukachenko bắt đầu khởi sắc từ năm 1990, khi ông được bầu vào Quốc hội nước Cộng hòa Xô Viết Belarus. Một năm sau, Liên Xô tan rã, Belarus tách ra độc lập. Đến năm 1994 ông đắc cử tổng thống Belarus.

Ngay lập tức cùng với những cố gắng ổn định tình hình kinh tế đất nước, Loukachenko dần dần thâu tóm quyền lực. Năm 1996, ông giải tán Quốc hội thay thế bằng một thành phần mới hoàn toàn thuần phục.

Là một người có tài hùng biện, có sức lôi cuốn, quyền hành nắm hết trong tay, kiểm soát được đối lập, Loukachenko không mấy khó khăn giành tiếp nhiệp kỳ tổng thống thứ 2, thứ 3 rồi đến thứ 4. Các kỳ bầu cử đó luôn bị các nước phương Tây đánh giá là phi dân chủ.

Chính ông Loukachenko hồi năm 2009 trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Nga đã nói rằng : « Tôi đã ra lệnh để tỷ lệ phiếu bầu không được là 93% mà phải là 80%. Bởi vì quá 90%, về mặt tâm lý là không được ». Nhiệm kỳ thứ 3, ông đã tái đắc cử với tỷ lệ 83% phiếu và nhiệm kỳ 4 là 80%.

Duy trì chế độ gia đình trị và cha truyền con nối ?

Có 3 người con trai, Tổng thống Belarus đặt nhiều hy vọng vào cậu út, Nikolai. Mới 11 tuổi, cậu bé đã được chuẩn bị cho kế tục sự nghiệp chính trị của cha. Cậu ấm nhà Loukachenko đã được tiếp xúc với hàng loạt chính khách lớn của thế giới từ Tập Cận Bình đến Barack Obama hay Giáo Hoàng, thậm chí còn ngồi giữa phái đoàn Belarus tại Liên Hiệp Quốc. Những động thái như vậy càng củng cố những tin đồn, Nikolai đã được chỉ định lãnh đạo Belarus trong tương lai.

Hồi tháng 9 vừa qua, bức ảnh của tổng thống Belarus và con trai chụp chung với vợ chồng Tổng thống Mỹ barack Obama đã lan truyền khắp mặt mạng xã hội tại Belarus. Trước đó việc cậu út Nikolai, hay gọi thân mật « Kolia », xuất hiện trong thành phần phái đoàn Belarus đi dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc  đầu tháng 9 vừa qua đã gây nhiều thắc mắc trong dư luận. Trong cuộc bầu cử tổng thống hôm Chủ nhật này (11/10/2015), vẫn lại Kolia cùng cha đi bầu cử và còn được tự tay bỏ lá phiếu vào thùng trước ống kính của các nhà báo . Mối quan tâm của Loukachenko với người con út này đang là một trong những chủ đề bàn tán nhiều nhất ở Belarus.

Kolia ra đời khi ông bố tổng thống của cậu đã bước sang tuổi 50. Mới 11 tuổi thôi nhưng cậu bé đã được tiếp kiến kiến Giáo Hoàng Bênêdicto 16, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hugo Chavez, và tất cả đều trong các buổi tiếp chính thức chứ không phải cá nhân, riêng tư gì.

Trên trang mạng internet cá nhân của mình, tiểu sử chính tức của Alexandre Loukachenko không coschi tiết nào nói về đời tư. Nhưng lãnh đạo Belarus thừa nhận Kolia là con trai thứ 3, với bà bác sĩ riêng Irina Abelskaia, chức không phải với bà vợ chính thức Galina. Bà này chỉ là mẹ của hai cậu con trai đầu : Viktor 39 tuổi, đang là cố vấn của Tổng thống về an ninh quốc gia, và Dmitri, 35 tuổi, đang lãnh đạo câu lạc bộ thể thao của tổng thống.

Theo trang mạng Partisan Belarus, Kolia chỉ bắt đầu bi lộ diện khi cậu bé lên 3 tuổi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga Dojd, ông Loukachenko đã khẳng định Kolia đã gặp vợ chính thức của ông nhiều lần và mẹ đẻ cậu bé không hề phản đối. Năm 2008, lãnh đạo Belarus  còn thổ lộ với tờ báo Nga Komsomolskaia Pravda là Kolia, khi đó 4 tuổi, chỉ chấp nhận bố cho ăn cho mặc.

Nhiều chuyên gia cũng như người dân bình thường ở Belarus cho rằng Kolia đang được chuẩn bị để làm người thừa kế quyền lực của cha. Năm 2012, chẳng phải đã nói với cố tổng thống Venezuela, Hugo Chavez rằng « đã có người sẽ tiếp tục sự hợp tác của chúng ta trong 20, 25 năm nữa » ?

Cậu út của Loukachenko đã nổi tiếng với tính hỡm hĩnh xem thường mọi người hay ngay cả chính với những người anh của mình. Tờ báo đối lập Balgazeta mới đây đã tiết lộ hình ảnh của truyền hình nhà nước cho thấy một cậu bé Kolia ngỗ ngược với chính hai người anh lớn Viktor và Dmitri.  Về phần mình tổng thống Loukachenko khẳng định vẫn cho cậu con trai theo học tại một trường bình thường ở ngoại ô Minsk, nơi gia đình ông đang ở.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.